Du khách “sợ” nạn “chặt chém”

Trong những năm gần đây, số lượt khách quốc tế đến Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực. Năm 2014, Malaysia đón 27,4 triệu lượt; Thái Lan 24,8 triệu lượt; Singapore 15,1 triệu lượt thì Việt Nam chỉ 7,8 triệu lượt.

6 tháng đầu năm 2015, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính 3,8 triệu lượt người, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 9,1%; đường bộ giảm 19,7%; đường biển giảm 26,5%. Doanh thu du lịch lữ hành cũng giảm. Trong tháng 6 chỉ đạt 2,7 nghìn tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số địa phương có mức giảm mạnh như: Nghệ An giảm 38,9%; Đồng Nai giảm 37%; Long An giảm 36%; Bình Phước giảm 35%; Bến Tre giảm 35%.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam cho biết, có ý kiến nhận định nguyên nhân căn bản của việc giảm du khách vào Việt Nam là do hệ thống visa cản trở là vội vàng. “Nếu cho rằng visa cản trở thì tại sao cũng hệ thống đó, năm 2014 lại có lượng khách lớn, đến năm 2015 lại giảm, trong khi hệ thống visa đã thoáng hơn rất nhiều sau khi Luật Xuất nhập cảnh mới có hiệu lực? Từ chỗ thị thực phải mất 1 - 2 tuần, nay giảm còn 1 - 2 ngày. Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hệ thống cấp thị thực của Việt Nam đứng thứ 15/140 nước. Theo tôi, phải hết sức tỉnh táo, thận trọng để tìm ra căn nguyên sụt giảm khách du lịch để có quyết sách đúng. Nếu không sẽ như một lang y trị bệnh không đúng, bệnh không khỏi mà còn tạo ra hiệu ứng khác”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu do chưa thu hút được nhiều khách đến cho cả mục tiêu du lịch, tham quan và công việc. Trong khi ở các nước phát triển, các mục tiêu này đều phát triển đồng đều. Công tác quản lý các hoạt động có liên quan đến du lịch ở trong nước chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ban, ngành chức năng. Nhất là, tình trạng chặt chém, làm giá, giao thông không an toàn, nạn ăn xin, ăn cắp vặt, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… khiến du khách “sợ” khi đến Việt Nam.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, có 68,5% tổng số khách đánh giá Việt Nam có phong cảnh đẹp. Tuy nhiên, khi được hỏi về mức độ hài lòng khi được phục vụ, chỉ có 39% tổng số khách được phỏng vấn nhận định tốt. Hàng hoá Việt Nam cũng bị du khách quốc tế đánh giá chưa thực sự phong phú và giá cả đắt so với một số thị trường khác.

Xem xét đủ đường lợi - hại

Để chắn đứng tình trạng “chặt chém” khách du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị bắt buộc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ niêm yết giá công khai và bán đúng giá. Bộ thành lập và duy trì đường dây nóng để tiếp nhận phản ảnh vi phạm, tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm; phát động phong trào quần chúng tham gia hoạt động kinh doanh đúng quy định và tố giác vi phạm để xử lý kịp thời.

Ngành “Công nghiệp không khói” cũng đề xuất mở rộng diện miễn visa đơn phương cho các nước là thị trường trọng điểm có nguồn khách lớn, nhu cầu lưu trú dài hơn, chi tiêu cao hơn. Theo đó, Chính phủ đã đồng ý từ 1/7, khách du lịch đến Việt Nam là công dân của 5 nước Đức, Pháp, Anh, Italy và Tây Ban Nha sẽ được miễn thị thực đơn phương trong vòng 15 ngày. Cùng với đó, còn đưa ra những đề xuất về việc áp dụng công nghệ tiên tiến để giảm thiểu thủ tục, rút ngắn thời gian cấp visa nhằm thể hiện sự thân thiện, cởi mở, tạo tâm lý thoải mái cho du khách khi đến với Việt Nam.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết thêm, thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tiếp tuc xem xét, đề xuất miễn thị thực các thị trường mới, tiềm năng khác…

Bộ Ngoại giao đồng tình điều gì cản trở du lịch thì cần xem xét để tháo gỡ, trong đó có visa. Tuy nhiên, cần cân nhắc tổng thể, nếu duy trì visa thì được gì, bỏ thì được gì. “Tôi có cảm giác khi tìm các biện pháp tháo gỡ cho ngành du lịch có rất nhiều ý kiến nhưng hầu như quên mất vấn đề khách du lịch quan tâm đến việc chúng ta cung cấp sản phẩm du lịch là cái gì, sức hấp dẫn các tour du lịch, khi người ta đến thăm thì được hưởng thụ cái gì và sự bảo đảm an ninh, an toàn khi họ đến. Đó mới là điều quan trọng”, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam nói.

Tạm kết

Hà Nội là một trong 10 TP thu hút khách du lịch hàng đầu thế giới. Vịnh Hạ Long là 1 trong 25 địa danh có vẻ đẹp khó tin nhất thế giới. Hang Sơn Đoòng là 1 trong 12 hang động ấn tượng nhất thế giới. Thám hiểm Sơn Đoòng là tour du lịch mạo hiểm đẳng cấp nhất thế giới của năm 2014… Chúng ta nói điều đó để quay lại câu chuyện, tiềm năng, thế mạnh du lịch có nhưng cái gì làm ảnh hưởng đến tăng trưởng khách của chúng ta? Ngoài miễn thị thực đơn phương, ngoài quỹ phát triển du lịch, ngoài bảo đảm môi trường du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch thì đặc biệt cần phải nâng cao chất lượng nguồn du lịch.

“Khách du lịch nói người Việt Nam mến khách nhưng 1 nghìn người mến khách chỉ cần 1 người không mến khách là họ ấn tượng rất xấu. Du khách sợ vào cửa hàng vì nếu vào xem mà không mua sẽ bị nhân viên có thái độ khác ngay. Có thể người ta không hiểu mình nói gì nhưng nhìn thái độ là người ta biết, cảm nhận được ngay”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói và gửi gắm “dân mình ai cũng muốn đất nước tốt nên hãy cùng nhau làm từ việc bé, việc này ai cũng có thể làm được. Mình có thể nghèo nhưng phải cho người ta thấy mình là một dân tộc văn hóa”.

Thảo Nguyên