Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tuyên án ngoài phòng xử ?!

Thứ năm, 14/04/2011 - 17:44

(Thanh tra) - Theo lời kêu gọi đầu tư của Đảng và Nhà nước, một Việt kiều Úc nặng lòng với quê hương đã bỏ hàng triệu USD góp vốn với một doanh nghiệp Nhà nước tầm cỡ của TP. Hồ Chí Minh để lập nên liên doanh Saindes. Thế nhưng, “cuộc tình” đã sớm tàn, liên doanh giải thể và ròng rã hơn 10 năm qua vị doanh nhân này đã phải ngược xuôi Nam - Bắc trong vòng xoáy tố tụng để tìm công lý. Nhưng hành trình vẫn chưa có hồi kết, bởi cách hành xử bất nhất của các cơ quan chức năng.

Sau hơn 8 năm ngâm án, Tòa kinh tế TAND TP. Hồ Chí Minh mới chịu đưa vụ tranh chấp trong việc giải thể  Công ty liên doanh sản xuất băng từ Sài Gòn (Saindes) ra xét xử lại. Thế nhưng, sau khi bản án được tuyên, Chủ tọa phiên tòa đã 2 lần ra văn bản đính chính và bổ sung những nội dung phán quyết mới vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Liên doanh triệu USD

Năm 1993, Công ty liên doanh sản xuất Băng từ Sài Gòn (Saindes) được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa Công ty Vàng bạc đá quý TP. Hồ Chí Minh (SJC) với Công ty Indesen (Hong Kong) Co., LTD (Indesen) và Công ty Asia Investment and Trading (AIT) do ông Thái Hưng - Việt kiều Úc đại diện với tổng số vốn đầu tư gần 10,5 triệu USD, trong đó vốn pháp định gần 9,5 triệu  USD. Tỉ lệ góp vốn của SJC là 45% vốn pháp định và phía nước ngoài là 55%.

Do mâu thuẫn, bất đồng nội bộ nên hoạt động được hơn 4,5 năm liên doanh (LD) phải xin giải tán và đến cuối tháng 12/1997, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn y. Tưởng chừng việc phân chia tài sản sau cuộc “hôn nhân” ngắn ngủi sẽ được giải quyết nhanh chóng, thế nhưng nhùng nhằng gần 2 năm, đến tháng 06/1999 hai bên mới có thể ký phương án chia tài sản.

Sửa chữa, bổ sung bản án

Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Việc sửa chữa, bổ sung phải được thông báo ngay cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc sửa chữa, bổ sung; đồng thời thông báo cho cơ quan, tổ chức khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp. (Trích Ðiều 240 Bộ luật TTDS)

Theo phương án này, phía đối tác nước ngoài sẽ nhận máy móc, thiết bị, SJC sẽ nhận các tài sản còn lại và chịu trách nhiệm thanh toán công nợ của LD. Một tháng sau, một bảng phân chia tài sản cố định được lập chi tiết có các bên ký xác nhận và tiến hành lập biên bản bàn giao. Các cơ quan chức năng và ngân hàng có liên quan cũng đã được thông báo tình hình và có ý kiến đồng tình.

Thế nhưng, việc phân chia tài sản LD đã bị “phá vỡ” khi Tổng Giám đốc Nguyễn Thành Long của SJC phủ nhận toàn bộ công sức, ý chí của các bên, của các ban ngành và các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi cho rằng “Biên bản bàn giao ngày 11/01/2000 không có giá trị pháp lý”.

Trước cách hành xử “cù nhầy” của đối tác, phía LD nước ngoài đã buộc phải cậy nhờ đến hệ thống Tòa án để giải quyết hậu sự. Từ đây, vòng xoáy tố tụng đã lấy đi thời gian, sức lực, cơ hội làm ăn… thậm chí cả hạnh phúc gia đình của Việt kiều Thái Hưng. Do việc phân chia tài sản trong LD Saindes chưa ngã ngũ, tài sản không thu hồi được đồng nào nên ông Thái Hưng đã không thể hoàn trả lại số tiền 1,4 tỉ đồng nhận của người bạn góp vào để tiếp tục sản xuất băng Video tại KCN Tân Tạo nên 5 năm nay ông Hưng đã bị “giam lỏng”, không thể về nước thăm vợ thăm con vì bị cấm xuất cảnh.

Sửa rồi, sửa nữa vẫn cứ... sai!

Năm 2001 vụ án được TAND TP. Hồ Chí Minh và Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP. Hồ Chí Minh đưa ra xét xử và cả 2 cấp tòa đều bác toàn bộ yêu cầu chia tài sản, bồi thường thiệt hại của phía LD nước ngoài (Indesen và AIT) cũng như yêu cầu thanh toán các chế độ trợ cấp thôi việc, BHXH… của ông Thái Hưng. Tháng 11/2003, vụ án được mở lại theo trình tự Giám đốc thẩm và Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã quyết định hủy cả 2 bản án sơ và phúc thẩm để giải quyết lại theo thủ tục chung. Theo bản án Giám đốc thẩm, việc tòa án cấp sơ và phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (Indesen và AIT) là không đúng và không phù hợp với thực tế của vụ án. Mặt khác, án sơ và phúc thẩm bác yêu cầu của ông Thái Hưng đòi LD Saindes trả lương, trợ cấp thôi việc, BHXH và các khoản nợ khác là trái với quy định tại Điều 41 Nghị định 24/CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam…

Sau hơn 8 năm ngâm án, ngày 28/12/2010, TAND TP. Hồ Chí Minh mới đưa vụ việc ra xét xử lại. Và tại bản án số 2001/2010/KDTM-ST, Hội đồng xét xử TAND TP. Hồ Chí Minh đã tiếp thu quan điểm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và đã chấp nhận phần nào yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cũng như yêu cầu mới phản tố của SJC. Tuy nhiên, 10 vấn đề cốt lõi mà phía nguyên đơn và ông Thái Hưng yêu cầu như đòi SJC bồi thường thiệt hại và lãi hơn 5,2 triệu USD; thiệt hại và lãi do SJC đem nhà xưởng, mặt bằng cho thuê trái phép trong hơn 10 năm qua là hơn 533 nghìn USD và 2,5 tỉ đồng… đã không được chấp nhận.

Sau khi bản án được phát hành, ngày 22/02/2011, Thẩm phán Phan Gia Quý đã ban hành văn bản số 42/TB-TA thông báo sửa chữa bổ sung bản án số 2001/2010/KDTM-ST đính chính 2 điểm và bổ sung thêm 1 vấn đề mới vào bản án. Tiếp đó, ngày 14/03/2011 Thẩm phán Phan Gia Quý lại ra văn bản số 47/TB-TA bổ sung thêm 2 vấn đề hoàn toàn mới chưa được đề cập trong bản án số 2001/2010/KDTM-ST. Đó là việc buộc ông Thái Hưng trả cho LD Saindes gần 23 triệu đồng tiền tạm ứng thẩm định; buộc SJC hoàn trả hơn 226 triệu đồng tồn quỹ cho LD Saindes. Việc bổ sung những nội dung mới này của TAND TP. Hồ Chí Minh đã vi phạm tố tụng nghiệm trọng. Đặc biệt, chính trong 2 văn bản đính chính, sửa chữa bổ sung của TAND TP. Hồ Chí Minh lại xuất hiện lỗi morratte ngay khi viết “…bản án sơ thẩm số 2001/2011/KDTM-ST ngày 28/12/2010…” lẽ ra phải là Bản án sơ thẩm số 2001/2010/KDTM-ST ngày 28/12/2010.

Với những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng này, chắc chắn bản án sơ thẩm sẽ bị hủy để xử lại (nguyên đơn đã kháng cáo) và như thế hành trình tố tụng của vụ án này lại quay về vạch xuất phát.

Bỏ ra hàng trịêu USD để góp vốn LD với SJC, giờ đây các đối tác nước ngoài đang đứng trước nguy cơ mất trắng bởi họ chẳng nắm giữ một tài sản nào. Trong khi đó, hành trình đi tìm công lý vẫn xa mờ mịt.

Gia Bảo

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

(Thanh tra) - Ngày 13/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đã ký văn bản về việc kiểm tra việc huy động vốn tại Dự án (DA) Khu dân cư và dịch vụ (KDC&DV) Cầu Hưng - Lai Nghi (giai đoạn 1), thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, do Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt (Cty Sài Gòn Thành Đạt) làm chủ đầu tư.

P. B

16:05 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm