Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 4: Bài toán sắp xếp đội ngũ cán bộ sau sáp nhập cần được lưu tâm giải quyết

Văn Thanh

Thứ hai, 03/06/2024 - 08:00

(Thanh tra)- Việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa là việc làm cần thiết, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp về kinh tế, mở rộng địa giới hành chính, xây dựng chiến lược phát triển TP Thanh Hóa xứng tầm đô thị loại I. Tuy nhiên, công tác sắp xếp cán bộ cũng là bài toán nan giải đối với lãnh đạo cấp tỉnh và TP Thanh Hóa sau sáp nhập…

Bài toán sắp xếp cán bộ sau khi nhập huyện Đông Sơn về TP Thanh Hóa cần được lưu tâm giải quyết. Ảnh: VT

Nhiều chức vụ đang để “trống” chờ sáp nhập

Có thể nói, một trong những vấn đề quan trọng và đáng lưu tâm trong việc sáp nhập huyện Đông Sơn về TP Thanh Hóa là sắp xếp đội ngũ cán bộ đang công tác tại huyện Đông Sơn và TP Thanh Hóa. Bởi lẽ, trước khi sáp nhập thì các đơn vị hành chính ở cả hai địa phương này đều như nhau, các đơn vị đều có người đứng đầu, cấp phó, trưởng, phó các phòng, ban, đơn vị… Nếu sắp xếp sau sáp nhập sẽ không tránh khỏi các trường hợp người đang làm cấp trưởng sẽ phải xuống làm cấp phó hoặc chuyển đổi vị trí làm công tác khác. Do đó, hiện nay nhiều cán bộ công tác ở hai địa phương này rất tâm tư, không biết mình sẽ được sắp xếp như thế nào.

Tại huyện Đông Sơn, để chuẩn bị cho việc sáp nhập về TP Thanh Hóa, liên quan đến công tác cán bộ trong thời gian qua có nhiều vị trí cấp trưởng, cấp phó thuộc Huyện ủy, UBND huyện chuyển công tác hoặc về nghỉ chế độ đã không kiện toàn, bổ nhiệm mới mà chờ việc sáp nhập xong mới đề xuất kiện toàn. Cụ thể đó là các chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch và Phó Chủ tịch MTTQ, Phó Chủ tịch UBND huyện; Phó phòng Nông nghiệp, Phó Chánh Thanh tra…

Tương tự, tại TP Thanh Hóa các chức vụ Trưởng phòng Tài chính; Chủ tịch MTTQ, Trưởng ban Dân vận, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và mộ số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp xã, phường sau khi về nghỉ chế độ hoặc chuyển công tác vẫn đang để trống để chờ nhập huyện Đông Sơn về TP Thanh Hóa mới bố trí sắp xếp, bổ nhiệm mới.

Trước khi sáp nhập Đông Sơn về TP Thanh Hóa, nhiều chức danh lãnh đạo đang để trống chờ bố trí sau sáp nhập. Ảnh: VT

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Lê Trọng Thụ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn cho biết: Thực hiện đề án nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa, về công tác lấy ý kiến cử tri, trong ngày 1/6/2024 huyện đã thực hiện xong công việc này. Kết quả kiểm phiếu đạt gần 98%, đa số cử tri đều đồng tình, ủng hộ việc sáp nhập. Về công tác cán bộ, quan điểm của tỉnh những cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý sẽ giữ nguyên và sắp xếp các chức vụ tương đương. Đối với các chức danh trưởng, phó phòng ban, đơn vị sẽ có đồng chí tiếp tục làm trưởng các phòng, ban, đơn vị nhưng cũng có đồng chí sẽ phải xuống làm cấp phó hoặc các đồng chí chưa đi cơ sở thì luân chuyển về làm bí thư đảng ủy hoặc chủ tịch các xã, phường...

“Quan điểm của tỉnh, huyện, TP là tạo mọi điều kiện tốt nhất để các cán bộ, công chức, viên chức yên tâm, đoàn kết, gắn bó thực hiện tốt chuyên môn, hoàn thành nhiệm vụ được giao sau khi sáp nhập. Đối với các cơ quan hành chính khác trên địa bàn sẽ thực hiện sắp xếp theo ngành dọc như Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Kho bạc Nhà nước, Công an huyện, Chi cục Thuế…”, ông Thụ thông tin.

Cán bộ cấp trưởng, cấp phó bày tỏ "băn khoăn"

Tuy nhiên, qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của một số lãnh đạo cấp phòng, ban ở huyện Đông Sơn và TP Thanh Hóa, nhiều cán bộ bày tỏ “băn khoăn” cho rằng, sau khi sáp nhập Đông Sơn về TP Thanh Hóa thì các cán bộ ở huyện Đông Sơn phải xuống trụ sở TP Thanh Hóa đi làm xa hơn, tốn thời gian hơn, chi phí nhiều hơn. Bên cạnh đó, môi trường làm việc lâu nay ở cấp huyện đang là môi trường nông thôn, về TP là thành thị sẽ còn nhiều bỡ ngỡ, chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Nhiều trường hợp trưởng phòng, phó phòng băn khoăn không biết sẽ tiếp tục giữ nhiệm vụ làm trưởng hay xuống làm phó, có được bố trí công việc đúng chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, sở trường, chuyên ngành đã học và đang làm lâu nay hay không... Do đó, việc sắp xếp đội ngũ cán bộ sau sáp nhập là bài toán cần được các cấp, các ngành của tỉnh Thanh Hóa và TP Thanh Hóa lưu tâm giải quyết.

Sau sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa ngoài công tác cán bộ, các trụ sở dôi dư cũng đang là bài toán đáng lo ngại. Ảnh: VT

Trước đó, để chuẩn bị cho đề án và kế hoạch nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa, liên quan đến công tác tiếp nhận và bổ nhiệm cán bộ, ngày 9/6/2022, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Văn bản số 677-CV/TU gửi Ban Thường vụ Thành ủy TP Thanh Hóa và Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Sơn tạm dừng bổ nhiệm chức danh trưởng, phó ban, phòng, đơn vị trực thuộc khối Nhà nước, khối Đảng, đoàn thể của TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn kể từ ngày 1/11/2022. Trường hợp thật sự cần thiết phải bổ nhiệm hoặc chuẩn bị nhân sự cho đại hội các đoàn thể theo nhiệm kỳ thì báo cáo Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến đối với từng trường hợp cụ thể...

Theo đánh giá của ông Lê Văn Tùng, Trưởng phòng Nội vụ TP Thanh Hóa: Sau khi nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa thì TP Thanh Hóa mới sẽ có quy mô dân số và diện tích lớn hơn nên công tác quản lý Nhà nước thời gian đầu sẽ gặp khó khăn; giải quyết một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư sau khi sắp xếp gặp khó khăn; ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng, quyền lợi của một bộ phận cán bộ, công chức nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác của cán bộ, công chức và các cơ quan quản lý trong thời gian đầu. Việc này trong quá trình công tác sẽ dần ổn định và đi vào nền nếp trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh khó khăn về công tác sắp xếp cán bộ, việc xử lý tài sản, trụ sở dôi dư để không lãng phí, hư hỏng cũng sẽ gặp khó khăn. Đồng thời, việc phải thay đổi, điều chỉnh các giấy tờ, địa chỉ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp sau sáp nhập Đông Sơn về TP Thanh Hóa cũng là điều đáng lo ngại…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm