Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người thầy thuốc mang quân hàm xanh

Thứ ba, 03/03/2015 - 06:31

(Thanh tra)- Tiếng tăm bộ đội Đồn Biên phòng có súng "bắn" chết con ma, chữa khỏi bệnh cho đồng bào Xin Mun, đồng bào Mông ở Chiềng On tỏa lan khắp vùng.

Thượng úy, y sỹ Đỗ Ngọc Hưng khám, cấp thuốc cho đồng bào. Ảnh: Hồng Bài

Tết năm nay, nhà ông Vì Văn Chính ăn sớm nhất, to nhất bản Co Tôm, xã Chiềng On. Ông cho các con mổ lợn từ sáng ngày 26 (Âm lịch), làm hơn chục mâm cỗ mời cả bản, họ hàng gần xa. Riêng Đồn Biên phòng Chiềng On, ông Chính đích thân ra tận nơi mời, đón. Ông Chính nói với bà con trong bản: "Mình đã được bộ đội Biên phòng Chiềng On sinh ra lần thứ hai. Không có bộ đội Hưng, bộ đội Thắng thì mình thành con ma ngoài rừng rồi, không được ăn Tết với người Xin Mun bản Co Tôm này nữa".

Thượng tá Vũ Chí Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Chiềng On (Yên Châu, Sơn La) cho biết: Cuối tháng 10/2014, trong khi đi lấy gỗ trên núi, ông Vì Văn Chính bị cây đâm vào bụng. Nhận được tin báo, đơn vị đã cấp tốc điều tổ cứu thương cùng gia đình lên núi sơ cứu đưa bệnh nhân về, đồng thời giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Đức Thắng, y sỹ ở lại phối hợp với cán bộ Trạm Y tế xã chuẩn bị thuốc, dụng cụ sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân.

Khi về đến trạm y tế, ông Chính đã trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh, máu chảy nhiều. Nếu chuyển lên tuyến trên sẽ không an toàn. Vì, từ Chiềng On ra đến Bệnh viện Đa khoa huyện phải mất 30 km đường núi. Lúc đó, Ban Chỉ huy Đồn hội ý, và quyết định triển khai "phương án cấp cứu tại chỗ". Cả hai đồng chí Hưng và Thắng thức trắng đêm bên bệnh nhân.

Chiều hôm sau, ông Chính hồi tỉnh. Cả bản Co Tôm òa lên trong niềm vui. Từ đó, ông Vì Văn Chính và gia đình ông đều nói rằng: Bộ đội Biên phòng Chiềng On đã sinh ra ông Chính lần thứ hai.

Trên đây chỉ là một trong hàng trăm trường hợp tai nạn, ốm đau mà Đồn Biên phòng Chiềng On đã gặp, xử lý thành công ở xã Chiềng On và xã Phiêng Khoài trong những năm qua.

Thượng úy, y sỹ Đỗ Ngọc Hưng đã 22 năm; Trung úy Phạm Đức Thắng, 14 năm công tác tại Đồn Biên phòng và gắn bó với đồng bào Mông, Xin Mun xã Chiềng On như người con của bản. Các anh đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, nhất là những năm đầu về Chiềng On. Bất đồng ngôn ngữ, chưa biết phong tục tập quán của đồng bào Mông, Xin Mun. Đặc biệt là phải đối đầu với tập tục cúng lễ "đuổi con ma" của thầy mo, thầy cúng. Nhiều khi biết rõ đồng bào bị bệnh gì, cần phải uống hoặc tiêm thuốc gì mới khỏi, nhưng không thể tiếp cận được với bệnh nhân.

Ban Chỉ huy Đồn đã phối hợp với Trạm Y tế xã, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, nhất là các già bản, trưởng dòng họ, làm cầu nối, tạo cơ hội để các đồng chí quân y tiếp cận với từng hộ dân. Lúc này, người thầy thuốc phải làm tốt công tác dân vận, phải "4 cùng" với dân. Không ít trường hợp, vì sự sống của người bệnh, cán bộ quân y phải "tranh, cướp" lấy bệnh nhân từ tay thầy cúng.

Thượng úy Hưng kể lại: Một lần đến thăm bệnh cho một cháu bị sốt ở bản Ta Liễu, đồng bào không tin, không cho cặp nhiệt độ, không cho tiêm, không cho uống thuốc. Họ nói, bộ đội chỉ đánh được giặc chứ không đánh chết được con ma. Thượng úy Hưng nói: Bộ đội có súng bắn chết con ma trong người. Con ma đang đốt lửa trong bụng nên người mới nóng. Bộ đội bắn một phát là tắt cái lò lửa trong bụng. Lửa tắt là người sẽ khỏe ngay. Nói như năn nỉ mãi, nhà chủ mới đồng ý cho bộ đội biên phòng "bắn" thử con ma. Sau hai lần vừa "bắn" (tiêm), vừa cho uống thuốc, cháu bé hết sốt. Câu chuyện bộ đội biên phòng có súng "bắn" chết con ma đốt lửa trong bụng lan truyền khắp các bản trong xã.

Lại đến chuyện "con ma" chui vào bụng, móc thức ăn ném ra ngoài (bị nôn do ngộ độc thức ăn). Con ma chui vào đầu, làm cho cái đầu đau nhức nhối, hoa mắt không ngồi được... Thượng úy Hưng lại đến năn nỉ nhà chủ cho bộ đội dùng "súng" để "bắn con ma" độc ác, cướp miếng ăn, chui vào đầu con người. Cứ như vậy, tiếng tăm bộ đội Đồn Biên phòng có súng "bắn" chết con ma, chữa khỏi bệnh cho đồng bào Xin Mun, đồng bào Mông ở Chiềng On tỏa lan khắp vùng.

Khi đã được đồng bào tin, yêu, quý mến, Thượng úy Hưng, Trung úy Thắng mới nói sự thật về cái "súng" (xi lanh) “bắn chết” con ma để đồng bào hiểu. Từ đấy, khi trong nhà có người đau ốm, đồng bào lại tìm đến Đồn Biên phòng mời thầy thuốc Hưng và Thắng thăm khám, chữa trị.

Ông Vì Văn Nèn, Chủ tịch UBND xã Chiềng On cho biết: Xã có 13,6km đường biên giới với nước bạn Lào. Địa hình phức tạp, đời sống nhân dân còn khó khăn. Đồn biên phòng đã tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền xã trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Không chỉ khám, chữa bệnh mà đơn vị còn tổ chức hướng dẫn đồng bào biết phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình, bản, xã xanh, sạch, đẹp.

Ông Vì Văn Ỏn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Chiềng On, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, cho biết: Cán bộ quân y Đồn Biên phòng Chiềng On thực sự coi người dân ở đây như người nhà của mình. Vì thế, cán bộ tận tình lắm, biết đồng bào bị bệnh, đêm cũng đi, mưa bão cũng đi đến tận nhà thăm khám, cấp thuốc. Người nghèo, già yếu được cán bộ cho thuốc, cho đường, sữa để bồi dưỡng sức khỏe. Bộ đội đã nhường thuốc chữa bệnh cho đồng bào. Thầy thuốc bộ đội là nam giới mà đỡ đẻ còn mát tay hơn cả phủ nữ. Đúng như lời Bác Hồ dạy "lương y như từ mẫu".

Thượng tá, Đồn trưởng Vũ Chí Dũng cho biết: Năm 2014, đơn vị đã tổ chức khám, cấp thuốc cho trên 200 trường hợp. Hai đồng chí quân y thay nhau xuống các bản vừa làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vừa tuyên truyền Luật Biên giới quốc gia, Hiệp định Biên giới, Quy chế biên giới, Luật Phòng, chống ma túy và các chủ trương về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương đến đồng bào. Có thể nói, ở Đồn Biên phòng Chiềng On, chiến sỹ quân y không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn giỏi về công tác dân vận. Với đồng bào, nói phải đi đôi với làm. Nói một phải làm gấp hai, ba thậm chí gấp nhiều lần, đồng bào mới tin. Chuyện về những thầy thuốc quân hàm xanh thì kể không thể hết được.

Hồng Bài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công tác dân số đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Công tác dân số đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

(Thanh tra) - Công tác dân số hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề dân số thực tiễn phát sinh đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Phương Anh

21:31 10/12/2024

Tin mới nhất