Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tiêm chủng rất quan trọng để phòng các bệnh truyền nhiễm

Thứ sáu, 19/04/2019 - 22:26

(Thanh tra)- Ngày 19/4, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức mít tinh hưởng ứng tuần lễ tiêm chủng thế giới..

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại buổi lễ

Sự kiện được Tổ chức Y tế thế giới phát động và tổ chức trên quy mô toàn cầu hằng năm, nhằm kêu gọi sự ủng hộ của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong xã hội, sự nỗ lực của ngành y tế, mỗi người dân…

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, tuần lễ tiêm chủng thế giới được tổ chức hàng năm là thời điểm quan trọng để nâng cao nhận thức về những lợi ích của tiêm chủng cho sức khỏe trong suốt cuộc đời của mỗi người.

Tiêm chủng mở rộng góp phần quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu của “Chương trình phát triển bền vững” của Tổ chức Y tế thế giới, bao gồm: Bao phủ sức khỏe toàn cầu, bảo vệ người dân trước các rủi ro về tài chính do chăm sóc sức khỏe, tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế thiết yếu một cách an toàn, hiệu quả, công bằng.

“Sự kiện quan trọng này sẽ giúp chuyển tải các thông điệp truyền thông về tiêm chủng đến được với cộng đồng và các bậc cha mẹ, góp phần quan trọng giúp cho trẻ em Việt Nam được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh.

Trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch

Tại lễ mít tinh, đại diện Bộ Y tế tiếp tục nhấn mạnh đến tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tiêm chủng, khẳng định tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất để tạo ra sức đề kháng, phòng các bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm.

Theo Bộ Y tế, trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, không trì hoãn và từ chối tiêm chủng. Từ chối tiêm chủng với quan điểm “thuận với tự nhiên” là thiếu trách nhiệm với con mình và đi ngược lại với quyền lợi chung của cả cộng đồng. Theo đó, cha mẹ cho rằng không tiêm chủng trẻ vẫn không mắc bệnh hoặc vắc xin gây hại đến sức khỏe của trẻ. Đây là quan niệm phiến diện, sai lầm.

Thống kê cho thấy, sau hơn 30 năm triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, với việc đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao trên 95%, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và bảo vệ thành công kết quả này từ đó đến nay. Nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván đã giảm nhiều.

Theo các chuyên gia, vắc xin là một trong những sản phẩm có độ an toàn cao nhất được trải qua quá trình nghiên cứu hàng chục năm, quá trình thử nghiệm lâm sàng và kiểm định chất lượng và tính an toàn nghiêm ngặt trước khi được cấp phép lưu hành. Trước khi đưa vào sử dụng, tất cả các lô vắc xin được kiểm định và chỉ những lô đạt tiêu chuẩn mới được đưa vào sử dụng.

Vắc xin có hiệu quả phòng bệnh trực tiếp cho từng cá nhân, nhưng chỉ khi được triển khai trên diện rộng, vắc xin mới có tác dụng gián tiếp tạo ra hàng rào bảo vệ cho cả cộng đồng và phát huy hết hiệu quả.

Trong cộng đồng đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trên 90-95%, cho dù mầm bệnh xâm nhập nhưng do có ít đối tượng cảm nhiễm nên bệnh không thể lan rộng. Khi đó có thể thấy một số nhỏ các trường hợp chưa tiêm chủng chưa bị mắc bệnh nhờ được những người đã có miễn dịch xung quanh che chắn, bảo vệ. Tuy nhiên, nếu không có nền tảng miễn dịch vững chắc thì điều này sẽ không xảy ra.

Tại lễ mít tinh, Bộ Y tế kêu gọi các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên. Chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm, đảm bảo kinh phí để triển khai công tác tiêm chủng, phòng, chống dịch ở địa phương, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95% ở quy mô xã phường.

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Phương Anh

19:32 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm