Về lý thuyết, du lịch mạo hiểm tiềm ẩn và có thể dẫn đến một số rủi ro, song qua đấy chúng ta có thể học được những kinh nghiệm mới để chế ngự chúng và vượt qua những thử thách, từ đó khám phá và phá vỡ những giới hạn của bản thân. Trong thực tế, các yếu tố hiểm nguy đều đã bị triệt tiêu, nhờ sự trợ giúp bài bản và hướng dẫn kỹ lưỡng từ các huấn luyện viên cũng như HDV đồng hành suốt dọc hành trình; nhờ các thiết bị an toàn đạt chuẩn quốc tế; nhờ kỹ năng, kiến thức cần thiết về địa hình đã được cung cấp đầy đủ trước khi khởi hành. Nguy hiểm chỉ còn tồn tại trong cảm giác của mỗi du khách tham gia, khi được đặt vào một bầu không khí mạo hiểm, tiềm ẩn nhiều thử thách độc đáo, mới lạ. Vì vậy, quy trình tổ chức tour mạo hiểm đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao, bởi nó liên quan trực tiếp tới sự an toàn, thậm chí là sinh mạng của mỗi du khách.

Ở nước ngoài, du lịch mạo hiểm là loại hình chuyên biệt, với những yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt. HDV phải có chứng chỉ hành nghề riêng. Du khách phải đáp ứng đầy đủ rất nhiều cái gạch đầu dòng về sức khoẻ, phải được tham gia tất cả các bước: Học sử dụng thiết bị an toàn, được huấn luyện và trang bị kỹ năng thực hành, trên những điều kiện thực địa cụ thể. Du khách cũng được đóng bảo hiểm đầy đủ. Nhà tổ chức phải đảm bảo các phương án cùng trang thiết bị cứu hộ đúng chuẩn, để sẵn sàng ứng phó ngay trong các tình huống khẩn cấp. Đối tượng của du lịch mạo hiểm - thám hiểm đều là những du khách có điều kiện kinh tế, thời gian lưu trú dài, mức chi tiêu cao. Tour mạo hiểm luôn có giá bán vô cùng đắt đỏ, khác hẳn mức giá bình dân của những tour du lịch đại trà. Lợi nhuận “khủng”, nếu khéo co kéo, cắt giảm tối đa mọi chi phí đã khiến loại hình này đang bùng nổ tại Việt Nam, với tốc độ phát triển rất nhanh nhưng ẩn chứa yếu tố không bền vững. Có đơn vị lẫn lộn với mô hình dã ngoại thông thường, tổ chức theo dạng đi ngắm cảnh nên tạo nhiều lỗ hổng cho sự cố đáng tiếc xảy ra. Vì vẫn còn khá mới mẻ, Việt Nam hiện chưa có quy chuẩn đối với loại hình khai thác đặc thù này nên xảy ra tình trạng, mỗi đơn vị thực hiện một phách, kiểu “thích gì làm nấy” hoặc liều mạng “điếc không sợ súng”.

Du khách sử dụng hệ thống đai khoá an toàn để thực hiện việc xuống hang. Ảnh: Hoàng Trung Kiên 

 

Có rất nhiều bài báo đã mổ xẻ mặt trái trong khai thác loại hình du lịch mạo hiểm, chủ yếu theo kiểu “hớt váng”, “ăn xổi”. Việt Nam hiện chưa hề có chứng chỉ riêng biệt dành cho HDV du lịch mạo hiểm nên phần lớn lực lượng HDV trong nước hiện đều chưa đáp ứng được đòi hỏi vô cùng khắt khe của loại hình này. Nhiều HDV thông thường, không hề có trong tay một kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức sơ đẳng nhưng lại tình nguyện đưa du khách vượt thác, đu dây, băng rừng, trèo núi… nên nguy cơ xảy ra tai nạn luôn hiện hữu, trực chờ. Có những tour bố trí hai HDV để phục vụ tới 20 khách. Nhiều tour hạ giá đến mức tối đa, cung cấp trang thiết bị an toàn sơ sài, kém chất lượng. Tại các điểm đến, HDV đưa khách “đi chui”, trốn vé, thiếu các trang thiết bị bảo hiểm tối thiểu nên những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Vụ việc 3 du khách người Anh tử nạn ở thác Datanla, du khách Ba Lan và HDV cùng thiệt mạng tại thác Hang Cọp (đều thuộc Đà Lạt), du khách người Anh rơi xuống vực ở Fansipan (Lào Cai)… cho thấy việc quản lý loại hình này tại Việt Nam đang bị buông lỏng.

Trực tiếp đảm bảo an toàn cho khách, không ai khác chính là các HDV. Trên mỗi chặng hành trình, HDV không chỉ là người dẫn đường, lo lắng cho khách từ miếng ăn, giấc ngủ mà còn phải đảm trách vai trò của một chuyên gia an toàn, nắm rõ các biện pháp sơ cứu, thành thạo các kỹ năng di chuyển trên địa hình hiểm trở. Liên tục được tham gia các khoá đào tạo chuyên sâu, do các chuyên gia nước ngoài đứng lớp là điều cực kỳ cần thiết để đảm bảo chất lượng cho HDV, từ đó giảm thiểu tối đa rủi ro cho du khách. 

Quảng Bình hiện là một điểm sáng trong khai thác loại hình đặc thù này, khi giữ được an toàn gần như tuyệt đối cho du khách, sau nhiều năm triển khai hoạt động.

Du khách thám hiểm lòng hang đẹp lộng lẫy. Ảnh: Jason Speth 

 

Ông Nguyễn Anh Đức, phụ trách điều hành tour của Công ty Oxalis (đơn vị độc quyền khai thác hàng loạt tour du lịch mạo hiểm hấp dẫn như hang Én - Sơn Đoong - hang Va - hệ thống hang động Tú Làn… dăm năm trở lại đây) cho biết: “Với một tour Sơn Đoong, 27 người sẽ phục vụ chỉ 10 du khách. Trang thiết bị đảm bảo an toàn trên toàn tuyến cho từng du khách đều phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài HDV chuyên nghiệp còn có vài ba trợ lý an toàn theo sát và trợ giúp khách trên suốt hành trình. Tour từ cấp độ bốn trở lên đều có chuyên gia hang động nước ngoài đồng hành. Không chỉ có vậy, mỗi porter trong đoàn cũng đều là một vệ sĩ dự phòng để hỗ trợ khách, mọi lúc mọi nơi. Lẽ dĩ nhiên, những thương tích nhẹ như bong gân, xây xước, bầm tím là không tránh khỏi với khách thám hiểm phải di chuyển trên những địa hình hiểm trở, đầy thách thức. Nhưng gãy xương hoặc những thương tích nặng hơn thì may mắn là chưa bao giờ xảy ra”. 

Đơn vị này cũng bỏ kinh phí tổ chức tập huấn thường niên cho toàn bộ đội ngũ HDV, với sự đào tạo vô cùng nghiêm khắc của các chuyên gia thuộc Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao, ngày càng chuyên nghiệp hoá của loại hình này. Đó cũng là những kinh nghiệm quý báu mà các đơn vị lữ hành khác có thể tham khảo.

Du khách đam mê thám hiểm trên chặng hành trình khám phá Hang Va. Ảnh: Công ty Oxalis cung cấp

 

Đội ngũ HDV chuyên trách tour du lịch mạo hiểm đạt chuẩn hiện đang rất thiếu, cả về số lượng lẫn chất lượng. Sở hữu rất nhiều lợi thế, tiềm năng sẵn có, Việt Nam hứa hẹn là một thiên đường cho giới đam mê du lịch cảm giác mạnh trong tương lai gần. Thiết kế tour hấp dẫn, mới mẻ để giữ chân du khách đã khó. Quản lý và thực hiện ra sao để đảm bảo an toàn tuyệt đối trên hành trình chính là bài toán sống còn. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, đừng để hậu quả đau xót xảy ra mới nghĩ tới chuyện “rút kinh nghiệm”.

Bởi nói như ông Hoàng Hải Vân, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng: “Chúng tôi hiểu rất rõ, tiềm năng là thế, nỗ lực xây dựng thương hiệu bao năm vất vả là thế nhưng nếu chỉ để xảy ra một vụ tai nạn cho du khách là mọi công sức đổ xuống sông xuống bể hết. Vì thế, trong hoạt động khai thác du lịch mạo hiểm, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho du khách là mối quan tâm hàng đầu và được chúng tôi kiểm tra nghiêm ngặt. Làm du lịch mạo hiểm là không được phép chủ quan, dù chỉ một giây phút”.

Hồ Huyền Nga