Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quá quy định 15 tháng vẫn chưa xử !

Chủ nhật, 03/07/2011 - 16:13

(Thanh tra) - Nếu theo đúng quy định, lẽ ra vụ khởi kiện hành chính về quyết định của UBND tỉnh Phú Yên thu hồi đất dự án Khu du lịch Sinh thái (resort) Bãi Môn - Mũi Điện đã phải được đưa ra xét xử giám đốc thẩm từ cách đây…15 tháng!

Khu đất này lẽ ra đã là một resort từ cách đây gần 4 năm!_Ảnh Thiện Nhân

Khốn đốn một dự án

Nguồn cơn dẫn tới việc UBND tỉnh Phú Yên bị kiện là do ngày 24/12/2007 tỉnh đã ra Quyết định số 2466/QĐ-UBND đường đột yêu cầu chủ đầu tư khu resort là Công ty cổ phần Sơn Dũng Bảo (SDB) phải ngừng thực hiện dự án, đồng thời chóng vánh đòi thu hồi GCNQSDĐ mà chính UBND tỉnh đã cấp cho nhà đầu tư trước đây, bất chấp thực tế lúc đó chủ đầu tư đang triển khai dự án có hiệu quả, đã bước vào khâu tập kết vật tư, thiết bị nhân lực, chuẩn bị công trường và đã sẵn sàng phát lệnh khởi công.

Trong phiên sơ thẩm diễn ra ngày 18/9/2008, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Phú Yên đã xử phần thắng cho cấp trên của mình - tức UBND tỉnh - khi tuyên bác đơn kiện của SDB và giữ nguyên quyết định của UBND tỉnh thu hồi đất đối với dự án resort Bãi Môn - Mũi Điện. Luật sư bào chữa cho bên khởi kiện nói rằng, bản án sơ thẩm đó chỉ dựa vào các báo cáo thiếu khách quan của các cơ quan và của chính UBND tỉnh Phú Yên mà không căn cứ vào các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp, luật Di sản văn hóa và nhiều văn bản khác có liên quan, từ đó tòa sơ thẩm đã thiếu khách quan trong quyết định bản án, làm thiệt hại quyền lợi cho người khởi kiện.

Lý lẽ được UBND tỉnh đưa ra để giải thích với nhà đầu tư là “phải dừng dự án, thu hồi đất để giao đất đó cho một nhà đầu tư khác mới đến - dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô có hành lang an toàn 1 km bao phủ lên dự án resort”. Thế nhưng, luật sư bào chữa bên nguyên cho biết, trên thực tế nhà máy lọc dầu Vũng Rô mới chỉ được cấp Giấy chứng nhận đầu tư mà chưa hoàn thành việc khảo sát, đo vẽ bản đồ trên thực địa tỉ lệ 1/500, 1/2000 cũng chưa lập bản vẽ tổng thể mặt bằng quy hoạch chi tiết 1/500, 1/2000 và chưa có dự án khả thi, hồ sơ thiết kế cơ sở theo quy định của pháp luật về đầu tư. Bởi vì pháp luật hiện hành quy định các dự án đầu tư có liên quan đến sử dụng đất phải có bản vẽ mặt bằng quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, 1/2000, phải được cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt mới có cơ sở pháp lý để định vị, xác định vị trí chính xác của dự án trên thực địa, từ đó mới có cơ sở pháp lý để tiến hành cho thuê đất và cấp GCNQSDĐ; đồng thời khẳng định khu đất nào nằm trong dự án phải thu hồi để giải phóng mặt bằng phục vụ cho công trình. Chỉ đến đây mới có cơ sở để triển khai thu hồi đất.

Luật sư bào chữa bên khởi kiện còn khẳng định rằng, trên thực địa từ eo vịnh Vũng Rô đến Bãi Môn - Mũi Điện khoảng cách thực tế chỗ gần nhất là 3 km còn xa nhất là 4,5 km. Điều này có nghĩa là dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô vốn được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư trên diện tích 200 ha đất liền và 210 ha mặt nước biển hoàn toàn không thể bao trùm, chồng lấp lên diện tích khu resort Bãi Môn - Mũi Điện được.

Có một tình tiết đáng chú ý: Ngày 22/8/2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 67/2008/QĐ-BVHTTDL, theo đó xếp hạng khu vực danh thắng mũi Đại Lãnh - Bãi Môn xã Hòa Tâm huyện Đông Hòa tỉnh Phú Yên là khu di tích quốc gia, trong đó toàn bộ đất của dự án Khu du lịch Sinh thái Bãi Môn - Mũi Điện nằm trong khu bảo vệ 1 và 2. Mũi Đại Lãnh đọc theo tiếng địa phương chính là Mũi Điện.

Tiếp theo, ngày 11/3/2009, Cục Di sản Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 160/DSVH-DT gửi UBND tỉnh Phú Yên với nội dung khẳng định ủng hộ việc tiếp tục đầu tư xây dựng Khu du lịch Sinh thái Bãi Môn - Mũi Điện vốn nằm trong vành đai bảo vệ di tích Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn. Lý do là vì dự án resort này đã được hoàn thành cơ bản các thủ tục pháp lý liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư ngay từ trước khi Danh thắng Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn được xếp hạng di tích quốc gia.

Căn cứ vào những tình tiết này, luật sư bên nguyên cho rằng, quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Phú Yên đã xâm phạm khu vực bảo vệ khu di tích quốc gia, vì thế cần phải được UBND tỉnh Phú Yên rút lại.

15 tháng đợi mong

Ngày 17/3/2009, tại TAND tỉnh Phú Yên, tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã mở phiên xét xử phúc thẩm nhưng không đưa ra phán quyết với lý do được Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nêu ra là chờ tòa xác minh lại những chứng lý đối lập nhau của các bên liên quan. Đến giữa tháng 8/2009 tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng mở lại phiên phúc thẩm lần 2 nhưng lần này quyết định vẫn đưa phần thua thiệt về cho nhà đầu tư SDB.

Dĩ nhiên trước quyết định của hai cấp tòa như vậy, nhà đầu tư rất bức xúc và ngày 10/9/2009 đã làm đơn gửi Chánh án TAND Tối cao đề nghị cho hoãn thi hành án và xét xử theo thủ tục Giám đốc thẩm. Trong khi chờ đợi giám đốc thẩm, một tình tiết mới phát sinh. Đó là ngày 10/3/2010, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) đã gửi Kháng nghị số 04/VKSTC-V12 để kháng nghị bản án hành chính phúc thẩm số 15/2009/HC-PT ngày 20/8/2009 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại thành phố Đà Nẵng. VKSNDTC đề nghị Hội đồng thẩm phán - TANDTC xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm số 03/2008/HC-ST ngày 18/9/2008 của TAND tỉnh Phú Yên và bản án phúc thẩm số 15/2009/HC-PT ngày 20/8/2009 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại thành phố Đà Nẵng. Toàn bộ hồ sơ vụ việc sẽ giao lại để Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại từ trình tự sơ thẩm, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Đồng thời bản án phúc thẩm số 15/2009/HC-PT của Tòa phúc thẩm sẽ tạm đình chỉ thi hành, chờ kết quả xét xử giám đốc thẩm.

Cho đến nay, đã 15 tháng kể từ ngày có Kháng nghị nêu trên của VKSNDTC, Tòa án vẫn chưa đưa ra xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, trong khi chiếu theo khoản 6, Điều 70, Chương 10, của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính 1996 đã sửa đổi bổ sung vào các năm 1998, 2006, thì “Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nhận được Kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án phải mở phiên tòa giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”.

Trong đơn khiếu nại khẩn cấp mới đây nhất gửi lên Chủ tịch Nước và Thủ tướng chính phủ, ông Trần Hùng Bảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần SDB đã khẩn thiết đề nghị các cấp thẩm quyền có chỉ thị, yêu cầu TAND tối cao sớm cho xét xử giám đốc thẩm cũng như chấp nhận kháng nghị số 04/VKSTC-V12 của VKSNDTC.

 Thiện Nhân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: Khởi tố một phụ nữ vì nhổ 25 cây ngô

Cao Bằng: Khởi tố một phụ nữ vì nhổ 25 cây ngô

(Thanh tra) - Cho rằng người khác trồng ngô chặn lối mòn mình thường đi, người phụ nữ 55 tuổi ở Cao Bằng đã dùng tay nhổ 25 cây ngô và bị khởi tố về tội “Huỷ hoại tài sản”.

Trung Hà

15:34 11/12/2024
Nghệ An: Xử phạt 90 triệu đồng vì hành vi giả mạo giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động

Nghệ An: Xử phạt 90 triệu đồng vì hành vi giả mạo giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động

(Thanh tra) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đã ký ban hành Quyết định số 187/QĐ-XPHC về việc xử phạt Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nhân lực Hùng Anh; địa chỉ tại xóm Khoa Đà 1, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính giả mạo giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

Văn Thanh

14:45 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm