Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hoạt động hành nghề y, dược tư nhân còn phức tạp

Thứ ba, 12/05/2020 - 06:33

(Thanh tra)- Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 29/1/2018 của UBND tỉnh Nghệ An về tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn, hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân vẫn có những dấu hiệu buông lỏng, nhiều cơ sở chưa chấp hành nghiêm túc những vi phạm mà các tổ, đoàn kiểm tra, thanh tra chỉ ra...

Đoàn liên ngành kiểm tra tại 1 cơ sở thẩm mỹ viện ở TP Vinh. Ảnh: Từ Thành

Còn nhiều cơ sở vi phạm

Trong thời gian qua, hoạt động hành nghề y, dược tư nhân tại Nghệ An phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đứng thứ 3 cả nước sau TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; đã góp phần tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng của người dân và giảm quá tải cho các bệnh viện công lập.

Để tăng cường công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn, ngày 29/1/2018, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND nhằm góp phần chuyển biến trong công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong thời gian từ 2018 đến những tháng đầu năm 2020, hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn có những dấu hiệu buông lỏng, nhiều cơ sở chưa chấp hành nghiêm những vi phạm mà các tổ, đoàn kiểm tra, thanh tra chỉ ra, tiếp tục coi nhẹ đến sức khỏe của người dân nên tái hoạt động trong quá trình khám, chữa bệnh.

Theo dược sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Lĩnh - Trưởng phòng Nghiệp vụ y dược, Sở Y tế Nghệ An: Qua rà soát, báo cáo của các địa phương, đầu năm 2018 toàn tỉnh có 685 cơ sở hành nghề y, dược không có giấy phép; đến nay giảm còn 165 cơ sở hành nghề không phép đang hoạt động. Thời gian qua, Sở Y tế đã tiến hành tập huấn và tuyên truyền Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược và các văn bản quy định về hành nghề y, dược cho các tổ chức, cá nhân hành nghề trên địa bàn; tập huấn nghiệp vụ thanh tra y tế về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế...

Qua báo cáo, số cơ sở không phép đang hoạt động tập trung ở các huyện Đô Lương với 104 cơ sở, Nghi Lộc 83 cơ sở, Thanh Chương 80 cơ sở, thị xã Hoàng Mai 61 cơ sở, Nam Đàn 58 cơ sở, TP Vinh 53 cơ sở, Hưng Nguyên  47 cơ sở, Quỳnh Lưu 42 cơ sở… Các vi phạm phổ biến là: Hành nghề vượt quá phạm vi cho phép; quảng cáo quá phạm vi chuyên môn; biển hiệu ghi chưa đúng quy định; niêm yết giá thuốc và giá dịch vụ y tế không đầy đủ; người hành nghề không đúng chức danh, người phụ trách chuyên môn còn vắng mặt khi cơ sở hoạt động…

Thực hiện Chỉ thị 03, trong hai năm, thanh tra ngành Y tế Nghệ An đã thành lập 30 đoàn thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh và kiểm tra triển khai thực hiện chỉ thị tại UBND cấp huyện.

Theo Chánh Thanh tra Sở Y tế Trần Nguyên Truyền, lực lượng thanh tra chuyên ngành, liên ngành đã thanh tra 257 lượt cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính 67 cơ sở, số tiền trên 870 triệu đồng; đình chỉ hành nghề 5 cơ sở không có giấy phép và thu hồi giấy phép của 2 phòng khám đa khoa tại TP Vinh (do không đầy đủ nhân lực tham gia hành nghề, so với nhân lực khi thẩm định cấp phép ban đầu và phòng khám có bác sỹ Trung Quốc tham gia hành nghề). Kiểm tra, giám sát ngẫu nhiên 18 đợt tại 21 huyện, thành, thị đã phát hiện thêm 55 lượt số cơ sở hành nghề không phép, nhưng không có tên cơ sở trong danh sách thống kê báo cáo của UBND cấp huyện.

Ngoài ra, các lực lượng thuộc Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 39 vụ có hành vi vận chuyển, buôn bán hàng hóa là mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ; thu 15.725 sản phẩm mỹ phẩm, 54 hộp thuốc chữa bệnh không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ với tổng giá trị trên 500 triệu đồng.

Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành thanh kiểm tra 457 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 263 cơ sở với tổng số tiền trên 530 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm thủ tục pháp lý trong hành nghề y, dược; hoạt động không đúng địa điểm trong giấy phép hoạt động; kinh doanh dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ; không niêm yết giá; vi phạm về bằng cấp chuyên môn của người tham gia bán thuốc.

Tăng cường kiểm tra, đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Thực tế sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 03, tình trạng hành nghề y, dược không phép có giảm hơn so với những năm trước, nhưng vẫn diễn biến phức tạp bởi số liệu báo cáo của các huyện và số cơ sở hành nghề thực tế tại một số huyện không khớp nhau. Các cơ sở không có giấy phép còn lại hoạt động quy mô nhỏ lẻ tại hộ gia đình không treo biển hiệu, nên khó khăn trong việc kiểm tra phát hiện và xử lý. Những tồn tại này đã dẫn đến chất lượng dịch vụ y tế không đảm bảo, tạo dư luận không tốt trong xã hội, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là do một số nội dung trong công tác quản lý hoạt động hành nghề y tế ngoài công lập của các sở, ngành, địa phương chưa thực sự hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính chưa quyết liệt, chưa có biện pháp xử lý triệt để và ngăn ngừa các sai phạm của các cơ sở hành nghề. Việc thực hiện giám sát, hậu kiểm chưa nghiêm và không thường xuyên, dẫn đến một số cơ sở bị đình chỉ, sau đó tái hoạt động (nhất là các cơ sở hành nghề chuyên khoa về y học cổ truyền; răng hàm mặt), nhưng chính quyền các cấp chưa thể hiện vai trò, trách nhiệm và có giải pháp để giải quyết triệt để về hành nghề không phép trên địa bàn. Công tác xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa quyết liệt, có huyện số tiền xử phạt vi phạm ít, còn có huyện kiểm tra hành nghề không phép, nhưng không xử phạt tiền nên vẫn còn cơ sở hành nghề không phép hoạt động.

Một số huyện còn coi hành nghề y, dược (đặc biệt là hành nghề không có phép) trên địa bàn huyện là trách nhiệm của ngành Y tế quản lý; sự phối hợp giữa các ngành trên địa bàn cấp huyện chưa thường xuyên, liên tục, nên kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu đề ra.

Bên cạnh đó, một số huyện bố trí nhân lực liên ngành trong công tác kiểm tra hành nghề y, dược tư nhân chưa hợp lý, chủ yếu là giao phó trách nhiệm cho Phòng Y tế là chính, các ngành khác tham gia không đầy đủ và chưa nêu cao trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục tạo mọi điều kiện tối đa trong việc cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hành nghề y, dược; tăng cường chỉ đạo và gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong ngành, nếu để nhân viên là y, bác sỹ tham gia hoạt động hành nghề không phép, thì thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước giám đốc sở. Chú trọng và đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về hành nghề y, dược tư nhân; chỉ đạo và phối hợp với UBND cấp huyện kiểm tra đột xuất xử lý đối với cơ sở hành nghề không phép tại các huyện.

Theo PGS. TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An: Ngành Y tế tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và UBND cấp huyện triển khai thực hiện nghiêm theo tinh thần Chỉ thị 03. Đồng thời, quá trình thực hiện giai đoạn tiếp theo sẽ đề ra các giải pháp và gắn trách nhiệm người đứng đầu UBND cấp huyện trước UBND tỉnh về xử lý dứt điểm hết các cơ sở hành nghề không phép trên địa bàn các huyện quản lý; đưa công tác quản lý hành nghề y, dược là một trong các nhiệm vụ chính của ngành, địa phương.

CTV Xuân Thống

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm