Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 5: Đông Sơn từ lâu đã ăn sâu vào tâm trí, lịch sử của người dân Thanh Hóa

Văn Thanh

Thứ tư, 12/06/2024 - 12:25

(Thanh tra) - Nhập huyện Đông Sơn vào thành phố (TP) Thanh Hóa sẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển TP Thanh Hóa trở thành đô thị lớn, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa...

Làng cổ Đông Sơn. Ảnh: CTV

Nền văn hóa Đông Sơn lưu mãi trong lịch sử Việt Nam

Theo kế hoạch, toàn bộ huyện Đông Sơn gồm 14 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 1 thị trấn Rừng Thông và 13 xã Đông Hòa, Đông Hoàng, Đông Khê, Đông Minh, Đông Nam, Đông Ninh, Đông Phú, Đông Quang, Đông Thanh, Đông Thịnh, Đông Tiến, Đông Văn, Đông Yên sẽ nhập về TP Thanh Hóa và lấy tên là TP Thanh Hóa trực thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Việc sáp nhập sẽ làm mất đi cái tên “Đông Sơn”, khiến nhiều người dân “tiếc nuối”.

Theo lịch sử ghi lại, Đông Sơn là vùng đất cổ, nơi quần cư của người Việt cổ, là một địa chỉ khảo cổ nổi tiếng ở Việt Nam, nơi phát hiện ra nền văn hóa Đông Sơn của người Lạc Việt, là địa điểm tìm thấy số lượng trống đồng nhiều nhất Việt Nam nên các trống đồng được tìm thấy ở đây gọi là trống đồng Đông Sơn.

Đông Sơn được nhiều người biết đến bởi gắn liền với nền văn hóa Đông Sơn, nền văn hóa của thời đại đồ đồng. Ảnh: CTV

Đông Sơn còn là một trong những nơi đặt trung tâm lỵ sở của Thanh Hóa.

Từ buổi đầu là "Thành Tư Phố, Thành Đông Phố thời Đường, đến Hạc Thành thời Nguyễn". Bắt đầu từ thời Trần đặt tên là huyện Ðông Sơn thuộc trấn Thanh Ðô, tên huyện Ðông Sơn có từ đây. Qua các thời thuộc Minh huyện Đông Sơn thuộc phủ Thanh Hoá, từ thời Lê Quang Thuận, thuộc phủ Thiệu Thiên.

Đầu thời Nguyễn (đầu thế kỷ XIX), Vua Gia Long đổi phủ Thiệu Thiên thành phủ Thiệu Hoá. Huyện Ðông Sơn thuộc phủ Thiệu Hoá, lúc này huyện Ðông Sơn có 6 tổng với 145 xã, thôn, trang, vạn, gia, giáp, sở, phường, gồm địa bàn huyện Đông Sơn, phần lớn TP Thanh Hoá ngày nay và 8 xã phía Nam sông Chu thuộc huyện Thiệu Hoá ngày nay (gồm các xã Thiệu Viên, Thiệu Lý, Thiệu Vận, Thiệu Trung, Thiệu Đô, Thiệu Châu, Thiệu Giao, Thiệu Tân).

Năm 1804, Vua Gia Long ra chỉ dụ dời trấn thành Thanh Hóa từ làng Dương Xá (thuộc tổng Đại Bối, huyện Đông Sơn, nay thuộc phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) về làng Thọ Hạc (thuộc tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, nay thuộc phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa).

Ngày 22/7/1889, theo Đạo dụ của Vua Thành Thái, 7 làng Đức Thọ Vạn, Cẩm Bào Nội, Cốc Hạ, Phủ Cốc (Tổng Bố Đức); Thọ Hạc, Đông Phố, Nam Phố (Tổng Thọ Hạc) thuộc huyện Đông Sơn được tách ra để thành lập thị xã Thanh Hóa.

Năm 1900, tách 2 Tổng Vận Quy và Đại Bối (địa bàn 8 xã thuộc huyện Thiệu Hóa nêu trên, cùng với các xã Thiệu Dương, Thiệu Khánh, Thiệu Vân (nay thuộc TP Thanh Hóa) khỏi huyện Đông Sơn, nhập vào huyện Thụy Nguyên.

Năm 1928, huyện được đổi thành phủ, bao gồm 7 tổng: Thạch Khê, Kim Khê, Tuyên Hóa, Quảng Chiếu, Viễn Chiếu, Thọ Hạc và Bố Đức với 115 làng.

Đông Sơn từng nhiều lần tách, nhập

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, chia 7 tổng cũ của huyện thành 22 xã.

Năm 1948, các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Đông Sơn được tổ chức từ 22 xã xuống còn 13 xã, lấy chữ "Đông" là chữ đầu tiên của tên xã.

Cuối năm 1954, cả 13 xã của huyện lại được chia thành 25 xã.

Ngày 16/3/1963, xã Đông Giang (gồm 3 làng Nghĩa Phương, Đông Sơn và Nam Ngạn) thuộc huyện Đông Sơn cùng với xóm Núi xã Hoằng Long, huyện Hoằng Hóa sáp nhập vào thị xã Thanh Hóa, nay thuộc địa bàn các phường Hàm Rồng, Nam Ngạn và Trường Thi, TP Thanh Hóa.

Ngày 28/8/1971, các xã Đông Vệ, Đông Hương, Đông Hải sáp nhập vào thị xã Thanh Hóa.

Ngày 5/7/1977, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 177/CP trong đó sáp nhập 16 xã của huyện Thiệu Hóa ở hữu ngạn sông Chu, thành lập huyện Đông Thiệu (phần còn lại của huyện Thiệu Hoá sáp nhập với huyện Yên Định, thành lập huyện Thiệu Yên). Huyện Đông Thiệu có 36 xã.

Ngày 30/8/1982, theo Quyết định số 149/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, huyện Đông Thiệu đổi lại là huyện Đông Sơn.

Vùng đất huyện Đông Sơn hiện nay. Ảnh: CTV

Ngày 28/1/1992, thành lập thị trấn Rừng Thông trên cơ sở một phần diện tích, dân số các xã Đông Lĩnh, Đông Tiến, Đông Xuân, Đông Tân.

Ngày 6/12/1995, xã Đông Cương sáp nhập vào TP Thanh Hóa. Ngày 18/11/1996, tách 16 xã ở hữu ngạn sông Chu để tái lập huyện Thiệu Hóa theo Nghị định số 72/CP của Chính phủ.

Ngày 21/4/2006, thành lập thị trấn Nhồi trên cơ sở một phần diện tích và dân số của các xã Đông Hưng và Đông Tân.

Ngày 29/2/2012, một phần diện tích và dân số với 24 km² và 31.761 người của huyện Đông Sơn (gồm các xã Đông Lĩnh, Đông Tân, Đông Hưng, Đông Vinh và thị trấn Nhồi) được chuyển về TP Thanh Hoá.

Ngày 14/5/2015, sáp nhập toàn bộ 190,67ha diện tích tự nhiên, 2.808 người của xã Đông Xuân; điều chỉnh 291,37ha diện tích tự nhiên, 4.585 người (gồm toàn bộ 93,07ha, 1.970 người của thôn Toàn Tân; 181,04ha, 2.615 người của thôn Đại Đồng, 17,26ha của thôn Triệu Xá 1) thuộc xã Đông Tiến; 31,05ha diện tích tự nhiên, 50 người (24,84ha, 15 người của thôn 6 và 6,21ha, 35 người của thôn 7) thuộc xã Đông Anh vào thị trấn Rừng Thông.

Ngày 16/10/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, sáp nhập xã Đông Anh vào xã Đông Khê. Huyện Đông Sơn có 1 thị trấn và 13 xã hoạt động ổn định từ đó đến nay.

Cái tên Đông Sơn từ lâu đã ăn sâu vào tâm trí, lịch sử của người dân Thanh Hóa. Việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và lấy tên là TP Thanh Hóa, không còn tên Đông Sơn làm nhiều cử tri "luyến tiếc".

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm