Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 1: Từ những kẽ hở của Dự án

Chủ nhật, 20/01/2013 - 22:55

(Thanh tra) - Khu vực UBND tỉnh Lâm Đồng quy hoạch làm Dự án Khu dân cư Lộc An thuộc huyện Bảo Lâm trước năm 1975 vốn là vùng trồng cây cà phê và cây chè có dân cư ở xen kẽ.

Sau ngày giải phóng miền Nam, vùng đất trên thuộc phạm vi quản lý của Nông trường Cà phê Lộc An và Nông trường Chè 26/3. Tháng 9/1997, khi UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất thuộc 2 Nông trường để làm Dự án thì bắt đầu nảy sinh khiếu nại. Quá trình giải quyết kéo dài hơn 13 năm không xong, cho đến khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc thì mọi việc đã sáng rõ. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm thì địa phương vẫn còn vướng mắc. Cho đến nay đã có 56/61 hộ nhận khoán đã nhận tiền đền bù và giao đất cho huyện, còn lại 05 hộ không đồng ý nhận tiền, không giao đất và liên tục có đơn khiếu nại vì cho rằng việc đền bù chưa thỏa đáng và trở thành những vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài… Bức xúc nhất là khiếu nại của bà Lê Thị Hoài Hương ở thôn 4, xã Lộc An.

Một dự án an sinh, lẽ ra mang lại sự khởi sắc trên một vùng quê còn gian nan, khó khăn trăm bề; lẽ ra người dân phải vui mừng, ủng hộ, nhưng trái lại đã xảy ra khúc mắc giữa người dân và chính quyền suốt một thời gian dài, và không phải không có căn nguyên.

“Cầm đèn chạy trước ô tô”…

Năm 2002, trước những kiến nghị của người dân về nhiều vấn đề liên quan đến dự án, UBND tỉnh Lâm đồng đã chỉ đạo UBND huyện Bảo Lâm thanh tra việc thực hiện quy hoạch và giao đất tại Khu dân cư Lộc An. Theo Báo cáo Kết luận số 10/BC-TTr ngày 17/10/2002 của Thanh tra huyện Bảo Lâm, nhiều vi phạm đã xảy ra theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”: Việc quy hoạch phân lô tại dự án không rõ ràng, lập thủ tục điều chỉnh quy hoạch, không cắm mốc từng khu đất đã được quy hoạch và không san ủi mặt bằng phía sau để phân ranh giới giữa diện tích đất thu hồi theo quy hoạch và đất không bị thu hồi, dẫn đến diện tích đất quy hoạch không đúng với diện tích thực tế (nhiều hơn diện tích quy hoạch 14.225m2 tại khu B4, C1, D2, …), từ đây nảy sinh tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến việc giao đất. Có những nơi như khu K, tuy chưa được Công ty Chè Lâm Đồng và Nông trường chè 26/3 giao trả đất nhưng huyện vẫn tiến hành đấu giá, đến nay vẫn chưa giao được đất cho các hộ nộp đủ tiền đấu giá đất. Trái lại, một số hộ không nộp tiền đất hoặc nộp còn thiếu nhưng đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Thanh tra huyện đã kiến nghị huyện điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với thực tế đất được giao và có biện pháp thu hồi hơn 774 triệu đồng; xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm.

Đến năm 2007, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh phúc tra lại vụ việc. Báo cáo số 1825/BC-TTr ngày 24/8/2007 của Thanh tra tỉnh nêu rõ: “Qua thanh tra cho thấy, UBND huyện Bảo Lâm không thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục giao đất. Trong diện tích đất thu hồi của các hộ để phân lô, giao đất ở, có 29 trường hợp không có quyết định giao đất. Đất các hộ nhận khoán chưa giao, chưa tiến hành cắm mốc giới, bàn giao đất trên thực địa nhưng đã được UBND huyện Bảo Lâm cấp Giấy chứng nhận QSDĐ…”.

Điều đáng nói, UBND huyện không cung cấp được hồ sơ, tài liệu liên quan đến các vi phạm theo phản ánh của người dân, cho thấy sự tùy tiện, bất chấp quy định pháp luật đã diễn ra ở đây, và lý giải phần nào các khiếu nại dai dẳng của người dân nhiều năm liền.

Tùy tiện trong trình tự, thủ tục

Kết quả xác minh, thanh tra cho thấy, UBND huyện Bảo Lâm không thực hiện đúng các các quy định về trình tự, thủ tục giao đất; không lập dự án đầu tư xây dựng theo đúng quy định, chưa nghiên cứu kỹ nhu cầu sử dụng đất của nhân dân địa phương; thu hồi diện tích đất lớn chuyển thành đất ở; việc GPMB không tuân theo quy định của Nghị định 90/CP và Nghị định số 22/NĐ-CP của Chính phủ về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất; không lập Ban chỉ đạo để tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện việc đền bù thiệt hại đất và tài sản cho người bị thu hồi đất; tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi không được kê khai diện tích, loại hạng và tài sản trên đất; UBND xã Lộc An không kiểm tra, xác nhận vào từng bản kê khai, tổng hợp báo cáo tình hình sử dụng quỹ đất, báo cáo UBND huyện và ban chỉ đạo thu hồi đất của tỉnh.

Điều gây bất bình và là một nguyên nhân gây khiếu kiện là UBND huyện đã tùy tiện quy định cơ chế bán đất, mở rộng đối tượng ưu tiên được mua đất là cán bộ địa phương; mở rộng thành phần được giao đất ra các địa phương khác. Đoàn Thanh tra đã thu thập được 47/47 hồ sơ không có biên bản bàn giao, cắm mốc trên thực địa; 12/47 trường hợp là cán bộ, công chức của huyện bảo Lâm và xã Lộc An – trong đó có nhiều cán bộ chủ chốt của huyện; 16 hồ sơ không có quyết định giao đất; 04 trường hợp không có hộ khẩu ở huyện bảo Lâm; 01 trường hợp ngoài tỉnh. Một số hộ được giao nhiều lô đất so với quy định, đặc biệt một số cán bộ có từ 2 - 5 lô trong Khu dân cư Lộc An. Nhiều hộ sử dụng sai mục đích như xây dựng cây xăng, xây dựng xưởng sản xuất và nhiều trường hợp mua đi bán lại…

Đã sai lại còn bưng bít, nhiều hồ sơ tài liệu đã bị che giấu không cung cấp cho Đoàn Thanh tra. Tuy nhiên, bịt mắt cũng nhận ra đã có nhiều sai phạm trong quản lý và sử dụng đất tại Khu dân cư Lộc An kể từ khi xây dựng đến nay!

          Nhóm PV


Bài 2: Chỉ sợ không công bằng!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

(Thanh tra) - Ngày 13/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đã ký văn bản về việc kiểm tra việc huy động vốn tại Dự án (DA) Khu dân cư và dịch vụ (KDC&DV) Cầu Hưng - Lai Nghi (giai đoạn 1), thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, do Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt (Cty Sài Gòn Thành Đạt) làm chủ đầu tư.

P. B

16:05 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm