Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H7N9 dịp cuối năm

Thứ sáu, 13/12/2013 - 07:22

(Thanh tra) - Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H7N9 ở Việt Nam khi tình trạng buôn bán, nhập lậu gia cầm cuối năm ngày càng gia tăng.

Cuối năm gia tăng tình trạng buôn bán, nhập lậu gia cầm do nhu cầu sử dụng nhiều. Ảnh minh họa: Internet

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc cúm A/H7N9, cũng như chưa phát hiện thấy virus này trên đàn gia cầm. Tuy nhiên, nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam là rất cao. Bởi lẽ, Việt Nam nằm sát Trung Quốc, sự giao lưu của người dân hai nước qua đường biên giới rất nhiều. Đặc biệt, rất khó kiểm soát việc vận chuyển, nhập lậu gia cầm. Mùa Đông - Xuân lại là thời điểm virus cúm phát triển mạnh. Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán cũng là dịp gia tăng nhu cầu sử dụng gia cầm, gia tăng vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu.


Trong khi đó, theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chăn nuôi tại Việt Nam chủ yếu là nhỏ lẻ, khó áp dụng mô hình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Người dân còn chủ quan, lơ là trước bệnh dịch trên đàn gia cầm cũng như trên người. Việc tiêm phòng vắcxin trên đàn gia cầm cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, rất khó kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu, nhất là gà thải loại. Mỗi năm, Trung Quốc có hàng trăm nghìn trại gia cầm thải loại, trong đó, có hàng triệu con gia cầm thải loại được xuất sang Việt Nam. Giá gà thải loại ở Trung Quốc chỉ là 15.000 đồng/kg, nhưng ở Móng Cái (Việt Nam) đã là 35.000 đồng/kg và về đến Hà Nội đã lên tới 65.000 đồng/kg. Sự chênh lệch giá rất cao này khiến cho việc kiểm soát gà thải loại tuồn vào Việt Nam hết sức khó khăn.

Thực tế, từ tháng 6/2012 đến 3/2013 đã phát hiện nhiều mẫu có virus cúm A với tỉ lệ 0,5% dương tính với H5N1 trên tổng số 9.180 con gà loại thải. Mới đây, ngành Nông nghiệp đã lấy 900 mẫu tại 60 chợ thuộc 9 tỉnh có nguy cơ cao do nguồn gia cầm từ Trung Quốc sang, thì đã phát hiện 595 mẫu dương tính virus H5N1. Tỉ lệ mẫu dương tính với cúm A cao nhất ở các tỉnh phía Nam, sau đó là phía Bắc, Tây Nguyên ít nhất.

Các chuyên gia trong ngành nhận định, cúm A/H7N9 lần đầu tiên gây bệnh cho người, độc lực lại thấp ở gia cầm, nên rất khó phát hiện, nhưng khi xuất hiện ở người là dễ gây tử vong. Phần lớn các ca nhiễm là nam giới và đa số các ca tử vong cũng lại là nam giới cao tuổi. Nhiều ca bệnh đồng thời có bệnh mạn tính. Cho đến nay, vẫn chưa xác định được nguồn bệnh, đường lây truyền, cũng chưa biết có lây từ người sang người hay không. Trong khi đó, đặc tính của virus cúm A dễ biến đổi, nên nguy cơ lây nhiễm cúm A/H7N9 từ người sang người là rất có thể xảy ra.

Mới đây, phía Trung Quốc tuyên bố đã điều chế thành công vaccine ngừa cúm gia cầm H7N9. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế thì mức độ thành công và hiệu quả của vaccine mà Trung Quốc sản xuất vẫn chưa được đảm bảo, nên việc tiêm phòng vẫn chỉ mang tính thử nghiệm là chính. Phương pháp phòng bệnh cúm A/H7N9 chủ yếu vẫn là tránh đến những nơi có nguy cơ cao mà không được bảo vệ đúng cách, giữ gìn an toàn thực phẩm và vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) khuyến cáo, Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong công tác giám sát, phát hiện virus cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm, cũng như trên người. Khi xây dựng kế hoạch phòng, chống cúm A/H7N9, cần chú trọng việc giám sát chủ động tại các chợ gia cầm sống, bởi đó là nơi thường phát sinh, gia tăng bệnh dịch.

Để chủ động phòng dịch cúm A/H7N9, ông Trần Đắc Phu cho biết,  Bộ Y tế sẽ tập trung giám sát tại các cửa khẩu quốc tế, các vùng biên giới giáp vùng dịch, các bệnh viện lớn, vùng có nguy cơ. Củng cố phòng xét nghiệm, chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, khu vực cách ly, thuốc, hóa chất, sinh phẩm... triển khai điều trị bệnh nhân và chống dịch. Xây dựng các thông điệp truyền thông; đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành giám sát công tác chuẩn bị phòng chống dịch tại địa phương. Tăng cường các hoạt động giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, báo cáo tất cả các ca bệnh giám sát, các bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng nhập viện.

Ngoài ra, sẽ chú  trọng công tác phối hợp liên ngành, nhất là phối hợp với ngành Nông nghiệp, công thương để giám sát, kiểm tra nhập khẩu, quản lý mua bán gia cầm, sản phẩm từ gia cầm; theo dõi dịch cúm A/H7N9 trên gia cầm, xử lý ổ dịch triệt để.

Bên cạnh đó, cũng tăng cường phối hợp quốc tế, nhằm kịp thời cập nhật thông tin về tình hình dịch, cũng như các biện pháp phòng, chống dịch.

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm