Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đồng Hới - Quảng Bình: Vì sao hàng chục giáo viên “ngồi nhầm chỗ”?

Thứ sáu, 15/04/2011 - 09:55

(Thanh tra)- Thanh tra online ngày 7/4/2011 đăng bài: “Đồng Hới - Quảng Bình: Vì “linh động” phải cải... lùi quy chế”, khiến nhiều giáo viên (GV) có trình độ, tâm huyết và nhu cầu chính đáng phải ngậm ngùi... “nhường chỗ” lẽ ra là của mình cho những người nhiều “quan hệ” nhưng có thể kém năng lực hơn. Trong quá trình tìm hiểu về hoạt động của ngành Giáo dục địa phương này, PV đã ghi nhận thêm những chuyện bi hài trong việc tuyển dụng, tiếp nhận và thuyên chuyển GV ở các trường học thuộc TP Đồng Hới. Trong đó có hàng chục GV của ngành Giáo dục ở đây đang “ngồi nhầm chỗ”…

Trường THCS Đồng Mỹ - nơi xảy ra nhiều sai phạm nhưng hiệu trưởng vẫn không bị xử lí.

Theo Quyết định số 58/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Bình về quy định tạm thời một số điểm về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức dự bị, công chức và viên chức (có hiệu lực từ đầu năm 2007), về nguyên tắc, hiệu trưởng của các trường có toàn quyền trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, thuyên chuyển cán bộ, GV dưới quyền, trên cơ sở nhu cầu thực tế và biên chế được giao. Thế nhưng, có quyền trong tay, nhiều hiệu trưởng đã bất chấp các quy định của Nhà nước để tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, GV một cách vô tội vạ. Trong đó, Đồng Hới được cho là địa phương có nhiều sai phạm nhất.

Mới đây, dư luận trong ngành Giáo dục Đồng Hới xôn xao về một trường hợp thuyên chuyển được cho là “chưa thấy bao giờ” vừa được tiếp nhận về Trường THCS Đồng Mỹ, đó là bà Hoàng Thị Duyên, nguyên là GV Toán biên chế ở Trường THCS Nguyễn Hàm Ninh (Quảng Trạch). Ngày 30/8/2010, bà Duyên làm các thủ tục chuyển công tác vào dạy hợp đồng ở Trường THCS Lộc Ninh (TP Đồng Hới). Tuy nhiên, sau 3 tháng ra khỏi biên chế, chấp nhận dạy hợp đồng để được gần nhà, ngày 1/12/2010, bà Duyên lại được nhận vào biên chế của Trường THCS Đồng Mỹ không qua xét tuyển mà với các thủ tục chuyển đến từ Trường THCS Nguyễn Hàm Ninh.

Theo giải thích của ông Trần Ngọc Hợp, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hàm Ninh: “Khi có thông báo tiếp nhận của Trường Lộc Ninh, tôi đã ký quyết định thuyên chuyển cô Duyên vào ngày 30/8/2010. Nhưng sau đó, cô Duyên trở lại trường và nói vì trục trặc nên phải dạy hợp đồng ở Lộc Ninh, nay đã xin được vào biên chế của Trường Đồng Mỹ nhờ tôi giúp làm lại thủ tục chuyển trường nên tôi đã kí lại thủ tục cho cô ấy chuyển đi vào ngày 30/11/2010. Biết làm thế là sai, nhưng vì tình cảm nên tôi đã linh động giải quyết cho cô ấy”.

Còn ông Trần Văn Thương, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Mỹ nói: “Việc nhận cô Duyên cũng một phần vì quan hệ xã hội, nhưng hoàn toàn đúng quy định và đúng thẩm quyền của tôi và đúng với nhu cầu GV của trường. Những khuất tất, nếu có, tôi không rõ. Hồ sơ chuyển đến hợp lệ là tôi nhận”! 

Trường hợp bà Duyên được Bảo hiểm Xã hội Đồng Hới phát hiện và từ chối việc nộp bảo hiểm của bà Duyên từ Trường THCS Đồng Mỹ vì bà đang đóng bảo hiểm theo dạng hợp đồng tại Trường THCS Lộc Ninh. Đã 3 tháng trôi qua, mặc dù có nhiều đơn thư gửi đi từ Trường THCS Đồng Mỹ nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Vì thế, bà Duyên vẫn công tác tại Trường THCS Đồng Mỹ.

Theo ông Trần Viết Cay, Trưởng Phòng Nội vụ TP Đồng Hới: Sau hơn 4 năm thực hiện Quyết định số 58 của UBND tỉnh Quảng Bình, hiện ngành Giáo dục Đồng Hới thừa đến 50 GV Văn và 30 GV tiếng Anh. Số GV thừa này, người thì “ngồi chơi xơi nước”, người thì được bố trí công việc không đúng chuyên môn để được hưởng lương. Xảy ra tình trạng nói trên là do hiệu trưởng các trường tự quyết mà Phòng Nội vụ và UBND TP không thể can thiệp.

Được biết, để chấn chỉnh tình trạng nhận người vô tội vạ của các hiệu trưởng và nâng cao chất lượng đội ngũ GV, ngày 10/8/2009, UBND TP Đồng Hới đã có Quyết định số 2856/QĐ-UBND ban hành Quy chế Điều động, tiếp nhận, tuyển dụng bổ nhiệm cán bộ, viên chức giáo dục. Theo đó, hồ sơ của cán bộ, viên chức trong ngành Giáo dục phải được chuyển lên Phòng Nội vụ theo dõi, kiểm tra và quản lí. Ngoài ra, quyết định này còn quy định, các đối tượng được tuyển mới, tiếp nhận về dạy ở các trường THCS trên địa bàn Đồng Hới phải có trình độ đại học trở lên. Quy định là vậy, song thực tế, nhiều hiệu trưởng trên địa bàn vẫn phớt lờ để nhận người theo “mối quan hệ” của mình.

Cũng tại Trường THCS Đồng Mỹ, vào đầu năm học 2009, dù Quyết định 2856 của UBND TP đã có hiệu lực, nhưng ông Trần Văn Thương vẫn cố tình tiếp nhận GV Hoàng Thị Lệ Hằng có trình độ cao đẳng từ Trường THCS Quảng Thọ (Quảng Trạch) chuyển vào cho phụ trách đội. Một GV của Trường THCS Đồng Mỹ cho biết: Trước khi nhận cô Hằng, Trường THCS Đồng Mỹ đã có 2 GV cùng phụ trách đội. Để “lót chỗ” cho cô Hằng, ông Thương buộc phải điều 2 GV này về dạy chuyên môn là Văn và Nhạc. Tuy nhiên, do không đủ tiết dạy theo quy định, nên các cô này buộc phải dạy thêm Thể dục và Công nghệ, mặc dù họ không có chuyên môn về 2 môn học này.

Nói về sự giám sát của Phòng Nội vụ TP Đồng Hới về trường hợp của cô Hằng, ông Cay khẳng định: “Ông Thương không hề chuyển hồ sơ của cô Hằng lên Phòng Nội vụ theo quy định nên phòng không biết ông Thương vi phạm. Nếu ông Thương nhận cô Hằng có trình độ cao đẳng vào thời điểm đó là sai quy định của UBND TP. Tôi biết rất nhiều trường nhận người sai quy định của UBND TP, nhưng họ dấu hồ sơ, không chuyển lên Phòng Nội vụ. Phòng chúng tôi thì quá mỏng người, trong lúc có đến 59 trường học trên địa bàn nên chưa đi kiểm tra được”.

Ông Cay cho biết thêm, Phòng Nội vụ vừa cương quyết từ chối không phê duyệt kết quả tuyển dụng một trường hợp được nhận về dạy Thể dục ở Trường THCS Đồng Mỹ cũng do ông Thương ra quyết định.

Cũng theo Trưởng Phòng Nội vụ TP Đồng Hới, có rất nhiều tiêu cực, thậm chí có cả một “thị trường ngầm” trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, thuyên chuyển GV về địa bàn TP Đồng Hới. “Tôi biết có hiệu trưởng trong 1 năm nhận 5 GV tiếng Anh về cho làm mấy việc lằng nhằng để được hưởng lương. Hay như ông Hải ở Trường Tiểu học số 2 Đồng Sơn, trước lúc về hưu kí một lúc 3 quyết định nhận người”, ông Cay thẳng thắn.

Thậm chí, có trường không có chỉ tiêu biên chế vẫn ra giá nhận người. “Mới đây, một anh bạn đến nói với tôi là có đứa cháu tốt nghiệp Đại học Thể dục - Thể thao đang xin về Trường THCS Hải Đình với giá từng nọ, từng kia và chỉ sau 1 tháng là có quyết định. Mặc dù khó khăn nhưng gia đình đã vay mượn đủ tiền để con có việc làm. Tôi xem lại thì trường này không có biên chế GV Thể dục. May tôi phát hiện, không là mất tiền oan, vì gia đình họ đang chuẩn bị đến đưa tiền”, ông Cay nói.

Mặc dù tình trạng nhận người sai quy định xảy ra tràn lan ở các trường trên địa bàn TP Đồng Hới, nhưng cho đến nay chưa có một hiệu trưởng nào bị xử lí kỷ luật. Theo ông Cay, để xử lí tình trạng nhận người tràn lan của các hiệu trưởng là rất khó. Vì theo Quyết định số 2856 của UBND TP Đồng Hới, sau khi ra quyết định nhận người xong, các trường mới nộp hồ sơ lên Phòng Nội vụ để theo dõi, quản lí. Lúc này, nếu Phòng Nội vụ phát hiện các hiệu trưởng nhận sai đối tượng thì cũng khó hủy bỏ quyết định của họ. “Khi phát hiện ra sai phạm thì không còn cách gì sửa được nữa. Lúc đó, UBND TP không thể hủy quyết định sai trái của hiệu trưởng, vì nếu hủy thì GV quay lại chỗ cũ không được nữa. Về mặt nào đó, chúng ta phải thông cảm cho họ vì nếu cương quyết thì họ thiệt đơn, thiệt kép vừa mất tiền, vừa mất việc”, ông Cay giải thích. 

 Để khắc phục tình trạng này, năm 2010, UBND TP Đồng Hới tiếp tục ban hành Quyết định số 715/QĐ-UBND bổ sung một số điều của Quyết định số 2856. Trong đó quy định, trước khi ra quyết định nhận người, hiệu trưởng phải gửi hồ sơ lên Phòng Nội vụ kiểm tra và phải được UBND TP đồng ý thì các hiệu trưởng mới tiếp nhận. Tuy nhiên, theo ông Cay, vẫn có rất nhiều hiệu trưởng cố tình làm sai, bỏ qua công đoạn báo cáo trước, thậm chí dấu hồ sơ, không chuyển lên Phòng Nội vụ. “Những trường hợp sai phạm cũng có đưa ra UBND TP nhưng không kỷ luật mà chỉ cắt thi đua, nên họ không sợ”, ông Cay nhấn mạnh. 

  Dư luận cho rằng, sở dĩ UBND TP Đồng Hới không xử lí kỉ luật các trường hợp sai phạm mà “cho qua” là do trong số những GV được chuyển về TP có không ít con em của lãnh đạo. “Đánh chuột, sợ vỡ bình”, đành “dĩ hòa vi quý” nên sai phạm vẫn tiếp diễn. Sự “không sợ” của các hiệu trưởng mà theo ông Cay nói phải chăng cũng xuất phát từ nguyên nhân này?

 PV Bắc Trung bộ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Khởi tố nhóm đối tượng “trục lợi” bảo hiểm

Thanh Hóa: Khởi tố nhóm đối tượng “trục lợi” bảo hiểm

(Thanh tra) - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 16 đối tượng về các tội “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”…

16:42 14/12/2024
Ninh Bình: Ra quân tấn công, trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Ninh Bình: Ra quân tấn công, trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ

(Thanh tra) - Sáng 14/12, tại thành phố Ninh Bình, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (Ban Chỉ đạo 138 tỉnh) tổ chức Lễ ra quân tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Trung Hà

16:29 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm