Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cẩn trọng với cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép

Cảnh Nhật

Thứ sáu, 16/12/2022 - 06:35

(Thanh tra) - Trước nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng, các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ mọc lên như nấm sau mưa. Tuy nhiên, hiện có nhiều cơ sở chưa được cấp phép theo quy định vẫn ngang nhiên thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Để tránh những rủi ro có thể xảy ra, cần tìm hiểu kỹ, chọn đúng cơ sở khi có nhu cầu về làm đẹp.

Viện Thẩm mỹ Xanh Ponl và Thẩm mỹ viện 304 cung cấp dịch vụ mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Ảnh: SYT

Chưa được cấp phép vẫn phẫu thuật thẩm mỹ

Vụ việc cô gái 25 tuổi tử vong nghi do sốc phản vệ sau khi tiêm thuốc gây tê, gây mê tại cơ sở “chăm sóc da” mới đây vẫn còn khiến nhiều người giật mình. Trước đó, cô gái này đến Trung tâm Thẩm mỹ Key Beauty Center (số 154/9 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 8, quận Phú Nhuận) để đốt mỡ vùng 2 cánh tay và ngực trái.

Sau khi tiêm thuốc chuẩn bị tiền phẫu, bệnh nhân có biểu hiện tím tái, ngưng hô hấp tuần hoàn, được ép tim ngoài lồng ngực. Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng mê sâu, thở máy qua nội khí quản, mặc dù được hồi sức tích cực nhưng đã tử vong sau đó.

Qua kiểm tra tại cơ sở trên, lực lượng chức năng phát hiện biển hiệu đã tháo gỡ, các phòng trên tầng 1, 2 đã dọn sạch, tại tầng trệt còn sót lại 1 ghế tiểu phẫu. Chủ căn nhà cho biết, người thuê nhà kinh doanh dịch vụ “chăm sóc da”, đã thông báo trả nhà và dọn đi nơi khác.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện hàng loạt cơ sở thẩm mỹ vi phạm trong quá trình hoạt động. Trong đó, có nhiều cơ sở chưa được cấp phép theo quy định vẫn ngang nhiên thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Ngày 10/10/2022, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra hoạt động của cơ sở tại số 343/27 Tô Hiến Thành, phường 12, quận 10, phát hiện có thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho khách hàng. Tuy nhiên, cơ sở chưa được Sở Y tế cấp phép hoạt động theo quy định.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện có treo biển hiệu Thẩm mỹ viện 304. Cơ sở có bố trí phòng tư vấn, phòng mổ có trang bị các dụng cụ, vật tư, trang thiết bị y tế. Khu vực lầu 2 có khách hàng đang được chăm sóc sau khi phẫu thuật cắt bọng mắt.

Trước đó, ngày 21/9/2022, Thanh tra Sở Y tế phát hiện tại Viện Thẩm mỹ Xanh Ponl (số 258 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10) có thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ (cắt mỡ bọng mắt, đốt mụn thịt) cho khách hàng nhưng chưa được Sở Y tế cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

Ngày 23/9/2022, qua kiểm tra tại Thẩm mỹ Vennus By Asian (số 2B-2C Hồ Xuân Hương, phường Võ Thị Sáu, quận 3), Thanh tra Sở Y tế phát hiện tại lầu 4 và lầu 5 có trang bị giường phẫu thuật, đèn phẫu thuật, trang thiết bị dụng cụ phẫu thuật, thuốc và dụng cụ vật tư y tế chưa xuất trình hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ.

Tại cơ sở có các phiếu thu dịch vụ, phiếu thu tiền, đơn thuốc có thông tin về việc thực hiện các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong lĩnh vực thẩm mỹ. Cơ sở có dấu hiệu thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ như cắt mí mắt, hút mỡ, giảm béo, điện di mắt... cho khách hàng. Tuy nhiên, cơ sở này chưa được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định…

Cần tìm hiểu kỹ khi chọn cơ sở thẩm mỹ

Sở Y tế cho biết, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có 20 bệnh viện thẩm mỹ; 28 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ; 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ; 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da và nhiều cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng…

Theo quy định, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở thành 3 nhóm. Nhóm 1 là cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng. Nhóm 2 gồm cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da. Nhóm 3 là những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người.

Thực tế, qua thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm các cơ sở chăm sóc da, cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng (nhóm 1) và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da (nhóm 2), đã phát hiện và xử lý nghiêm một số cơ sở sử dụng thuốc tê dạng tiêm, cung cấp các dịch vụ làm đẹp trái phép.

Theo Sở Y tế, một trong những khó khăn hiện nay đối với cả người dân và cơ quan quản lý Nhà nước là chưa có quy định chi tiết hướng dẫn về biển hiệu của các cơ sở cung ứng dịch vụ làm đẹp. Hầu hết các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp đều chọn tên “thẩm mỹ viện” hay “viện thẩm mỹ”.

Để tránh những rủi ro có thể xảy ra, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ, chọn đúng các cơ sở cung cấp dịch vụ khi có nhu cầu làm đẹp. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở làm đẹp trái phép hãy gọi đường dây nóng chuyên tiếp nhận các phản ánh hành nghề trái phép, vẽ bệnh hoặc vào ứng dụng Y tế trực tuyến để Thanh tra Sở Y tế có thông tin, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định.

Sở Y tế yêu cầu các phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức tiếp tục tăng cường tham mưu cho UBND quận, huyện, TP triển khai quyết liệt hơn các giải pháp giúp quản lý chặt hơn; kịp thời phát hiện và ngăn chặn người hành nghề, các cơ sở hành nghề làm đẹp trái phép trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan quy định chặt hơn nữa về biển hiệu của các cơ sở làm đẹp; tăng nặng các mức xử phạt đủ sức răn đe các hành vi cố tình vi phạm pháp luật.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm