Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 03/03/2011 - 10:50
(Thanh tra)- Sau một thời gian tạm lắng xuống do các ban, ngành chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát, chấn chỉnh, gần đây tại địa bàn xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa lại xuất hiện tình trạng khai thác trái phép quặng Crômmit vô tội vạ.
Quặng tặc hoành hành đang phá nát lòng hồ Hương Sơn.
Tấn công lòng hồ
Từ quốc lộ 47 rẽ tay trái, chúng tôi hỏi thăm về vùng quặng Crômmit nổi tiếng nhất xứ Thanh thuộc địa bàn các xã Tân Ninh, Vân Sơn, Thái Hòa (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Từ dưới lòng hồ Hương Sơn (thuộc địa bàn xã Vân Sơn) và trong các lùm cây khuất bóng, tiếng máy nổ của những dàn máy khai thác quặng trái phép vọng ra inh ỏi. Nước thải hoà lẫn chất độc hại chảy lênh láng khắp nơi trên mặt đất, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nhằm bảo vệ an toàn cho các dàn máy khai thác quặng trái phép mà không bị lực lượng chức năng bắt gặp, các chủ máy bố trí một số “đầu gấu” đứng canh gác ở các cửa ngõ ra vào. Thấy động, họ lập tức dùng điện thoại di động báo cho các “đầu nậu” bên trong tắt máy, tẩu tán và lẩn trốn. Do vậy, hầu hết các cuộc truy bắt của các cơ quan chức năng đều không mấy hiệu quả.
Men theo lòng hồ Hương Sơn, chúng tôi được “mục sở thị” một đại công trường của “quặng tặc”. Dưới lòng hồ, những căn lều tạm được dựng bằng luồng, tre, phía trên lợp một tấm bạt màu xanh để cho các “đầu nậu” làm nơi trú ngụ tạm thời. Hàng nghìn bì quặng khai thác trái phép được đóng sẵn, xếp thành đống cao ngất ngưởng chờ người đến vận chuyển đưa đi tiêu thụ. Mặc dù, tình trạng khai thác quặng diễn ra ồ ạt, có quy mô, phức tạp nhưng không thấy bóng dáng lực lượng chức năng nào kiểm tra, quản lý! Bên cạnh những bãi quặng đóng bì là các hố tử thần sâu hoắm do khai thác nham nhở, phía dưới máy nổ, tổng bơm được lắp sẵn, chờ đêm xuống là hành động. Qua quan sát, dưới lòng hồ Hương Sơn có đến vài chục điểm khai thác quặng trái phép.
Để vận chuyển quặng ra khỏi lòng hồ, các đầu nậu thuê một đội quân đi xe máy cà tàng, mỗi xe trung bình chở 5 - 6 bì quặng/lần. Cứ như thế, quặng trái phép được đưa ra khỏi địa bàn một cách an toàn. Một công nhân làm đường giao thông ở đây cho biết: Tình trạng khai thác quặng trái phép đã xuất hiện trong thời gian dài, nhất là vào ban đêm điện sáng khắp lòng hồ, máy nổ thi nhau xả khói hút quặng lên bờ giống như một nhà máy lớn đang hoạt động hết công suất.
Ai tiếp tay cho “quặng tặc” ?
Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Vân Sơn thừa nhận: Hiện nay, tại khu vực lòng hồ Hương Sơn và một số địa điểm khác đang xảy ra tình trạng khai thác quặng Crômmit trái phép. Năm 2009, chính quyền xã Vân Sơn đã làm tờ trình và được Nhà nước hỗ trợ 14,8 tỷ đồng để làm kè, lát hồ chứa nước Hương Sơn phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp. Trong quá trình xả nước để kè lát hồ, nhiều đối tượng đầu nậu đã lợi dụng đưa máy móc, phương tiện vào khai thác quặng trái phép.
Trả lời câu hỏi của PV: Tại sao quặng bị khai thác trái phép vô tội vạ, chất thành từng đống, nhưng không bị chính quyền ngăn chặn, bắt giữ? Ông Hải trả lời: Phải có phương tiện vận chuyển và lực lượng chức năng tiếp sức. Nếu xã có ra quân thì cũng chỉ bắt máy và tổng bơm thôi, các “đầu nậu’ ở đây dữ lắm nên rất khó xử lý. “Chính quyền xã không phải lúc nào cũng huy động lực lượng bảo vệ hồ được, công tác quản lý, bảo vệ mỏ và tài nguyên quặng chủ yếu giao cho Cty Cổ phần Crômmit Cổ Định Thanh Hóa. Đồng thời, trên địa bàn cũng có tới 6 chiến sỹ Cảnh sát Môi trường đang làm nhiệm vụ”, ông Hải nói.
Theo kế hoạch đến ngày 31/12/2010, công trình đắp đập, kè lát hồ Hương Sơn phải hoàn thành, thế nhưng đến thời điểm đầu tháng 3 này, công trình vẫn đang dở dang không có người thi công. Trong khi đó, dưới lòng hồ máy móc khai thác quặng trái phép tràn lan, vì thế nhiều câu hỏi đang được đặt ra ở đây là: Tại sao công trình chưa hoàn thành lại không có người, phương tiện thi công? Có hay không một thế lực đang “bảo kê” cho “quặng tặc” hoành hành?
Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Lê Xuân Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn khẳng định: Hồ Hương Sơn chỉ có kế hoạch đắp, kè, lát chứ không có phương án nạo vét lòng hồ khai thác quặng như một số người dân phản ánh. Gần đây, Nhà máy chế biến quặng Ferocrom của Cty TNHH Crômmit Nam Việt chạy thử không đủ nguồn nguyên liệu nên tình trạng khai thác quặng trái phép đã diễn ra. Chúng tôi cũng đã đi kiểm tra bằng ô tô, chỉ thấy một số máy nổ thắp đèn khai thác. Vì là ban đêm nên không thể xử lý các trường hợp vi phạm được!
Nếu như lời ông Dương giải thích thì “quặng tặc” tổ chức khai thác vào ban đêm mà không thể xử lý thì tình trạng tài nguyên khoáng sản của Nhà nước bị “chảy máu” đến bao giờ mới được ngăn chặn? Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm chỉ đạo các ban, ngành chức năng phối hợp chính quyền địa phương vào cuộc truy quét nạn “quặng tặc”, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản của Nhà nước.
Văn Thanh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 13/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đã ký văn bản về việc kiểm tra việc huy động vốn tại Dự án (DA) Khu dân cư và dịch vụ (KDC&DV) Cầu Hưng - Lai Nghi (giai đoạn 1), thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, do Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt (Cty Sài Gòn Thành Đạt) làm chủ đầu tư.
P. B
16:05 13/12/2024(Thanh tra) - Hôm nay (13/12), Bộ Công an phát động đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trên phạm vi toàn quốc.
Trần Quý
15:58 13/12/2024Trần Quý
15:47 13/12/2024Trung Hà
15:36 13/12/2024Văn Thanh
15:18 13/12/2024Ngọc Giàu
13:51 13/12/2024Chính Bình
Nam Dũng
Trung Hà
T.Thanh
Thái Hải
PV
Lâm Ánh
Thanh Giang
P. B
Thu Huyền
Nguyễn Điểm
Nam Dũng