Dự án xử lý triệt để rác thải ở Sầm Sơn cần thiết và cấp bách

Báo Thanh tra ngày 9/1/2022 đăng bài: “Có hay không lợi ích nhóm bằng cách hủy thầu để đấu thầu lại?”, nội dung phản ánh việc tổ chức đấu thầu “gói thầu số 2 xây dựng công trình dự án hạ tầng khu xử lý rác thải tập trung” tại xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn.

Mặc dù quá hạn nhiều ngày về thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu nhưng bên mời thầu vẫn không thông báo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu theo quy định của pháp luật.

Mãi đến ngày 5/1/2022, huyện Triệu Sơn mới ra Quyết định số 41/QĐ-UBND “hủy thầu gói thầu” với lý do hồ sơ dự thầu của cả 4 nhà thầu tham gia không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Luật Đấu thầu.

Như vậy, có thể khẳng định việc lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực xử lý triệt để rác thải không chỉ Thanh Hóa mà cả nước đều phải thực hiện một cách bài bản thì mới có thể lựa chọn được đơn vị đủ năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng được các tiêu chí thì các dự án xử lý môi trường mới có thể thành công. Đến thời điểm hiện tại, dự án này ở Triệu Sơn vẫn chưa khởi động đấu thầu lại vì liên quan đến việc nhà thầu làm đơn tố giác bên mời thầu có dấu hiệu “cài cắm” nhiều tiêu chí về bằng cấp, chứng chỉ nhân sự để hạn chế các nhà thầu tham dự gói thầu. Ngoài ra, chủ đầu tư còn bị tố có dấu hiệu bất minh khi bỏ sót, chưa làm rõ những thông tin có đơn vị tham gia dự thầu giả mạo hồ sơ để tham gia đấu thầu gói thầu này … 

Tại thành phố du lịch Sầm Sơn, hiện có bãi chứa rác thải sinh hoạt khổng lồ tại phường Trung Sơn, được khai thác từ năm 2015 với công suất 90 tấn/ngày/đêm. Một phần dân số phát triển cùng với việc tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, du lịch và dịch vụ phát triển mạnh, số lượng khách du lịch đến với Sầm Sơn nghĩ dưỡng ngày càng tăng. Chưa kể khi mở rộng địa giới hành chính Sầm Sơn có thêm tới 6 xã của huyện Quảng Xương sáp nhập về dẫn đến số lượng rác thải thu gom về bãi rác này ngày một tăng đột biến, vượt quá công suất chứa, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống khu dân cư lân cận, gây bức xúc trong nhân dân, làm ảnh hưởng lớn đến đến hình ảnh du lịch Sầm Sơn trong những năm qua. 

Ngoài ra, khu vực bãi rác phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn hiện tại nằm trong phạm vi của dự án khu đô thị sinh thái, nghĩ dưỡng sông Đơ (dự án đối ứng số 3 của quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn theo hình thức đối tác công tư). Vì vậy, để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do bãi rác này gây ra, góp phần cảnh thiện đời sống nhân dân quang khu vực xung quang bãi rác và vùng phụ cận, đẩy nhanh tiến độ bàn giao giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị sinh thái, nghĩ dưỡng sông Đơ. Việc đầu tư dự án xử lý triệt để môi trường bãi rác Sầm Sơn là hết sức cần thiết và cấp bách.

Đừng lặp lại “vết xe đổ” như ở Triệu Sơn 

Ngày 27/4/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định phê duyệt dự án công trình xử lý triệt để môi trường bãi rác tại phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn với tổng mức đầu tư gần 280 tỷ đồng bằng nguồn vốn sự nghiệp môi trường của tỉnh, nguồn khai thác quỹ đất trên địa bàn thành phố Sầm Sơn. Chủ đầu tư là UBND thành phố Sầm Sơn, giao Ban Quản lý dự án  (QLDA) Đầu tư Xây dựng thành phố Sầm Sơn thực hiện. 

Hiện nay, thành phố Sầm Sơn đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với các gói thầu số 02, 11, 12 để tìm nhà thầu đủ năng lưc, kinh nghiệm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Các gói thầu còn lại, trên cơ sở tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 721/QĐ-UBND ngày 24/2/2022 và tình hình thực tế, chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu cho phù hợp và đảm bảo quy định. 

Hiện nay có nhiều luồng ý kiến cho rằng để tìm được nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm về việc xử lý triệt để vấn đề môi trường ở bãi rác Sầm Sơn là việc làm khó, vì chủ đầu tư vừa phải thực hiện đúng quy định pháp luật về đấu thầu và đảm bảo lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm mới có thể thực hiện thành công dự án.

Do đó, ngoài việc minh bạch, công bằng trong hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, đưa ra các tiêu chí mời thầu khắt khe, tuân thủ các quy định của pháp luật thì mới có thể lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực. Không thể lặp lại “vết xe đổ” như “gói thầu số 2 xây dựng công trình dự án hạ tầng khu xử lý rác thải tập trung tại xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn” vừa phải “hủy thầu dự án”, kiểm điểm cán bộ, vừa bị các nhà thầu tố chủ đầu tư cố tình “cài cắm” các tiêu chí lạ, không xử lý các thông tin nhà thầu giả mạo hồ sơ, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” trong đấu thầu, khiến dư luận bất bình.   

Thông tin từ chủ đầu tư thành phố Sầm Sơn đưa ra, gói thầu số 10 của dự án xử lý triệt để môi trường bãi rác tại phường Trung Sơn là gói thầu xây lắp có giá trị lớn hơn 20 tỷ đồng, áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi theo điều 20 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013. Phương thức đấu thầu một giai đoạn, hai túi hồ sơ, đồng nghĩa với việc các nhà thầu tham gia phải nộp đồng thời hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính riêng biệt theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. 

Căn cứ theo Luật Đấu thầu số 43/ 2013 và Nghị định 63/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu, tại điểm 4, Điều 12 quy định lập hồ sơ mời thầu với gói thầu xây lắp bao gồm: Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, sử dụng tiêu chí đạt, không đạt để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, trong đó phải quy định mức yêu cầu tối thiểu để đánh giá là đạt đối với từng nội dung về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu. Cụ thể, kinh nghiệm thực hiện các gói thầu tương tự về quy mô, tính chất kỹ thuật, điều kiện, địa lý, địa chất, hiện trường (nếu có); kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính có liên quan đến việc thực hiện gói thầu. Năng lực kỹ thuật, số lượng, trình độ cán bộ chuyên môn chủ chốt, công nhân kỹ thuật trực tiếp thực hiện gói thầu và số lượng thiết bị thi công sẵn có, khả năng huy động thiết bị thi công để thực hiện gói thầu… 

Cần bổ sung điều khoản chống tham nhũng vào hồ sơ mời thầu 

Đối với dự án xử lý triệt để môi trường bãi rác tại phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn, tất cả các gói thầu phải đảm bảo các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và thực hiện dự án tương tự. Do đó, về đặc thù riêng đối với xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhà thầu đáp ứng năng lực, kinh nghiệm theo quy định của pháp luật thì phải có các văn bản pháp lý về chứng nhận có dây chuyền công nghệ để thực hiện dự án, phù hợp với quy định về lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt được quy định theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 08, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Theo GS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đối với các dự án xử lý ô nhiễm môi trường nói chung và đặc biệt biệt là dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng, ngoài việc phải tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013, để có thể lựa chọn được nhà thầu tốt, chủ đầu tư cần thiết phải đưa ra các điều kiện, tiêu chí (chính bắt buộc) cụ thể như sau:

Thứ nhất, vì thành phần chất thải của từng đối tượng rác thải rất khác nhau nên công nghệ của dự án cần phải phù hợp với đối tượng chất thải cần được xử lý, bởi vì rác sinh hoạt mới hằng ngày và rác đã chôn lấp nhiều năm có đặc tính khác nhau nên công nghệ xử lý cũng khác nhau, chứ không phải cứ có nhà máy xử lý rác mới hằng ngày là có thể xử lý được rác đã chôn lấp. Đồng thời, công nghệ cho dự án phải đã được thẩm định bởi các cơ quan Nhà nước.

Thứ hai, công nghệ phải đã được kiểm nghiệm, ứng dụng thành công trong thực tế ở một số dự án có tính chất tương đồng và quy mô công suất của dự án bằng hoặc lớn hơn với quy mô dự án của chủ đầu tư.

Thứ ba, tiêu chí về tỷ lệ tái chế chất thải, nhằm thu hồi tài nguyên và đáp ứng nền kinh tế tuần hoàn, đảm bảo các quy chuẩn quốc gia về môi trường đối với các phát thải ra môi trường như nước, không khí và chất thải rắn. 

“Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải tuân thủ nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013 và Nghị định 63/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu. Không được “gài cắm” những điều kiện, tiêu chí phụ không liên quan đến chất lượng của dự án, mà chỉ nhằm hướng tới có lợi cho nhà thầu nào đó. Hồ sơ mời thầu và tư vấn chấm thầu cần có sự tham gia, góp ý kiến và thẩm định của một số chuyên gia môi trường có uy tín trong nước. Bổ sung điều khoản về việc chống tham nhũng và hối lộ vào hồ sơ mời thầu. Có như thế các dự án khi đấu thầu mới thực sự minh bạch”, GS.TS Trịnh Văn Tuyên nhấn mạnh. 

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục theo dõi việc đấu thầu ở dự án này và phản ánh đến bạn đọc.

Văn Thanh