Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đột nhập cung đường buôn lậu xuyên Á

Thứ ba, 12/04/2011 - 06:43

(Thanh tra)- Thời gian gần đây, khi các cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), Cầu Treo (Hà Tĩnh) thắt chặt công tác kiểm hóa thì Cha Lo (Quảng Bình) trở thành cửa khẩu thông thương cho các đầu nậu buôn lậu… Trên tuyến đường Xuyên Á (quốc lộ 12A), đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình), Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh), mỗi ngày có hàng chục chiếc xe chất đầy gỗ quý nối đuôi nhau chạy như ở chốn không người…

Từng đoàn xe chen chúc nhau làm thủ tục qua biên giới.

* Các chủ hàng khai nhận đã được sự tiếp tay của một số cán bộ hải quan, biên phòng tại cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình).

Hải quan, biên phòng rất… linh động!


Chỉ trong một thời gian ngắn, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh đã liên tiếp bắt giữ 3 vụ vận chuyển gỗ và động vật hoang dã trái phép. Điều đáng nói là, tất cả chủ hàng đều khai nhận, họ được sự tiếp tay của một số cán bộ hải quan, biên phòng tại cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình).

Một ngày cuối tháng 3/2011, trong vai “dân buôn”, chúng tôi ngược quốc lộ 12A để lên Cha Lo “mục sở thị” vùng đất được các đầu nậu gỗ mệnh danh là “thoáng nhất” khu vực Bắc miền Trung. Tiếp cận mới hiểu rằng, Cha Lo không đẹp hay tấp nập người qua lại như các cửa khẩu ở phía Bắc, nhưng hàng hóa thì không hề thua kém. Các phương tiện qua cửa khẩu chủ yếu là xe khách về TP Vinh (Nghệ An), TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) và TP Đồng Hới (Quảng Bình). Theo quy luật, đầu giờ chiều mới là thời gian cao điểm để hàng lậu “cưỡi sào”. Nếu lần đầu đặt chân đến đây thì không ai có thể biết được bên trong các thùng xe ấy chở những thứ gì. Bởi bề ngoài, tất cả đều được phủ kín bằng những tấm bạt lớn, che khuất đến gần bánh xe. Sau khi vào khu vực kiểm hóa của cửa khẩu, các chủ hàng và lái xe chỉ việc cầm cuốn sổ đi vào phòng thủ tục. Cứ thế, lần lượt những chiếc xe tải hạng nặng chất đầy hàng hóa nối đuôi nhau vào sâu trong nội địa.

Nguyễn Văn P., một đầu nậu gỗ lâu năm cho biết: “Bây giờ giá cả đắt đỏ, hàng hóa ngày càng khan hiếm làm “lái gỗ” chỉ có thể kiếm ăn được bằng cách thu mua tận nơi bên Lào thôi, giá mềm, lại đẹp, đặc biệt là gỗ quý còn nhiều như trắc, đinh hương, cẩm lai... Bên Lào, họ làm chặt chứ về Việt Nam mình thì nhanh lắm, chỉ cần chịu khó quan hệ tốt là hàng về luôn trong ngày”.

Theo anh H - người dân sống ở khu vực cửa khẩu, hàng hóa chạy trên tuyến quốc lộ 12A chủ yếu là gỗ quý, động vật hoang dã từ Lào về và một phần là hoa quả từ Thái Lan sang. Các phương tiện vận chuyển gỗ quý tập trung đi theo từng đoàn và thường chạy về Việt Nam khi trời đã nhá nhem tối. Có ngày, số lượng lên đến hàng chục xe nối đuôi nhau rời khỏi cửa khẩu và theo quốc lộ 12A chạy về các điểm tập kết ở TP Vinh (Nghệ An), huyện Hương Khê (Hà Tĩnh)...

Chị Thái Thị N., một dân buôn ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) nói: “Chỗ tôi chỉ cách cửa khẩu Cầu Treo 50 cây số. Nhưng tôi chọn cửa khẩu Cha Lo để xuất nhập hàng hóa vì bên đó thủ tục họ thông thoáng, dễ kiếm đồng tiền. Mà làm ăn cứ đường đường chính chính thì làm gì có thu nhập. Nói chung là các anh hải quan, biên phòng rất... linh động. Còn ở cửa khẩu Cầu Treo, gần đây, họ làm chặt chẽ và nguyên tắc nên khó”.

Chiếc xe này đã qua cửa khẩu, đang chờ trời tối để đưa hàng về điểm tập kết.


"Làm" luật… mất 30 phút?

Theo quy định của Luật Hải quan, các doanh nghiệp khi nhập khẩu phải làm tờ khai về hàng hóa và phương tiện của mình. Sau đó, cơ quan hải quan sẽ tiếp nhận hồ sơ rồi thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hóa và thông quan đối với lô hàng phải kiểm tra. Sau khi có kết luận kiểm tra thì xử lý kết quả kiểm tra và xác nhận thủ tục hải quan. Bước tiếp theo là thu thuế, lệ phí hải quan, đóng dấu hoàn thành thủ tục hải quan, trả tờ khai và phúc tập hồ sơ.

Quy định là thế, nhưng theo quan sát của chúng tôi, các chủ hàng ở đây chỉ một lần vào, đi một cửa và được nhận luôn các giấy tờ liên quan để thông quan. Công việc này, có người phải chờ cả buổi, nửa ngày nhưng cũng có người chỉ làm trong vòng 30 phút. Bên ngoài, như thường lệ, các lái xe đã ngồi sẵn trong khoang lái và chờ hiệu lệnh của ông chủ để thông quan.
Tại cửa khẩu, chúng tôi chỉ thấy có vài người mặc trang phục hải quan còn lại là bộ đội biên phòng. Nói là kiểm tra, nhưng công việc của các nhân viên này chủ yếu là hướng dẫn, phân luồng cho các xe hàng theo thứ tự thông quan. Chẳng mấy khó khăn để ghi lại hình ảnh hàng chục chiếc xe lớn nhỏ đi vào cửa khẩu, nhưng tất cả đều giữ nguyên bạt che phủ. Không có một cán bộ hải quan nào trực tiếp đến gần xe, dỡ bạt để kiểm tra thực tế hàng hóa. Có chăng, tất cả quy trình kiểm tra này đều được diễn ra ở một địa điểm... khác!

D., một người áp tải hàng cho biết: “Thời buổi này đi buôn mà thật thà thì chỉ có mà... ăn cám. Hải quan ở cửa khẩu này thường không kiểm tra hàng hóa nên khi vào làm tờ khai, mình phải khai giảm bớt đi khối lượng thực chở để đỡ tiền thuế. Làm thế mới có cái mà ăn chứ! Hàng “con” (động vật hoang dã - PV) nếu thích cũng có, đi cả xe cũng chẳng ai để ý đâu vì họ không kiểm tra mà, miễn không có ai báo là qua được tất”.

Sau khi ghi lại được các hình ảnh sống, chúng tôi đã làm việc với ông Hoàng Kim Đồng, Phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo. Ông Đồng cho biết: “Hàng hóa từ đầu năm đến nay, khi qua cửa khẩu này đều được chúng tôi kiểm tra thường xuyên. Theo quy định mới của Luật Hải quan, các phương tiện qua cửa khẩu chia ra 2 loại là miễn kiểm tra và kiểm tra (kiểm tra 5%, 10% hoặc toàn bộ). Sau khi máy tính phân luồng trên cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp tự khai tự chịu trách nhiệm thì mới thực hiện việc kiểm tra hay không. Thông thường, nếu có tin báo hay phát hiện thấy dấu hiệu khả nghi, chúng tôi mới kiểm tra còn không thì thực hiện theo sự phân luồng của máy tính ngành Hải quan. Cũng có trường hợp, doanh nghiệp cho xe chở các loại hàng cấm, nhưng họ gia cố quá kỹ nên vẫn có những rủi ro trong nghề nghiệp xảy ra”. Còn việc các nhà xe, doanh nghiệp kê khai khối lượng nhập khẩu thấp hơn khối lượng thực tế thì ông Đồng không giải thích.

Thượng tá Phan Thanh Tâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo khẳng định: “Lực lượng biên phòng mà cụ thể là Trạm Biên phòng cửa khẩu Cha Lo luôn túc trực và làm tốt công tác xuất nhập cảnh đối với người, hàng hóa và các phương tiện qua khu vực mình quản lý. Chúng tôi chỉ phối kết hợp, còn bên hàng hóa là trách nhiệm của hải quan”. Cũng theo ông Tâm, hàng ngày, sau khi Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo làm thủ tục xong, bộ đội biên phòng luôn kiểm tra đầy đủ theo quy định của ngành, đặc biệt chú trọng đến công tác rà soát các loại hàng hóa như chất cháy nổ, ma túy...

Là cửa khẩu quốc tế vừa mới thành lập, Cha Lo đang nổi lên như một hiện tượng lạ, sầm uất và náo nhiệt ở khu vực miền Trung nhờ cơ chế “thông thoáng”? Nguồn thu ở Cha Lo có thể tăng lên đáng kể. Nhưng, với những gì mà chúng tôi ghi nhận được qua chuyến thâm nhập này, rõ ràng, với cách làm trên, Nhà nước ta đang bị một số phần tử thoái hóa biến chất trục lợi, gây thất thoát lớn về nguồn thu cho ngân sách.   

Nguyễn Kiên Tùng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

(Thanh tra) - Ngày 13/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đã ký văn bản về việc kiểm tra việc huy động vốn tại Dự án (DA) Khu dân cư và dịch vụ (KDC&DV) Cầu Hưng - Lai Nghi (giai đoạn 1), thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, do Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt (Cty Sài Gòn Thành Đạt) làm chủ đầu tư.

P. B

16:05 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm