Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tình hình dịch bệnh năm 2016 được kiểm soát tốt

Thứ năm, 12/01/2017 - 13:33

(Thanh tra) - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đã khẳng định với PV Báo Thanh tra như vậy về kết quả công tác phòng, chống dịch (PCD) bệnh năm 2016.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: LN

Kết quả thống kê cho thấy, năm 2016, mặc dù tại Việt Nam chưa ghi nhận những ca bệnh mới nổi hoặc tái nổi như bệnh do vi rút Ebola, MERS-CoV, cúm A/H7N9, cúm A/H5N1, cúm A/H5N6, bại liệt, tả... Tuy nhiên, lại ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của dịch bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết (SXH), đồng thời ghi nhận sự gia tăng của một số bệnh tiêm chủng như bệnh bạch hầu và bệnh ho gà. Tính đến 21/12/2016, Việt Nam đã ghi nhận 152 trường hợp nhiễm vi rút Zika; 56/23.682 muỗi Aedes tại Nha Trang có vi rút Zika. 

Dịch bệnh SXH tại Việt Nam trong năm 2016 cũng diễn biến phức tạp, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên, tính đến tuần 52, cả nước đã ghi nhận 113.869 trường hợp mắc tại 56 tỉnh, thành phố trong đó có 36 trường hợp tử vong, số mắc tăng 5% so với cùng kỳ năm 2015 (108.804 mắc/54 tử vong) và số tử vong giảm 18 trường hợp. Dịch bạch hầu tại Bình Phước với 32 trường hợp mắc và 3 trường hợp tử vong.

Tại Hà Nội, tình hình dịch bệnh năm 2016 được kiểm soát tốt, không ghi nhận các bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm (nhóm A), hầu hết các bệnh truyền nhiễm có số mắc giảm như SXH, sởi, viêm não Nhật Bản, liên cầu lợn, uốn ván... 

Đứng trước thực trạng trên, ngay từ cuối năm 2015, Sở Y tế đã tham mưu với UBND TP ban hành kế hoạch về việc triển khai công tác PCD bệnh trên địa bàn Hà Nội năm 2016; tham mưu cho Ban chỉ đạo PCD TP tổ chức các hội nghị giao ban đánh giá, triển khai công tác PCD thường xuyên, đột xuất, kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh và triển khai các biện pháp PCD bệnh như: Do vi rút Zika, sốt xuất huyết, ho gà, dịch bệnh mùa Đông Xuân....

Trước diễn biến của dịch bệnh trên thế giới, và tại địa phương như bệnh do vi rút Zika, hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV), sổt xuất huyết, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND TP ban hành các văn bản chỉ đạo chủ động tăng cường triển khai các biện pháp PCD như: Tăng cường công tác phòng chống SXH và bệnh do vi rút Zika; chỉ đạo tiến hành điều tra, xử lý dịch triệt khu vực có bệnh nhân hoặc ổ dịch SXH, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản... nhằm không để lây lan, bùng phát dịch; chỉ đạo tổ chức các chiến dịch VSMT diệt bọ gậy, chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi trường thành; tổ chức diễn tập chủ động phòng, chống bệnh do vi rút Zika tại các quận, huyện Đống Đa, Hà Đông, Phúc Thọ, Thường Tín, Ứng Hòa, Gia Lâm; phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai phòng, chống các bệnh dịch lây từ động vật sang người; phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo công tác PCD trong các trường học; tổ chức các đoàn kiểm tra công tác PCD, công tác an toàn tiêm chủng tại các đơn vị…

Về vệ sinh môi trường PCD, ông Hạnh cho biết, năm 2016 tổ chức 1.029 chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy (VSMT - DBG) đạt 1,76 chiến dịch/xã phường. Trong đó các quận/huyện/thị xã chủ động triển khai là 907 chiến dịch, thành phổ hỗ trợ kinh phí 122 chiến dịch cho các xã phường trọng điểm và các xã, phường có ổ dịch phức tạp.

Kết quả đã kiểm tra được 2.366.886 hộ/tổng số 2.516.250 hộ đạt 94,1% số hộ được kiểm tra; tổng số lượt người đã tham gia chiến dịch là 104.430 lượt người gồm có cán bộ y tế cộng tác viên và cán bộ các ban, ngành, đoàn thể; đã kiểm tra 3.165.122 dụng cụ chứa nước, trong đó phát hiện 181.105 dụng cụ có bọ gậy và đã xử lý 179.562 dụng cụ; các chiến dịch đã sử đụng 138.346 con cá, 6.378 lọ Abate, 50 gói Mosquiron, 1.919 gói Sumilarv để diệt bọ gậy, phát 1.348.419 tờ rơi cho các hộ gia đình. Các quận, huyện trên địa bàn thành phổ đều hoàn thành chỉ tiêu làm CD VSMT- DBG.

Trung tâm Y tế dự phòng đã chủ động tổ chức 125 chiến dịch phun hóa chất diện rộng chủ động phòng bệnh do vi rút Zika và SXH. Kết quả, đã phun được 187.871/225.393 hộ trong diện cần phun, đạt 83,3%. 

Công tác an toàn thực phẩm PCD cũng được triển khai tốt, bảo đảm an toàn trong năm không xảy ra bệnh dịch liên quan tới mầm bệnh truyền qua thực phẩm.

Hoạt động tiêm chủng vắc xin được triển khai sâu rộng, tổng số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin và phụ nữ có thai tiêm vắc xin uốn ván tiếp tục được duy trì với tỷ lệ cao, đạt 98,23% và 99,3% phụ nữ có thai được tiêm chủng đầy đủ góp phần vào công tác PCD bệnh trên địa bàn. Toàn thành phố đã thực hiện tiêm chủng 313.617 mũi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản, tỷ lệ trẻ được tiêm mũi 3 đạt 95% bảo đảm phòng bệnh sớm cho trẻ…

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác PCD trong dịp Tết Nguyên đán, các lễ hội đầu Xuân; chủ động trong công tác dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn để ứng phó có hiệu quả trước mọi diễn biến bất thường của dịch bệnh, kể cả dịch bệnh mới nổi, dịch có nguy cơ xâm nhập. Nghiên cứu xây dựng văn phòng đáp ứng nhanh với tình hình dịch bệnh theo hướng văn phòng đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh (EOC) của Bộ Y tể.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác giám sát dịch (giám sát ca bệnh, giám sát véc tơ, giám sát ổ dịch cũ...). Xây dựng giám sát trọng điểm tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Nâng cao chất lượng công tác giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để. Thường xuyên cập nhật thông tin về dịch cúm trên gia cầm, trên người, các bệnh dịch mới nổi có nguy cơ xâm nhập tại các nước trong khu vực và trên thế giới, chủ động giám sát không để dịch xâm nhập vào thành phố.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra giám sát chất lượng nguồn nước sinh hoạt, nước ăn uống trên địa bàn; triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn tiêm chủng, nâng cao chất lượng và tỷ lệ tiêm chủng; triển khai áp dụng hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia. Tuyên truyền cho người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng; làm tốt công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc bệnh dịch, xây dựng và triển khai phương án phân tuyến điều trị bệnh nhân mắc bệnh dịch, hạn chế thấp nhất tử vong; bảo đảm đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế cho công tác PCD; nâng cao năng lực hệ thống phòng xét nghiệm để chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y học dự phòng và phòng, chống bệnh truyền nhiễm, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm quan trọng; tăng cường kiểm tra công tác PCD của các quận huyện thị xã và các đơn vị trong ngành Y tế.

Phương Hiếu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm