Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trên 32% bệnh viện có bộ phận giám sát chuyên trách nhiễm khuẩn

Thứ tư, 19/04/2017 - 09:23

(Thanh tra) - Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội thảo khoa học kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức ngày 18/4, tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: NN

Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, tại Việt Nam, nghiên cứu cắt ngang của Bộ Y tế năm 2005 với trên 9.345 bệnh nhân ở 10 bệnh viện chỉ rõ, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 5,8% và bệnh viêm phổi chiếm tỷ lệ cao nhất, lên tới 55,4%. 

Cũng trong thời gian này, một nghiên cứu cắt ngang khác của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh trên tất cả các bệnh viện công lập cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 6,4%, trong đó viêm phổi đứng hàng đầu chiếm hơn 54%, tiếp đến là nhiễm khuẩn tiết niệu trên 12%... 

Nghiên cứu của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và VINAREX năm 2013, khảo sát trên 3.671 người bệnh của 15 khoa hồi sức tích cực tại 15 bệnh viện từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 27,3%, tỷ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và bệnh viện dao động từ 60,5 - 99,5%. Các bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn và tác nhân hàng đầu nhiễm khuẩn bệnh viện tương tự các mầm bệnh.

Mặc dù có một số nghiên cứu trong lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện đã được triển khai tuy nhiên mới chỉ được tập trung vào đánh giá mức độ, tỷ lệ mắc, các nhiễm khuẩn bệnh viện, kiến thức, thái độ và thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn tại một số đơn vị. 

Còn ít những đánh giá về thực trạng hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn, tổ chức thực hiện giám sát nhiễm khuẩn bệnh viên trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện tại Việt Nam chưa được đánh giá đầy đủ và có tính hệ thống mà chủ yếu dựa vào một số điều tra cắt ngang có chọn mẫu đại diện. Các thông tin về nhiễm khuẩn bệnh viện trong các cơ sở y tế ít khi được công bố.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Thành, Phó cục Trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới. Nhiễm khuẩn bệnh viện đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn cầu đặc biệt là các nước đang phát triển và chậm phát triển do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị.

Hiện nay, hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn được thiết lập ở hầu hết các bệnh viện trong toàn quốc như: 92,23% có hội đồng khảo sát nhiễm khuẩn, 88,66% có mạng lưới khảo sát nhiễm khuẩn và 72,37% bệnh viện có khoa khảo sát nhiễm khuẩn; 72,06% bệnh viện đã xây dựng kế hoạch giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện hằng năm nhưng việc thực hiện giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện vẫn còn rất thấp. Tỷ lệ bệnh viện thực hiện giám sát các nhiễm khuẩn với các bệnh viện trọng điểm như giám sát viêm phổi thở máy; giám sát nhiễm khuẩn huyết; giám sát nhiễm khuẩn tiết niệu có tăng so với năm 2015; 50,97% bệnh viện thực hiện việc giám sát vi sinh trong môi trường tại những khu vực có nhiều nguy cơ lây nhiễm; 13,45% số bệnh viện thực hiện giám sát vi sinh vật kháng thuốc.

Dù hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn có ở hầu hết các bệnh viện nhưng chỉ có 35,29% bệnh viện có bộ phận giám sát chuyên trách. 37,39% bệnh viện thực hiện giám sát nhiễm khuẩn trong toàn bệnh viện. 23,84% bệnh viện thực hiện giám sát nhiễm khuẩn với bệnh mới mắc tại các khoa trọng điểm. Tỷ lệ bệnh viện giám sát nhiễm khuẩn với các bệnh trọng điểm (giám sát viêm phổi thở máy, giám sát nhiễm khuẩn huyết, giám sát nhiễm khuẩn tiết niệu) tăng so với năm 2015 nhưng vẫn là mức thấp. Chỉ có 25,42% bệnh viện thực hiện giám sát vết mổ; 16,46% thực hiện giám sát nhiễm khuẩn thở máy; 12,61% bệnh viện giám sát nhiễm khuẩn huyết và 14,29% thực hiện giám sát nhiễm khuẩn tiết niệu. 

Để hoạt động giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đạt hiệu quả, Bộ Y tế cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản, hướng dẫn chuyên môn về giám sát nhiễm khuẩn; phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước xây dựng, đưa vào hoạt động hệ thống giám sát nhiễm khuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo, giám sát các cơ sở y tế, y tế các ngành, các bệnh viện... tăng cường thực hiện giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định. 

Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo, hỗ trợ 6 bệnh viện (Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Bệnh nhiệt đới Trung ương, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và Nhi đồng 1) từng bước hoàn thiện mô hình bệnh viện mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn, trong đó hoàn thiện hoạt động giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, trước hết là giám sát nhiễm khuẩn huyết và tiết niệu....

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm