Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tự hào 60 năm “làm dâu trăm họ”

Thứ sáu, 27/02/2015 - 06:23

(Thanh tra) - “Làm dâu trăm họ” là cách mà nhiều chiến sĩ áo trắng của ngành Y tế nói về mình. Nhân kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2015), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc trò chuyện thân mật với PV Báo Thanh tra. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm, tặng quà cho người dân tại huyện Mường Nhé, Điện Biên, tháng 10/2014. Ảnh: Trần Trang

Bước đầu xóa ghép giường

+ Một trong những đột phá của ngành Y tế năm qua là cam kết của các bệnh viện (BV) về việc chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép giường. Bộ trưởng có hài lòng về kết quả này?

- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép giường nói riêng và giải quyết tình trạng quá tải BV nói chung luôn là mục tiêu của ngành Y tế. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ 2011 - 2016, Bộ Y tế đã đặt một trong những nhiệm vụ trọng tâm là “Giảm tình trạng quá tải BV” ở các BV Trung ương, BV tuyến cuối, BV tỉnh. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, thách thức. 

Bộ Y tế đã chỉ đạo toàn ngành Y tế tích cực triển khai quyết liệt các biện pháp trên và đã thu được kết quả bước đầu. Sau 2 năm thực hiện Đề án giảm quá tải BV, số giường bệnh thực kê tăng 17,5%, tăng 5.102 bàn khám, gần gấp đôi, tỷ lệ giường bệnh/1 vạn dân thực kê đã đạt 28,1 giường, tăng được 3,4 giường so với năm 2012. 

Đến nay, có 13 BV đăng ký giải quyết tình trạng bệnh nhân nằm ghép giường trong tháng. Đó là các BV đã có thời gian chuẩn bị nguồn lực và có khả năng giải quyết tình trạng nằm ghép. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, việc giải quyết tình trạng quá tải, nằm ghép giường bệnh không phải là nhiệm vụ có thể làm xong trong ngày một, ngày hai, mà cần phải có thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn lực. Bộ Y tế đã triển khai Đề án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của BV Bạch Mai và BV Hữu Nghị Việt Đức và 3 BV tuyến cuối ở TP Hồ Chí Minh để tăng số giường bệnh. 

60 năm miệt mài làm theo lời Bác

+ Với sứ mệnh thiêng liêng là cứu người, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm rất nhiều tin yêu và kỳ vọng với những người chiến sĩ áo trắng. Truyền thống này đã được tiếp nối như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Cách đây đúng 60 năm, ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành Y tế với những lời dạy quý báu. Từ đó, ngày này được xem là ngày tôn vinh các y, bác sĩ và những người đang làm việc trong ngành Y tế và là Ngày Thầy thuốc Việt Nam. 

Thực hiện lời dạy của Bác, các thế hệ thầy thuốc, cán bộ ngành Y tế đã không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện tu dưỡng bản thân, vượt qua nhiều gian nan, vất vả, không nản trí trước bất kỳ khó khăn, thách thức, đoàn kết một lòng xây dựng nền y học Việt Nam ngày càng phát triển, sánh vai được các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.  

Những tấm gương sáng chói về chủ nghĩa anh hùng cách mạng cả trong thời chiến cũng như thời bình, không ngừng phát huy tính năng động sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh, đem lại sức khỏe và hạnh phúc cho người dân là biểu hiện rõ nét và sinh động nhất về tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.

Mặc dù, ở đâu đó còn có tiếng than phiền về y đức của một bộ phận nhỏ thầy thuốc - người đã không giữ được mình trước những tác động của cơ chế thị trường, đã quên lời thề Hippocrates và lời Bác dạy. Nhưng công bằng mà nói, đó chỉ là con số rất nhỏ nhoi so với hàng ngàn, hàng vạn cán bộ y tế đang ngày đêm thầm lặng làm việc, không một yêu cầu, đòi hỏi, không một tiếng than thở - bởi họ hiểu và tự nguyện theo nghiệp làm NGHỀ Y - cứu người là lẽ sống.

Chúng ta cũng tự hào ghi nhận sự phát triển vượt bậc của nền y học Việt Nam, có thể sánh vai được các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Trong lĩnh vực phòng bệnh: Các thầy thuốc Việt Nam đã khống chế dịch bệnh thành công dịch SARS và nhiều dịch bệnh nguy hiểm, không để bùng phát thành dịch lớn như: Cúm A (H5N1), (H1N1), sốt xuất huyết, dịch bệnh chân tay miệng ở trẻ em, rubella…

Trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, nhiều chứng bệnh nguy hiểm đã được điều trị có hiệu quả, tỷ suất trẻ em sơ sinh chết và số ca tai biến sản khoa đều giảm rõ rệt; nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng không chỉ ở tuyến BV Trung ương mà còn được phổ biến đến các BV tuyến cơ sở. Trong đó, có trên 17 ngàn kỹ thuật cao ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực đã được thực hiện thường quy tại các BV Trung ương. Triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao lần đầu tiên ở Việt Nam như ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư, sử dụng robot trong mổ nội soi nhi khoa, phẫu thuật tim hở có nội soi hỗ trợ trong thay và sửa van tim, vá các dị tật trong tim... 

Chú trọng phát triển ngành

+ Năm 2015 là năm quan trọng thực hiện kế hoạch công tác y tế giai đoạn 2011 - 2015. Ngành Y tế sẽ chú trọng những nhiệm vụ nào thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong năm 2015, đồng thời với việc thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao, ngành Y tế tiếp tục triển khai 7 nội dung công tác trọng tâm đã được đề ra từ đầu nhiệm kỳ 2011 - 2016. Đặc biệt tập trung hoàn thành những nội dung: Tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm giảm quá tải BV. Chủ động, dự báo, phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra. Thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, thực hiện tốt Luật Bảo hiểm y tế. Tăng cường công tác truyền thông về y tế, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân và toàn xã hội.

Bên cạnh đó, ngành Y tế sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp về đổi mới cơ chế tài chính hướng tới sự công bằng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tập trung củng cố, hoàn thiện và nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở. Phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng, tập trung vào chất lượng, cơ cấu và phân bố cân đối. Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, máu, chế phẩm máu và trang thiết bị y tế có chất lượng với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân; quản lý, sử dụng thuốc và trang thiết bị hợp lý, an toàn và hiệu quả. 

Nâng cao năng lực quản lý và năng lực thực hiện chính sách y tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp liên ngành để đáp ứng nhu cầu đổi mới và phát triển ngành Y tế trong giai đoạn mới.  

+ “Nóng” bởi được tất cả nhân dân quan tâm, ngành Y tế cũng được báo chí theo sát. Bộ trưởng có chia sẻ gì về điều này?

- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Thời gian qua, ngành Y tế nhận được sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan truyền thông, nhân dân và cộng đồng xã hội đối với hoạt động của ngành. Lãnh đạo Bộ Y tế, cũng như cá nhân tôi luôn trân trọng sự ủng hộ đó, cảm ơn sự đóng góp hết sức trí tuệ, với tấm lòng và tình cảm của những người cầm bút dành cho ngành Y. Dù là phê bình những việc chưa làm tốt, biểu dương những nỗ lực, cố gắng, hay chia sẻ những khó khăn, vất vả của ngành, của nhiều cán bộ y tế thì mỗi chúng tôi đều hiểu, đó là sự đồng cảm và quan tâm của các cơ quan báo chí nói riêng, của nhân dân nói chung dành cho ngành. 

Qua đó, động viên toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Y tế tự tin hơn, tự trọng hơn và nỗ lực hơn để vượt qua những trở ngại, những dư luận trái chiều trong công việc của mình. Đồng thời, củng cố niềm tin của xã hội đối với những chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm âm thầm chiến đấu với bệnh tật, vững lòng chăm lo cho sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn…

+ Với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thanh tra y tế, đồng chí có dặn dò gì thêm?

- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Cá nhân tôi đánh giá cao kết quả công tác năm 2014 của thanh tra ngành Y tế, nhất là Thanh tra Bộ Y tế. Các đồng chí đã thực hiện rất tốt vai trò, chức năng của mình, trở thành cánh tay nối dài của lãnh đạo ngành.

Cũng xin chúc mừng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thanh tra ngành Y tế, khi cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực Thanh tra Y tế đến năm 2020 nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về thanh tra y tế, tăng cường số lượng, chất lượng cán bộ Thanh tra Y tế. 

Tại Đề án này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, từ năm 2018 đến hết năm 2020, nghiên cứu, sắp xếp, hoàn thiện hệ thống thanh tra Y tế bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về y tế, thông qua tăng cường chức năng và cơ cấu tổ chức về giám sát, thanh tra hoạt động y tế; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho thanh tra y tế... Đây là khung pháp lý rất quan trọng để phát triển lực lượng thanh tra chuyên ngành ngành Y tế. 

Tôi tin tưởng rằng với sự phát triển, hoạt động có hiệu quả, lực lượng thanh tra y tế không chỉ là cánh tay nối dài của lãnh đạo ngành mà còn tăng thêm một kênh giám sát của nhân dân để ngành Y tế phát triển tốt hơn, ngày một hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, quản lý Nhà nước cũng như phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. 

+ Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyễn Nhuần - Thúy Nhài
(Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm