Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cơ chế, chính sách cho y tế tư nhân chưa đủ mạnh

Thứ ba, 05/12/2017 - 06:34

(Thanh tra)- Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 90/CP về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa của Chính phủ (ban hành ngày 21/8/1997), nhiều doanh nhân và doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng bỏ vốn hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng bệnh viện, phòng khám.

Nếu như các cơ sở y tế công lập được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất thì các cơ sở y tế tư nhân phải tự lực đầu tư từ cơ sở vật chất, trả lương cho người lao động đến việc xây dựng thương hiệu. Ảnh: PA

Đến nay, các cơ sở y tế tư nhân đã không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thống kê cho thấy, hiện nay, có gần 500 cơ sở y tế ngoài công lập và đang hoạt động rất tốt. Thế nhưng, trong quá trình phát triển vẫn tồn tại một số bất cập trong việc triển khai và thực hiện các chính sách pháp luật về y tế khiến hệ thống y tế ngoài công lập gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong thời kỳ kinh tế hội nhập.

Ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban Thực hiện Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, trong thời gian vừa qua, hệ thống y tế tư nhân phát triển khá mạnh. Nếu như các cơ sở y tế công lập được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất và họ đã có thương hiệu tồn tại từ rất lâu như bệnh viện (BV) Bạch Mai, Việt Đức… thì các cơ sở y tế tư nhân phải tự lực đầu tư từ cơ sở vật chất, trả lương cho người lao động đến việc xây dựng thương hiệu. Theo ông Bằng, việc phát triển cơ sở y tế tư nhân là khó khăn hơn rất nhiều không chỉ về vốn mà còn nhiều vấn đề khác. Qua quá trình đi kiểm tra cũng cho thấy, đa số những cơ sở ngoài công lập còn những thiếu sót là do chưa nắm chắc về chính sách, Luật Khám chữa bệnh. Ông Vũ Xuân Bằng cũng thừa nhận, cần phải nhìn thực tế là có những BV tư nhân làm rất tốt nhưng vẫn có một số BV làm chưa đúng quy định đã ảnh hưởng chung đến BV tư nhân.

Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay chưa có sự công bằng giữa cơ sở y tế tư nhân và y tế Nhà nước, như việc đào tạo và chính sách của ngành Y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh, sự hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ, thực tế nhiều tổ chức phi Chính phủ muốn hỗ trợ cơ sở vật chất cho các BV tư nhân, nhưng cơ chế để BV tư nhân được nhận hỗ trợ thì hầu như không có, mà chỉ có đầu tư cho các cơ sở của Nhà nước. 

Bên cạnh đó, mặc dù có chủ trương phối hợp mô hình hợp tác công tư theo Nghị quyết 93/2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế. Tuy nhiên, chủ trương này gây ra nhiều bất cập. Đó là sự mất công bằng trong đầu tư, không rõ ràng giữa công và tư.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồi, Trưởng ban Pháp chế (Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam), hiện nay, bên cạnh y tế Nhà nước thì y tế tư nhân đóng góp một phần không hề nhỏ. Do vậy, phát triển BV tư nhân đang là trách nhiệm của tất cả chúng ta với xã hội. Thực tế cho thấy, lĩnh vực này đang có tiềm năng rất lớn cần phát triển. Tuy nhiên, theo ông Hồi, hiện có rất nhiều bất cập trong y tế tư nhân được mổ xẻ. Như quy định về phân tuyến, phân hạng BV hiện còn nhiều điểm bất cập; chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định xếp hạng cơ sở y tế tư nhân. Mặc dù Bộ Y tế có hướng dẫn xếp hạng nhưng cũng có điểm chưa hợp lý, đơn cử như BV tư nhân thì chỉ cần hạng 2 là lên tuyến tỉnh, không được khám, chữa bệnh bằng BHYT.

Đề cập đến sự bất bình đẳng trong xây dựng và triển khai chính sách y tế đối với hệ thống y tế tư nhân, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam cho rằng, sự bất bình đẳng bắt nguồn từ nhận thức: Cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị còn cơ sở khám chữa bệnh tư nhân là doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực khám chữa bệnh. Từ đó, dẫn đến một loạt bất bình đẳng về đầu tư, đào tạo, hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT…

Bà Phan Thị Hải, Phó Trưởng phòng Quản lý hành nghề Khám chữa bệnh (Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế) cho biết: Từ năm 2004 - 2017, số lượng y tế tư nhân tăng gấp 5,2 lần. Số lượng BV tư nhân chiếm 1,6% số lượng BV trên toàn quốc. Đây là những đóng góp đáng kể cho nền y tế Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn như phân hạng BV, phân tuyến… và nhiều chỗ còn bất bình đẳng. Tuy nhiên, theo bà Hải, các BV tư nhân dù lớn hay nhỏ nhưng hiện nay đã được trang bị các thiết bị hiện đại. Đặc biệt, trong quá trình lập BV tư, BV công cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc đào tạo cho các bác sỹ tư.

Về một số kiến nghị về phân hạng, đào tạo, bà Hải cho biết, các cơ sở y tế có thể gửi văn bản trực tiếp lên Bộ Y tế và các cấp cao hơn để kiến nghị. Bộ Y tế ủng hộ và phối hợp với Hiệp hội Y tế tư nhân để tạo điều kiện cho các BV một cách tốt hơn.

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm