Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Những tiêu cực, sai phạm được “giải mã” như thế nào?

Thứ ba, 10/03/2020 - 22:26

(Thanh tra) - Gần 10 năm kiên trì gửi đơn đến các cấp, các cơ quan chức năng, chịu không ít đe dọa, thậm chí tại chính nhà mình sinh sống, người tố cáo những tiêu cực tại Trường Đại học Ngoại thương (ĐHNT) vẫn tin rằng, sự thật sẽ được làm rõ.

ĐHNT - ngôi trường có bề dày thành tích nhưng cũng lắm tiêu cực. Ảnh: LP

“Cảm ơn sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã làm rõ đúng sai và kết luận đúng bản chất vụ việc. Đặc biệt là chỉ ra những sai phạm của các cơ quan giải quyết tố cáo cũng như kiến nghị xử lý đối với những sai phạm”, người tố cáo chia sẻ.

Hành trình đơn độc của người tố cáo

Như Báo Thanh tra đã đề cập, ngày 5/3/2020, TTCP chính thức ra thông báo công bố kết luận thanh tra việc giải quyết tố cáo một số nội dung về quản lý tài chính, đầu tư cơ sở vật chất và công tác cán bộ tại Trường ĐHNT. Kết luận thanh tra nhận được sự đồng tình từ dư luận, đặc biệt là với người tố cáo như mở ra một tia hy vọng chấm dứt chặng đường dài gần 10 năm đơn độc của người tố cáo đội đơn gõ cửa các cơ quan chức năng, nhưng chỉ đến khi Đoàn thanh tra theo Quyết định thanh tra số 520/QĐ-TTCP ngày 20/6/2018 của Tổng TTCP vào cuộc, vụ việc mới được làm sáng tỏ.

Bức tranh thu nhỏ trong công tác giải quyết tố cáo

Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (TTCP) Phí Ngọc Tuyển: Vụ việc không lớn, lại ở cấp cơ sở nhưng lại khá phức tạp do các cơ quan chức năng từ cấp trường, cấp bộ rồi đến cấp thành phố đều đùn đẩy, né tránh giải quyết. Để ban hành được kết luận thanh tra thấu tình đạt lý, được dư luận đồng tình, Đoàn Thanh tra đã rất thận trọng trong việc thu thập thông tin, tài liệu. Bên cạnh đó, còn tổ chức họp các ngành lấy ý kiến trực tiếp và bằng văn bản. Chưa bao giờ, giải quyết một vụ tố cáo cấp cơ sở lại phải mời Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham gia nhiều lần để làm rõ.

Có thể nói, đây là "bức tranh thu nhỏ" trong công tác giải quyết tố cáo hiện nay. Nếu cấp cơ sở làm đúng theo qui định của Luật Tố cáo thì chắc chắn câu chuyện lùng nhùng này không cần kéo dài đến thế và không phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân nhiều đến thế. Câu chuyện cũng là bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác giải quyết tố cáo trong giai đoạn hiện nay.

Chia sẻ với PV Báo Thanh tra, người tố cáo cho biết, là một người lính xuất ngũ, đã trải qua nhiều gian khổ, thấy những việc làm không đúng từ cán bộ, đảng viên, không đành lòng. Không thể để sự việc cứ mãi diễn ra, làm thất thoát tiền của Nhà nước. Bản thân ông là giảng viên luật nên biết việc gì đúng, việc gì sai. Do vậy, ông xác định theo đuổi đến cùng để làm sáng tỏ vụ việc dù có gặp nhiều trắc trở.

Cũng theo ông, hành trình tố cáo của ông chính thức bắt đầu từ cuối 2012, sau khi có Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4 Khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”. “Sau khi phát hiện thấy các sai phạm tại Trường ĐHNT, trong các cuộc họp Đảng ủy, tôi đã đưa nội dung này ra họp nhằm rút kinh nghiệm cũng như giải quyết vấn đề theo hướng khắc phục hậu quả về kinh tế, rút kinh nghiệm nghiêm túc để không lặp lại. Tuy nhiên, trong các cuộc họp Đảng ủy, những nội dung này đều bị gạt đi và cho rằng, thông tin tôi đưa ra không đúng sự thật”, người tố cáo chia sẻ.

Cấp trường né tránh, người tố cáo đã gõ cửa lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Tuy nhiên, không nhận được sự hỗ trợ phía Bộ GD&ĐT - cơ quan chủ quản của Nhà trường.

Chính vì vậy, người tố cáo đã tìm đến các cơ quan báo chí. Và rồi, từ phản ánh của báo chí, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khi đó còn là Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT tiến hành thanh tra, kiểm tra.

“Khoảng tháng 6-7/2013, Bộ GD&ĐT có kết luận thanh tra theo nội dung bài báo nêu. Tuy nhiên, nội dung kết luận cũng còn né tránh, không đúng bản chất vụ việc, còn có nội dung bao che, không kết luận. Tệ hơn nữa là khi tiến hành xử lý sau thanh tra, Bộ lại thành lập Đoàn do một đồng chí là Vụ phó làm Trưởng đoàn tổ chức họp kiểm điểm cá nhân có sai phạm và thành phần ngồi hội đồng này có đến 2/3 là người có sai phạm. Tréo ngoe thay, cuộc họp tổ chức kiểm điểm này yêu cầu người tố cáo phải bị kỷ luật, trong khi trong kết luận thanh tra không chỉ ra người tố cáo có sai phạm”, người tố cáo bức xúc.

Không đồng tình, ông tiếp tục gõ cửa Thành ủy TP Hà Nội. Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy vào cuộc. “Tôi được mời lên làm việc mấy lần, đã cung cấp hết hồ sơ, tài liệu. Nhưng rất tiếc, kết luận kiểm tra của UBKT Thành ủy cũng chỉ làm sáng tỏ hơn kết luận của Bộ GD&ĐT một chút. Còn lại vẫn mang tính chất né tránh. Đặc biệt, trong kết luận, UBKT Thành ủy cũng không đề nghị xử lý đối với người có sai phạm”, người tố cáo nói.

Cứ mỗi lần như vậy, ông lại nhận được những cái lắc đầu, sự dè bỉu từ những người xung quanh. “Hành trình gần 10 năm đội đơn, cũng may tôi còn nhận được sự ủng hộ từ một số người. Nhưng đến nay, những người này vô tình đã bị loại khỏi các vị trí công việc đang làm. Có người còn khuyên nên bỏ cuộc nhưng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, dù người khác có rút lui. Là một người lính xuất ngũ, là một đảng viên có hơn 30 năm tuổi đảng, là giảng viên ngành Luật, tôi biết thế nào là đúng, thế nào là sai. Không thể cứ để sai chồng sai. Tôi lại tiếp tục hành trình gõ cửa rất nhiều cơ quan chức năng, gửi đơn cả đến các đoàn Đại biểu Quốc hội. Rồi cũng có đoàn trả lời, có đoàn không”, người tố cáo chia sẻ.

Văn phòng Chính phủ nhiều lần có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, nhưng Bộ GD&ĐT không giải quyết đơn tố cáo của công dân theo quy định. Ảnh: LP

Cũng theo người tố cáo, đầu tháng 3/2016, Văn phòng Chính phủ một lần nữa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải quyết nội dung tố cáo đối với Hiệu trưởng Trường ĐHNT theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga lại ban hành thông báo về việc không thụ lý giải quyết tố cáo Hiệu trưởng Trường ĐHNT do nội dung và thông tin người tố cáo cung cấp không có cơ sở để xác định hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo.

Sai phạm được làm sáng tỏ

Người tố cáo lại tiếp tục hành trình đội đơn đơn độc của mình. Để rồi, tiếng kêu của người tố cáo một lần nữa đến tai Thủ tướng Chính phủ, và Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Tổng TTCP kiểm tra vụ việc, xử lý cụ thể, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ là nơi gửi gắm niềm tin

Cô H.Y (một giáo viên trên địa bàn TP Hà Nội đề nghị giấu tên): Vụ việc xảy ra tại Trường ĐHNT tôi cũng được biết trên các phương tiện thông tin đại chúng từ nhiều năm qua. Thấy sự vất vả, sự cô độc của người tố cáo, bên cạnh đó là sự thờ ơ của của các cấp chính quyền, bản thân tôi cũng như nhiều giáo viên khác dường như mất niềm tin vào sự thật. Tuy nhiên, ngày 5/3 mới đây, TTCP đã công bố Kết luận thanh tra tại Trường ĐHNT đã khơi dậy lại niềm tin vào công lý. Kết luận thấu tình đạt lý, khẳng định niềm tin của người dân vào cơ quan giải quyết pháp luật. Tin rằng, TTCP sẽ là nơi gửi gắm niềm tin của người dân và những cán bộ yếu thế.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng TTCP đã giao Cục Phòng, chống tham nhũng nghiên cứu hồ sơ vụ việc. Ngày 20/6/2018, Tổng TTCP đã ký Quyết định số 520/QĐ-TTCP thành lập đoàn giải quyết tố cáo một số nội dung về quản lý tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, công tác cán bộ và việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo tại Trường ĐHNT.

Và rồi, trái bóng lăn mãi cũng phải biết điểm dừng. Với sự quyết tâm và bản lĩnh nghề nghiệp, Đoàn Thanh tra của TTCP cũng đã tìm ra được mấu chốt vấn đề, đã làm rõ được bản chất vụ việc, tham mưu Tổng TTCP kết luận rõ đúng sai, cũng như kiến nghị xử lý đối với sai phạm.

Qua thanh tra giải quyết tố cáo tại Trường ĐHNT, TTCP đã chuyển hồ sơ thu thập được để Cơ quan điều tra, Bộ Công an tiếp tục làm rõ, xử lý theo pháp luật việc để ngoài sổ sách 197.200 USD (tương đương 3.228.225.000 đồng) từ 9/2006 đến tháng 5/2013 từ Chương trình liên kết đào tạo với Trung Quốc, có dấu hiệu tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (theo Bộ luật Hình sự năm 1999).

Gần 10 năm kiên trì đội đơn gõ cửa các cơ quan chức năng, nhưng người tố cáo chỉ nhận được sự vô cảm. Chỉ đến khi TTCP vào cuộc thì những tiêu cực tại Trường ĐHNT mới dần được sáng tỏ. Ảnh: LP

Đặc biệt, TTCP đã chỉ ra Kết luận số 548/KL-TTr của Thanh tra Bộ GD&ĐT không khách quan, không nghiêm túc, không trung thực. Quá trình xem xét, kết quả xử lý không đúng quy định, đề xuất hình thức kỷ luật cả thành viên Ban Giám hiệu dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực, không hề bị nêu tên trong kết luận thanh tra… thể hiện rõ việc kéo bè kéo cánh, thể hiện sự bè phái, sự mất dân chủ, lợi ích nhóm nghiêm trọng trong trường ĐHNT.

Bộ GD&ĐT thiếu trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra, giám sát, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các sai phạm về tài chính, về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và công tác quy hoạch, quản lý cán bộ.

Chưa hết, Bộ GD&ĐT không tiến hành thụ lý, giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo năm 2011; tiến hành thanh tra nhưng chưa xem xét, đánh giá toàn diện nội dung phản ánh; thiếu trách nhiệm trong việc xem xét, xử lý sau thanh tra, kết quả xử lý thiếu khách quan, không triệt để.

Tâm đắc với việc phân tích nguyên nhân vụ việc

Trò chuyện với PV, người tố cáo nhấn mạnh: “Tôi rất tâm đắc với việc phân tích các nguyên nhân của vụ việc”. Trong Kết luận thanh tra, TTCP nêu rõ nguyên nhân dẫn đến tố cáo kéo dài là do các cơ quan chức năng không giải quyết kịp thời, không xử lý triệt để. Ví như, khi Bộ GD&ĐT có kết luận có sai phạm, thì việc tối thiểu, nhẹ nhàng nhất cũng phải khiển trách đối với ông Châu, bà Giang thì dư luận sẽ dịu xuống. Đằng này không những không khiển trách lại đòi xử lý kỷ luật người tố cáo". 

Tiếp đó là Kết luận 109-KL/UBKTTU của UBKT Thành ủy đã nêu rõ các sai phạm của từng cá nhân có vi phạm trong việc thực hiện quy chế làm việc, quy chế dân chủ, bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng giảng viên, quản lý kinh tế tài chính; quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản,  vi phạm quy định về luật đấu thầu, pháp luật về tài chính kế toán, luật thi đua khen thưởng… vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, không hoàn thành chức trách nhiệm vụ cấp ủy giao, làm thất thoát tài sản Nhà nước và tập thể, chi khống, khai man, chi vượt tiêu chuẩn, chi sai đối tượng, để ngoài sổ sách kế toán với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng…

Tuy nhiên, những đảng viên có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật dưới bất kỳ hình thức nào. Đây là hành vi cố ý bao che cho người sai phạm nhằm làm mất uy tín Đảng, vi phạm nghiêm trọng Điều 2 Điều lệ Đảng.

“Dù đơn độc trong hành trình gõ cửa các cơ quan chức năng nhưng vẫn rất may, tôi còn có sự động viên, cổ vũ từ các đồng nghiệp, từ cơ quan báo chí, từ sự chỉ đạo sát sao của Tổng TTCP, sự quyết tâm của Đoàn thanh tra thuộc TTCP, vụ việc đã dần được làm sáng tỏ. Trong các đoàn thanh tra, kiểm tra mà tôi từng tiếp xúc thì đoàn thanh tra lần này của TTCP là tốt hơn về mọi mặt. Kết luận thanh tra đã làm rõ được khá nhiều vấn đề, được dư luận quan tâm đồng tình. Hy vọng, trong thời gian tới, Tổng TTCP tiếp tục chỉ đạo, giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra”, người tố cáo chia sẻ.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục nội dung này!

Phương Hiếu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm