Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lâm tặc "tùng xẻo" khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh

Thứ năm, 08/09/2011 - 09:35

(Thanh tra)- Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Pu Canh có diện tích 5.647ha. Đây là khu rừng tự nhiên, có nhiều loại gỗ quý hiếm. Vì vậy, nhiều năm nay, lâm tặc đang ngày đêm lén lút “tùng xẻo” khu rừng này. Lực lượng Kiểm lâm Ban Quản lý (BQL) KBTTN Pu Canh đã nỗ lực hết mình để giữ rừng, nhưng lực bất tòng tâm.

Cán bộ kiểm lâm BQL KBTTN kiểm tra gỗ thu giữ

KBTTN Pu Canh nằm trên địa bàn 4 xã (Đồng Chum, Đồng Ruộng, Đoàn Kết, Tân Pheo) huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình. Đỉnh cao nhất của khu rừng này trên 1.400m so với mặt nước biển. Ông Phạm Trần Thao, Phó Trưởng BQL KBTTN Pu Canh cho biết: Đây là khu rừng giàu, còn nhiều loại gỗ quý hiếm như táu, sến, nghiến, vàng tâm, phay, thông đất… Phần lớn cây có đường kính từ trên 1m, cao hàng chục mét. Mấy năm nay, lâm tặc lợi dụng địa thế hiểm trở, đêm tối, mưa bão đã lén lút lên núi khai thác gỗ. Lâm tặc không phá ồ ạt, không tổ chức đông người mà chỉ cần ba, bốn người dùng cưa xăng đến “tùng xẻo” khu rừng. Có thể nói, bây giờ lâm tặc đã cơ giới hoá việc phá rừng.


BQL KBTTN có 17 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 10 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp phụ trách địa bàn. Với 10 người, tổ chức thành 4 trạm, ngày đêm tuần tra, bảo vệ 5.647ha rừng với hàng chục cửa rừng thì lực lượng quá mỏng. Anh Nguyễn Thanh Tuấn, cán bộ Kiểm lâm Trạm Đồng Chum cho biết: Rất nhiều lần trên đường tuần tra phát hiện lâm tặc đang cưa, cắt gỗ, nhưng khi đi đến nơi thì lâm tặc ngồi ung dung hút thuốc trên khúc gỗ. Hỏi thì được trả lời là đi bắn chim, săn thú nên lực lượng kiểm lâm không có đủ chứng cứ để bắt. Có trường hợp, đối tượng đang vác gỗ trên núi thấy kiểm lâm liền ném gỗ xuống đất rồi bỏ đi. Tổ tuần tra chỉ có 2 người, ngày nhiều thì 3 người nên dù phát hiện được lâm tặc, bắt gỗ, nhưng không thể đưa xuống núi được.            

Kiểm lâm viên Nguyễn Tiến Thanh, Trạm Đoàn Kết, một điểm “nóng" nhất về nạn khai thác lâm sản KBTTN Pu Canh cho biết: Lên núi thấy rừng bị chặt phá thật xót xa. Một cây gỗ đường kính 1m bị cưa đổ làm đổ nát hàng chục cây gỗ khác có đường kính bé hơn. Lâm tặc lên núi chặt cây vào đêm, lúc mưa bão. Lúc đó, anh em các trạm không thể lên núi được. Nếu có biết, lên đến nơi thì lâm tặc đã xuống núi, về đến bản.


Nhiều lần truy quét, đơn vị phát hiện hàng chục tấm gỗ xẻ, gỗ tròn trên núi nhưng không có phương tiện để thu gom. Thuê người địa phương vận chuyển, họ không làm. Thuê trâu kéo, dân không cho thuê. Vì vậy, đơn vị phải xin ý kiến Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho phép huỷ gỗ ngay tại rừng. Năm 2010, đơn vị thu được 32,5m3 gỗ các loại. 8 tháng năm 2011, phát hiện, xử lý, ngăn chặn 35 vụ khai thác lâm sản trái phép, nhưng chỉ thu được 2,4m3 gỗ xẻ, hàng chục m3 gỗ còn lại phải huỷ tại rừng.


Tính đến nay, tình trạng phá rừng KBTTN Pu Canh diễn ra nghiêm trọng và quy mô ngày càng lớn hơn. Điển hình là, tháng 2/2011, lực lượng Kiểm lâm BQL KBTTN đã phát hiện, xử phạt hành chính trên 70 triệu đồng đối với 2 đối tượng là Lường Văn Chót, Lường Văn Mão (xóm Lọng, xã Đoàn Kết, Đà Bắc) vì cắt xẻ hơn 10m3 gỗ. Đến nay, hai đối tượng này mới nộp phạt được… 300.000 đồng. Trong tháng 5, tháng 6/2011, lâm tặc đã chặt hạ 14 cây gỗ phay, đường kính hơn 1m, bước đầu đo được 155m3 gỗ. Cơ quan chức năng huyện Đà Bắc đã điều tra làm rõ 15 đối tượng phá rừng là người xóm Thầm Luông, xã Đoàn Kết. Trước đó, cũng tại KBTTN Pu Canh, lâm tặc đã chặt phá 32 cây, với trên 300m3 gỗ. Theo ông Thao, phải có hàng trăm cây gỗ đã bị chặt phá. Hiện, lâm tặc bắt đầu có hành vi chống đối lực lượng kiểm lâm. Chúng tung tin dọa sẽ dùng súng kíp, nỏ bắn; đánh bẫy kiềng sắt, đánh chông, lăn đá vào lực lượng kiểm lâm.


Nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng là do đời sống kinh tế của phần lớn người dân ở 4 xã quanh rừng KBTTN còn nghèo; đất canh tác không có; thanh niên không có việc làm. Trong khi đó, nghề phụ, sản phẩm hàng hoá không phát triển; nhu cầu ăn, tiêu, mua sắm, chi phí học hành cho con cái… đều trông vào… rừng Pu Canh. Vì vậy, đối tượng vận chuyển gỗ có cả người già, phụ nữ. Họ gùi thuê lấy tiền công trong ngày để mua gạo, mắm muối… Thu gỗ, phạt hành chính, họ không phản đối, nhưng nộp phạt thì họ không có tiền.


Phó Trưởng BQL KBTTN Pu Canh Phạm Trần Thao nói: Giải pháp hiệu quả nhất để bảo vệ được KBTTN Pu Canh là phải nâng cao, ổn định đời sống vật chất cho người dân 4 xã trong khu bảo tồn. Nếu dân còn đói, nghèo thì có tuyên truyền, tuần tra, xử phạt nghiêm đến mấy cũng khó giữ được rừng.

                                                                                 Hồng Bài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm