Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giám định các vụ án kinh tế như Vũ “nhôm”, Út “trọc” rất khó khăn

Thứ năm, 05/09/2019 - 22:11

(Thanh tra)- Thượng tướng Lê Qúy Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, quá trình điều tra các vụ án về kinh tế rất khó khăn, có vụ án phải trưng cầu rất nhiều bộ, ngành như vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) và một số vụ án liên quan đất đai vừa làm, đang làm…

Toàn cảnh phiên họp Uỷ ban Tư pháp. Ảnh: Hương Giang

Ngày 5/9, tiếp tục phiên họp toàn thể, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát “việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự”.

Khó bổ nhiệm giám định viên lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Theo báo cáo kết quả giám sát, đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc có sự phát triển ngày càng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến hết năm 2018, tổng số giám định viên tư pháp trên toàn quốc ở các lĩnh vực là 6.154 người.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát chỉ ra, ở một số bộ, ngành vẫn chưa thực sự quan tâm tới việc bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp theo thẩm quyền. Một số giám định viên được bổ nhiệm chưa có kinh nghiệm làm công tác giám định, chưa bảo đảm chất lượng, thiếu gắn kết với hoạt động tố tụng.

Đáng lưu ý, “việc bổ nhiệm giám định viên trong một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, công nghệ cao… hết sức khó khăn do không tìm được người phù hợp hoặc có trường hợp từ chối không muốn làm giám định viên”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha, Phó Trưởng Đoàn giám sát thông tin.

Đồng ý với nhận định của Đoàn giám sát, theo Thứ trưởng Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương, giám định theo vụ việc trong lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng, văn hoá thông tin, tài nguyên môi trường rất khó khăn, có những vụ việc đến nay vẫn phải chờ.

Ông Vương dẫn chứng, vừa qua điều tra các vụ liên quan đến Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, dự án Ethanol, hay Công ty Gang thép Thái Nguyên đang thực hiện, do thiết bị mua ở nước ngoài nên điều tra xác minh khó, phải phối hợp tương trợ tư pháp hình sự. Mặt khác, khi đề nghị giám định lại phải có quyết toán, thanh toán mới kết luận được, nên rất khó.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, lập công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền của bộ, ngành. Điều 20, Luật Giám định đã quy định trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành.

“Giám định theo vụ việc trong luật không có lỗi mà lỗi ở đây là không tổ chức thực hiện theo đúng luật”, bà Nga nói và cho rằng, nếu anh làm tài chính, công thương… là chuyên gia giỏi ngành ấy bổ nhiệm làm giám định viên mà không chịu hoặc không chịu giám định theo yêu cầu thì phải kỷ luật vì “chọn việc dễ làm, việc khó bỏ thì không được”.

Cơ quan nọ “đùn đẩy” cơ quan kia vì chi phí giám định cao

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Công an cho hay, quá trình điều tra các vụ án về kinh tế cũng rất khó khăn, có vụ án phải trưng cầu rất nhiều bộ, ngành như vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) và một số vụ án liên quan đất đai vừa làm, đang làm.

“Nói đến công trình, kể cả công trình xây dựng giao thông vấn đề số một là đất, giao thông thì thiết kế, thi công là xây dựng, ảnh hưởng tác động môi trường là Bộ Khoa học và Công nghệ, cuối cùng là tài chính, quyết toán… Tất cả đều móc xích với nhau nên yêu cầu có nhiều giám định”, ông Vương nhấn mạnh.

Cũng theo Thượng tướng Lê Quý Vương, quy định về chi phí giám định cần phải được phân tích rõ, khắc phục những bất cập hiện nay. Ông ví dụ, làm vụ án đường ống nước sông Đà bị vỡ, giám định mất hơn 2 tỷ đồng, đến giờ không biết trả xong chưa.

“Nói chung rất phức tạp, vì nó liên quan đến khâu sử dụng máy”, ông Vương nhấn mạnh và nói tiếp, hay vụ Vũ “nhôm” đang phải làm rất nhiều giám định, với 31 nhà công sở, 9 dự án đất đai, địa phương làm không xuể nên tồn đọng. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình mới chỉ đạo Bộ Tài chính thành lập tổ chức giám định. Vì vậy, theo Thượng tướng, cần phải quan tâm thêm về vấn đề phí và chi phí giám định trong luật.

Ông Nguyễn Duy Hữu, Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk cũng cho rằng, một trong những vướng mắc lớn hiện nay là chi phí giám định cao. Đơn cử, một vụ pháp y tâm thần cũng trên dưới 30 triệu đồng, điều đó dễ dẫn đến tình trạng cơ quan nọ “đùn đẩy” cơ quan kia, làm vụ án kéo dài.

Ông Nguyễn Duy Hữu, Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hương Giang

“Tôi từng đề nghị giám định một vụ việc nhưng không được, vì không cơ quan nào giám định, dẫn đến vụ án kéo dài tới 11 năm”, ông Hữu nêu và đề nghị phải xác định rõ trách nhiệm giám định thuộc cơ quan nào.

Ngoài thiếu giám định viên trong lĩnh vực chuyên môn, theo ông Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng, nhiều bộ, ngành còn xem việc giám định tư pháp không thuộc trách nhiệm của mình, hoặc có cũng chỉ coi là phụ thôi, nên chưa có sự đầu tư, quan tâm xứng đáng.

Ông dẫn chứng về câu chuyện cà phê Trung Nguyên, theo ông Dũng, nếu “bên kia” (phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo) yêu cầu giám định tâm thần ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Trường hợp ông Vũ không đủ năng lực hành vi dân sự thì họ được toàn quyền điều hành công ty, rất phức tạp, không thể xem nhẹ.

Báo cáo chuyên đề của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an cho rằng, “đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, các cơ quan giám định tài chính kế toán thường yêu cầu phải có giám định chất lượng công trình trước hoặc công trình phải được quyết toán thì mới có cơ sở kết luận về tài chính kế toán, kể cả công trình đã qua kiểm toán.

Trong khi đó, các công trình xây dựng cơ bản thi công trong nhiều năm và không biết khi nào mới quyết toán được. Nếu chưa quyết toán thì mặc dù có việc lập chứng từ giả mạo, tiền đã xuất ra khỏi quỹ, bị chiếm đoạt vào túi cá nhân nhưng có quan điểm của giám định tài chính cho rằng đó là khoản tiền tạm ứng, chưa quyết toán thì chưa cấu thành tội phạm. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác điều tra các vụ án, vụ việc tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản”.

Theo Đoàn giám sát, đây là một thực tế diễn ra tương đối phổ biến trong công tác điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế trong giai đoạn hiện nay. “Đề nghị các cơ quan tư pháp trung ương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác giám định theo vụ việc cần khẩn trương nghiên cứu, đánh giá để có các giải pháp xử lý cụ thể, tránh để những vụ án loại này bị trậm trễ, kéo dài, không đáp ứng yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha, Phó Trưởng Đoàn giám sát nói.


Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cục Hải quan Lạng Sơn: Xử lý 749 vụ việc trị giá tang vật vi phạm trên 30 tỷ đồng

Cục Hải quan Lạng Sơn: Xử lý 749 vụ việc trị giá tang vật vi phạm trên 30 tỷ đồng

(Thanh tra) - Càng về cuối năm, số lượng doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, cơ quan Hải quan cũng đã phát hiện nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kê khai qua hệ thống hải quan điện tử để thực hiện hành vi gian lận, nhằm trốn thuế hoặc đưa hàng hóa không khai báo, không có chứng từ hợp pháp để xuất khẩu hoặc tuồn vào nội địa, nhằm thu lợi bất chính.

CB

09:24 13/12/2024
Thanh Hóa: Lấy căn cước của người đã chết thành lập công ty mua bán hóa đơn trái phép

Thanh Hóa: Lấy căn cước của người đã chết thành lập công ty mua bán hóa đơn trái phép

(Thanh tra) - Công an tỉnh Thanh Hóa vừa đưa ra thông tin cảnh báo về phương thức, thủ đoạn giả mạo thông tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán hóa đơn. Trong đó có trường hợp lấy cả người đã chết để đứng tư cách pháp nhân thành lập công ty để mua bán trái phép hóa đơn.

Văn Thanh

21:28 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm