Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2022, quy chế này quy định về nguyên tắc, hình thức, nội dung, trách nhiệm phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Đối tượng áp dụng là các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện); các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện công tác phối hợp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định hoặc được UBND tỉnh phân cấp, ủy quyền.

Trong công tác phối hợp giải quyết các nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo phải đảm bảo theo đúng các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; đảm bảo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, chế độ bảo mật về hồ sơ, tài liệu và các thông tin có liên quan.

Trong quá trình phối hợp cần xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp để quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ trống chức năng, nhiệm vụ.

Nội dung phối hợp

Lập kế hoạch, đề án, dự án và kiến nghị, đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phối hợp tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện về tín ngưỡng, tôn giáo.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Giải quyết các thủ tục hành chính có nội dung liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định.

Quản lý hoạt động tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đã được xếp hạng di tích.

Quản lý hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo và giải quyết “hiện tượng tôn giáo mới”, “đạo lạ”, “tà đạo”.

Giải quyết vấn đề đất đai liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

Giải quyết các vấn đề về kiến trúc, quy hoạch, xây dựng các công trình tín ngưỡng, tôn giáo.

Quản lý các hoạt động xuất bản, in ấn và phát hành sản phẩm in ấn; vận chuyển tài liệu, sản phẩm in ấn không rõ nguồn gốc xuất xứ; phổ biến, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm về tín ngưỡng, tôn giáo; y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo, dạy nghề của tổ chức, cá nhân tôn giáo.

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

Quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

Xử lý các đơn khiếu nại, đơn tố cáo và đơn kiến nghị, phản ánh có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

Giải quyết các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Thực hiện các nội dung khác theo yêu cầu của UBND tỉnh và theo đề nghị của cơ quan chủ trì.

Hình thức phối hợp

Lấy ý kiến bằng văn bản.

Tổ chức cuộc họp.

Tổ chức hội nghị, hội thảo, mở các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản pháp luật có liên quan.

Cung cấp thông tin.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

Các hình thức khác (nếu có).

Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình phối hợp

Về trách nhiệm chung, các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao phối hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần bảo đảm an ninh trật tự; phối hợp tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh giải quyết kịp thời nhu cầu chính đáng của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng theo đúng quy định của pháp luật.

Cơ quan, đơn vị chủ trì trước khi tổ chức họp phải gửi tài liệu trước cho các cơ quan, đơn vị được mời họp. Các cơ quan, đơn vị được mời dự họp có trách nhiệm cử lãnh đạo tham gia và trong cuộc họp được nêu chính kiến của cơ quan, đơn vị mình. Trường hợp ủy quyền cho cán bộ, công chức cấp dưới tham gia họp thì phải chịu trách nhiệm về nội dung thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý.

Đối với những nội dung phối hợp lấy ý kiến bằng văn bản, cơ quan chủ trì kịp thời gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện theo đúng thời gian quy định của pháp luật. Ý kiến của các cơ quan, đơn vị phải nêu rõ đồng ý hoặc không đồng ý, trường hợp không đồng ý thì phải nêu rõ lý do và gửi văn bản đến cơ quan chủ trì theo đúng thời gian quy định. Nếu quá thời hạn mà các cơ quan, đơn vị không có ý tham gia kiến thì xem như là đồng ý và phải chịu trách nhiệm về nội dung công việc được đề nghị phối hợp. Nếu có ý kiến chưa đồng thuận giữa các cơ quan, đơn vị thì cơ quan chủ trì có trách nhiệm báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, quy chế cũng nêu rõ trách nhiệm của Sở Nội vụ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Ngoại vụ; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Y tế; Thanh tra tỉnh; Sở Tư pháp; Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; UBND cấp huyện…

Đồng thời, có những đề nghị cụ thể với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Ban Dân vận Tỉnh ủy; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy…

Hà Anh