Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần những giải pháp hữu hiệu

Thu Huyền

Thứ ba, 09/04/2024 - 21:31

(Thanh tra) - Hiện nay, tình trạng xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra gay gắt, người dân trong vùng bị thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm ứng phó với tình trạng này.

Mô hình trữ nước ngọt trong các mương líp vườn cây ăn trái tại Tiền Giang. Ảnh: Thái Hùng/Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Ngày 8/4/2024, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 34/CĐ-TTg về việc tập trung bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trong các đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các địa phương có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn như các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau không được lơ là, chủ quan, tổ chức theo dõi sát tình hình, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/1/2024, số 19/CĐ-TTg ngày 8/3/2024 và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1/4/2024.

Nội dung Công điện số 34/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng người dân không có nước sinh hoạt.

Tiền Giang là địa phương đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn trong mùa khô 2023 - 2024.

Ngày 5/4/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các cấp, các ngành cần áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra tại huyện Tân Phú Đông.

Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã mở các vòi nước công cộng tại các huyện phía Đông của tỉnh như Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông để người dân đến lấy nước sử dụng miễn phí.

Cống ngăn mặn Phú Phong (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: Thái Hùng/Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Tại tỉnh Cà Mau, ngày 4/4/2024, UBND tỉnh đã ban hành Công văn hỏa tốc số 2523/UBND-NNTN về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, có nội dung yêu cầu UBND các huyện, TP Cà Mau chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, đơn vị có liên quan tập trung triển khai biện pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ gia đình bị thiếu nước, không chủ động được nguồn nước trên đất liền và cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo Hòn Chuối.

Tăng cường khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất đúng lịch mùa vụ, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát địa bàn, hướng dẫn từng tổ chức, hộ gia đình chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống thiệt hại do nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, độ mặn tăng cao.

Các địa phương như Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre... cũng đang nghiêm túc triển khai các biện pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, biện pháp cấp bách nhất là đảm bảo nguồn nước phục vụ đời sống và sinh hoạt của người dân địa phương.

Về lâu dài, các biện pháp công trình vẫn được các địa phương chú trọng thực hiện. Đặc biệt là việc xây dựng mới và tu bổ các công trình thủy lợi phòng, chống hạn mặn và việc đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì về tình hình bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, phòng, chống xâm nhập mặn diễn ra ngày 7/4/2024, lãnh đạo các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang kiến nghị Trung ương tiếp tục dành nguồn lực hỗ trợ địa phương hoàn thành, mở rộng những dự án thuỷ lợi phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo đảm cung cấp nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, phục vụ sản xuất; có giải pháp phòng, chống sạt lở cho các khu vực dân cư ven các sông, kênh, rạch.

Bên cạnh các biện pháp công trình, các giải pháp phi công trình trong ứng phó hạn mặn cũng được các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm thực hiện. Trong đó có việc nâng cao năng lực tuyên truyền, cảnh báo, cập nhật về tình trạng hạn mặn và công tác ứng phó qua các phương tiện truyền thông; phát triển nông nghiệp đa dạng, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.

Theo EVNNPC

21:24 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm