Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hiệu quả hơn khi tuyên truyền y tế bằng văn học nghệ thuật

Thứ bảy, 25/03/2017 - 06:31

(Thanh tra)- Với 85% dân số là nông dân và ngư dân, công việc tuyên truyền, hướng dẫn các hoạt động về chăm sóc y tế đối với người dân tốt nhất phải là biện pháp trực quan cụ thể, “cầm tay chỉ việc”, nói đi đôi với làm, “trăm nghe không bằng một thấy”... Trong đó, tuyên truyền y tế bằng văn học nghệ thuật (VHNT) là một lối đi nhanh chóng, dễ hiểu, dễ nhớ và tạo dấu ấn sâu sắc cho người tiếp nhận.

Hình ảnh tranh cổ động về tuyên truyền y tế

Đại tá, nhà văn Mai Nam Thắng dẫn chứng: Trong kho tàng văn học dân gian của cha ông có vô vàn ca dao, tục ngữ, dân ca... nói về kinh nghiệm phòng bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe như: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm; Đói thì rau, đau thì thuốc; Đói thì rau mưng rau má/ Đừng ăn bậy bạ rước họa vào thân; Ăn được ngủ được là tiên/ Không ăn, không ngủ là tiền vứt đi; Cơm là vị thuốc nuôi thân/ Ăn đúng giờ giấc cân bằng dẻo dai...”.

Riêng về kinh nghiệm sống lành mạnh, nhân văn để kéo dài tuổi thanh xuân, cha ông ta cũng có biết bao lời dạy ý chí cho hậu thế. Ai cũng biết muốn sống lâu, sống vui, sống khỏe thì phải biết tri túc, nghĩa là biết đủ ấy là đủ thì sống an nhiên, thư thái.

Chẳng hạn như: Phải biết quẳng gánh lo đi mà vui sống, vì lo nghĩ, buồn phiền làm cho tinh thần rũ rượi, sức khỏe sa sút. Hay phải có Từ, Bi, Hỉ, Xả giúp đỡ và tha thứ cho người thì tâm ta mới không vướng bận oán hờn... Những nguyên tắc sống ấy nghe thì triết lý cao siêu, thậm chí khó hiểu. Nhưng khi ông cha ta đặt bằng ca dao, tục ngữ thì ai cũng thấm, ai cũng tin: “Ông cả ngồi trên sập vàng/Cả ăn, cả mặc lại càng cả lo/Ông bếp ngồi trong xó tro/Ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm”; Hoặc: “Đấng trượng phu đừng thù mới đáng/Đấng anh hùng đừng oán mới hay”; “Tốt tóc thì mần trầu/Sạch ghét, sạch gầu bồ kết với chanh”...

Thêm nữa, cổ nhân từng dạy: “Bệnh vào đằng miệng”, ý rằng tất cả bệnh tật đều do sự ăn uống kém vệ sinh, phản khoa học gây nên. Vậy nên, có một bài vè hiện đại dạy người ta về sự ăn uống: “Ăn ít nhiều bữa bạn ơi/Là tăng tuổi thọ là lời khuyên răn/Ăn trộn nhiều loại thức ăn/Nhu cầu cơ thể rất cần bổ sung/Ăn chậm nhai kỹ nhiều lần/Tăng sức giảm béo rất cần cho ta...”

Theo nhà văn Mai Nam Thắng, ngành Y tế - Thông tin và Truyền thông nên chủ động phối hợp với ngành Văn hóa, nhất là Hội VHNT các cấp tổ chức cuộc vận động sáng tác VHNT về y tế cộng đồng, chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đặc biệt quan tâm đến truyền thông kiến thức về y tế dự phòng cũng như chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc y tế toàn dân. Tháng 9/2016 vừa qua, đã diễn ra cuộc thi thiết kế mẫu logo của ngành Y tế Đồng Tháp rất thành công sau 5 tháng phát động. Tương tự như vậy, nhiều tỉnh, thành phố khác có thể thi sáng tác ca khúc, dân ca, tiểu phẩm... về tuyên truyền y tế.

“Mới đây ở Bắc Ninh, một cuộc hội thảo khoa học về tầm soát ung thư vú với cái tên rất sáng tạo, đột phá: “Lắng nghe vòng một nói”. Trung tuần tháng 11/2016, Công đoàn ngành Y tế tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội thi truyền thông sức khỏe, tôi thấy phần sân khấu hóa rất sinh động với 138 tiết mục các thể loại: hát, múa, đơn ca, tiểu phẩm, hoạt cảnh... đều tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tuyên truyền tác hại thuốc lá; những kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch bệnh, các mục tiêu quốc gia; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm... Đây là một sáng tạo rất hay cần được nhân rộng và đúc kết thành một mô hình mới của công tác truyền thông y tế”, Đại tá, nhà văn Mai Nam Thắng đề xuất.

Hữu Oanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm