Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dịch bệnh sởi đang có diễn biến bất thường

Thứ bảy, 08/02/2014 - 12:27

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, trong hai tháng gần đây, bệnh sởi đã xuất hiện trở lại tại Hà Nội sau 3 năm không có dịch.

Chăm sóc bệnh nhân nam 15 tuổi mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang tiến tới mục tiêu thanh toán bệnh sởi, tuy nhiên qua theo dõi các trường hợp mắc bệnh gần đây cho thấy, dịch bệnh này đang có diễn biến bất thường.

Từ trước đến nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng dịch bệnh sởi đa phần chỉ xảy ra ở trẻ em nhỏ, tuy nhiên nhiều trường hợp mắc bệnh này trong thời gian gần đây ở một số bệnh viện cho thấy, chủ yếu là thanh niên và người lớn bị mắc bệnh.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, số bệnh nhân tập trung đông nhất là tại Bệnh viện Xanh Pôn với 55 trường hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương 20 trường hợp, Bệnh viện Đống Đa 5 trường hợp, Bệnh viện Bạch Mai 2 trường hợp...

Tại Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, chị H.T.T (26 tuổi) đến từ Đống Đa, Hà Nội nhập viện đã ba ngày nay nhưng người vẫn còn ngây ngấy, mệt mỏi vì mắc bệnh sởi.

Chị T. cho biết, lúc đầu chị không nghĩ mình bị bệnh sởi vì chỉ cho rằng trẻ nhỏ mới mắc bệnh này.

Người nhà của bệnh nhân cho hay, cách đây hơn một tuần, chị thấy người sốt cao, sốt từng cơn, thậm chí có những lúc rét run, ho, không đau họng. Bốn ngày sau đó chị thấy đỏ mắt, chảy nước mắt, xuất hiện nhiều ban đỏ ở mặt và sau lan ra toàn thân. Sau đó chị đến bệnh viện khám, qua chẩn đoán và xét nghiệm chị được biết mình mắc bệnh sởi.

Tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, những ngày sau Tết, số trường hợp các bệnh nhân mắc bệnh sởi nhập viện điều trị cũng gia tăng bất thường.

Phó giáo sư Bùi Vũ Huy - Trưởng khoa Nhi cho hay, từ ngày mùng 3 Tết đến nay, khoa đã tiếp nhận và xác định 4 ca bệnh nhân mắc bệnh sởi qua xét nghiệm. Điều đặc biệt là trong các trường hợp mắc bệnh trên, chỉ có một cháu 2 tuổi còn các trường hợp khác đều nằm trong lứa tuổi từ 14-16 tuổi. Điều đặc biệt là 4 ca bệnh trên đều sống trong nội thành Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, từ tháng 12/2013 đến ngày 6/2, Hà Nội đã ghi nhận 40 trường hợp mắc bệnh sởi (tháng 12/2013 ghi nhận 10 trường hợp, từ  1/1 đến 6/2/2014 ghi nhận 30 trường hợp). Bệnh nhân phân bố rải rác tại 36 phường của 9 quận như Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Ba Đình, Long Biên, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông.

Mỗi ngày có 1-2 trường hợp mắc bệnh, ngày nhiều nhất có 6 trường hợp. Lứa tuổi chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi (78%), trường hợp nhỏ nhất là trẻ mới được 6 tháng tuổi, lớn nhất là 31 tuổi.

Có 40% các trường hợp mắc bệnh trước đó chưa được tiêm vắcxin phòng sởi, 12% trường hợp mắc bệnh trước đó đã được tiêm 1 mũi vắcxin sởi trước 1 tuổi; các trường hợp còn lại chủ yếu là người lớn không rõ tiền sử tiêm chủng.

Đánh giá về bệnh sởi, phó giáo sư Bùi Vũ Huy khẳng định, sau nhiều năm bệnh sởi không xuất hiện nhiều thì đây cũng là một điều bất thường. Những năm qua, chương trình tiêm chủng mở rộng đã được thực hiện rất tốt, không có đợt dịch nào xảy ra. Tuy nhiên, thời gian gần đây có nhiều trường hợp mắc bệnh, nhất là trẻ lớn tuổi cũng là một điều bất thường.

Bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân nữ 26 tuổi mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh:Thùy Giang/Vietnam+

Trong bốn trường hợp mắc bệnh, có 2 trẻ biến chứng viêm phổi, tuy nhiên qua việc điều trị tích cực, hiện nay sức khỏe của các bệnh nhân đã tốt.

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện tại Hà Nội và Sơn La đã có 2 ca tử vong do sởi. Ngoài ra, nhiều ổ dịch sởi đã xuất hiện tại các địa phương: Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, phần lớn người mắc là trẻ dưới 15 tuổi.

Phó giáo sư Bùi Vũ Huy cho hay, mùa Xuân là thời điểm dịch sởi xảy ra và lan rộng nhiều nhất. Người bệnh khi mắc bệnh thường có các triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, sau đó sốt cao 39-40 độ mệt mỏi kèm viêm kết mạc, chảy nước mũi, ho. Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh.

Bệnh sởi nguy hiểm là do virus gây bệnh làm suy giảm miễn dịch của bệnh nhân, khiến có nguy cơ xảy ra các biến chứng nặng như: viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, lao. 

Vì vậy, Phó giáo sư Huy khuyến cáo người dân khi thấy dấu hiệu sốt cao kèm theo phát ban (đỏ toàn thân), có triệu chứng ho, hắt hơi, chảy mũi, mắt lèm kèm, hoặc mắt đỏ… thì cần phải đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị.
Theo Vietnam+

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công tác dân số đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Công tác dân số đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

(Thanh tra) - Công tác dân số hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề dân số thực tiễn phát sinh đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Phương Anh

21:31 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm