Năm 2014, bám sát định hướng của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị thuộc hệ thống Thanh tra ngành Tài chính triển khai 70.571 cuộc thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, trong đó, chú trọng tập trung vào các lĩnh vực nóng, được dư luận xã hội quan tâm, như: Việc quản lý, bình ổn giá cả thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu (sữa, xăng dầu...); quản lý nợ công và sử dụng nguồn vốn vay ODA; công tác quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; công tác ưu đãi, miễn giảm, hoàn thuế; chống chuyển giá...

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính 16,9 nghìn tỷ đồng. Kịp thời đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt là những kiến nghị, đề xuất áp trần giá mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi để thực hiện bình ổn giá; kịp thời đề xuất Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường về quản lý nợ công; Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/8/2014, Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 1/10/2014 kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật về thuế.

Với những kết quả đạt được, công tác thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2014 đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp, bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính.

Song song với công tác thanh tra, kiểm tra, công tác xử lý sau thanh tra cũng được Bộ Tài chính quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm đảm bảo việc thực hiện đầy đủ kiến nghị, kết luận thanh tra, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước.

Hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính được tiến hành thường xuyên, kịp thời theo kế hoạch đảm bảo đúng Quy trình xử lý sau thanh tra ban hành kèm theo Quyết định số 33/2007/QĐ-BTC ngày 15/5/2007 của Bộ Tài chính và Thông tư số 01/2013/TT-TTCP ngày 12/3/2013 của Thanh tra Chính phủ…

Ngay sau khi các kết luận thanh tra được ban hành, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành khẩn trương theo dõi việc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra. Tại Thanh tra Bộ Tài chính, việc theo dõi thực hiện kết luận do Phòng Xử lý sau thanh tra tiến hành. Riêng lĩnh vực thuế, do đặc thù số lượng cuộc thanh tra, kiểm tra rất lớn nên việc theo dõi thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo dõi trên ứng dụng TTR (ứng dụng hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra).

Cùng với việc theo dõi, cán bộ làm công tác xử lý sau thanh tra phải luôn bám sát, chủ động đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị được thanh tra báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị ngay cả khi chưa đến hạn nộp báo cáo.

Nhờ tính chặt chẽ trong các khâu theo dõi, đôn đốc và kiểm tra nên kết quả việc thực hiện kết luận thanh tra trong năm 2014 được các đơn vị thực hiện nghiêm túc:

Về kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách: Các bộ, ngành, địa phương đã và đang thực hiện 27/31 kiến nghị. Các kiến nghị về sửa đổi cơ chế, chính sách chưa thực hiện xong do muốn sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách phải đưa vào kế hoạch, lộ trình làm luật theo quy định, quá trình làm luật qua nhiều thủ tục, các bước thẩm định nên thời gian kéo dài.

Tổng số kiến nghị về tài chính đã thực hiện theo báo cáo của các đơn vị là 10.804 tỷ đồng, đạt 74%.

Nguyên nhân chưa thực hiện đầy đủ: Một số đơn vị đã đến hạn nhưng chưa có báo cáo kết quả thực hiện; một số kết luận chưa đến hạn báo cáo; tiền gốc và lãi phải nộp về quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của một số đơn vị nhưng doanh nghiệp không còn khả năng nộp do lỗ kéo dài đã mất vốn; một số khoản tạm ứng chưa thu hồi được do chưa được bố trí vốn; một số dự án chưa có lần thanh toán tiếp theo nên chưa giảm trừ mà chờ khi quyết toán mới thực hiện giảm trừ; có đơn vị không có khả năng nộp do khó khăn về tài chính.

Kiến nghị chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét xử lý hình sự là 13 vụ, đã thực hiện chuyển cơ quan công an 13 vụ. Cơ quan công an đã tiếp nhận và xử lý 8 vụ.

Các kiến nghị khác như: Chấn chỉnh hạch toán kế toán; đối chiếu công nợ đầy đủ; hoàn thiện xây dựng tiêu chuẩn, định mức… cơ bản đều được các đơn vị thực hiện đầy đủ.

Đối với những trường hợp có giải trình kiến nghị thanh tra đều được các đơn vị xem xét có tình, có lý; trường hợp có vướng mắc đều tổ chức lấy ý kiến các vụ, cục chức năng nên các kiến nghị thanh tra có tính thuyết phục cao, các đơn vị được thanh tra chấp hành và thực hiện nghiêm túc.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong năm 2014, trong quá trình triển khai thực hiện, Thanh tra Bộ Tài chính vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị.

Lực lượng cán bộ công chức làm công tác xử lý sau thanh tra còn ít, hầu như các đơn vị trong ngành Tài chính không có bộ phận xử lý sau thanh tra chuyên trách riêng (chỉ Thanh tra Bộ Tài chính có Phòng Xử lý sau thanh tra); trong khi kế hoạch thanh tra của một số lĩnh vực rất lớn (Tổng cục Thuế - chủ yếu thanh tra đối tượng nộp thuế) nên cán bộ công chức làm công tác thanh tra phải đồng thời theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị xử lý sau thanh tra, kiểm tra. Vì vậy, một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) mới chỉ thực hiện theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị thanh tra theo quy định của Thông tư số 01/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ, mà chưa tiến hành kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra tại các đơn vị.

Đặc thù ngành Tài chính có nhiều cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành (Thuế, Hải quan, Kho bạc, Dự trữ, Chứng khoán, Bảo hiểm) với số lượng cán bộ làm công tác thanh tra chuyên ngành rất lớn (khoảng 9.000 cán bộ). Từ khi Luật Thanh tra ra đời năm 2010 đến nay, cán bộ thanh tra chuyên ngành chưa được cấp thẻ do Thanh tra Chính phủ chưa có hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền đào tạo cấp chứng chỉ. Việc này dẫn đến cán bộ thực thi công vụ không có thẻ công chức thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Về xây dựng tránh chồng chéo với Kiểm toán Nhà nước về kế hoạch thanh tra, đề nghị Thanh tra Chính phủ cần có quy chế phối hợp với Kiểm toán Nhà nước về xây dựng kế hoạch, triển khai kế hoạch hằng năm.

Đối với cuộc thanh tra chuyên đề, diện rộng (như nợ đọng xây dựng cơ bản, việc quản lý sử dụng đất đai tại các địa phương), cần thường xuyên có giao ban, thảo luận về xây dựng đề cương, hướng dẫn triển khai, thực hiện, sơ kết, tổng hợp báo cáo.

Tăng cường việc giao ban định kỳ, thường xuyên hoặc đột xuất giữa Thanh tra Chính phủ với thanh tra các bộ, ngành về xây dựng kế hoạch, triển khai kế hoạch và những vướng mắc để kịp thời đề xuất, kiến nghị...

Hoài Thu