Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thừa Thiên Huế:

Quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Lê Hữu Chính

Thứ hai, 14/10/2024 - 21:05

(Thanh tra) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 70/2024/QĐ-UBND kèm theo Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Quyết định số 70/2024/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành kể từ ngày hôm nay (14/10/2024) và thay thế Quyết định số 50/2023/QĐ-UBND ngày 25/9/2023 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

TP Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Hữu Chính

Nội dung Quy định thể hiện chi tiết cụ thể tại: Khoản 2 Điều 104, khoản 2 Điều 108, khoản 5 Điều 109, khoản 7, khoản 10 Điều 111 Luật Đất đai số 31/2024/QH15; khoản 3 Điều 4, khoản 7 Điều 12, khoản 9 Điều 13, điểm a, điểm d khoản 1 Điều 14, khoản 2 Điều 15, Điều 16, điểm b khoản 2 Điều 17, điểm c khoản 1 Điều 18, khoản 2 Điều 19, khoản 6 Điều 20, khoản 2 Điều 21, khoản 3 Điều 22, khoản 2 Điều 23, điểm c khoản 1, khoản 2 Điều 24 Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Đối tượng áp dụng gồm: Cơ quan Nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý Nhà nước về đất đai và công chức làm công tác địa chính ở cấp xã; đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; người có đất thu hồi và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thu hồi; các đối tượng khác có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Quy định cũng ghi rõ, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Những quy định cụ thể được nêu rõ từ Điều 3 đến Điều 19 như: 

Về “Bồi thường chi phí di chuyển tài sản khi Nhà nước thu hồi đất theo khoản 2 Điều 104 Luật Đất đai”:

1. Đối với thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lập dự toán hoặc thuê đơn vị tư vấn có tư cách pháp nhân lập dự toán chi phí di dời, lắp 2 đặt, xây dựng lại, được các cơ quan có chức năng quản lý chuyên ngành thẩm định (theo phân cấp), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để làm căn cứ bồi thường.

2. Đối với tài sản khác không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này khi di chuyển từ chỗ cũ đến chỗ mới thì người sử dụng đất được bồi thường chi phí tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt như sau:

a) Trong phạm vi thửa đất: 4.000.000 đồng/trường hợp;

b) Khoảng cách dưới năm kilomet: 8.000.000 đồng/trường hợp;

c) Khoảng cách từ năm đến mười kilomet: 10.000.000 đồng/trường hợp;

d) Khoảng cách trên mười kilomet: 12.000.000 đồng/trường hợp.

Một vùng đất nông nghiệp ở Thừa Thiên Huế. Ảnh: Lê Đình Hoàng

 

Về “Tỷ lệ quy đổi, điều kiện bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở để bồi thường cho người có đất thu hồi theo khoản 3 Điều 4 Nghị định số 88/2024/NĐ-CP”

1. Điều kiện bồi thường:

a) Người có đất thu hồi đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định.

b) Trên địa bàn cấp huyện triển khai công trình, dự án có quỹ đất ở, quỹ đất nông nghiệp, quỹ nhà ở để phục vụ giải phóng mặt bằng tại thời điểm ban hành Thông báo thu hồi đất để thực hiện công trình, dự án.

2. Tỷ lệ quy đổi:

 a) Trường hợp thu hồi đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở hoặc có nguồn gốc trong cùng thửa đất ở; thu hồi đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở hoặc có nguồn gốc trong cùng thửa đất ở đủ điều kiện bồi thường mà diện tích đất ở còn lại đảm bảo diện tích tối thiểu tại khoản 2 Điều 220 của Luật Đất đai theo quy định của UBND tỉnh thì thực hiện bồi thường như sau:

 - Diện tích thu hồi bằng 1,5 (một phẩy năm) lần và đến dưới 02 (hai) lần hạn mức giao đất ở tại địa phương thì được bồi thường 01 thửa đất ở hoặc 01 căn nhà ở;

- Diện tích thu hồi từ 02 (hai) đến 05 (năm) lần hạn mức giao đất ở tại địa phương thì được bồi thường 02 thửa đất ở hoặc 02 căn nhà ở;

- Diện tích thu hồi trên 05 (năm) lần hạn mức giao đất ở tại địa phương thì được bồi thường 03 thửa đất ở hoặc 03 căn nhà ở.

- Khi thực hiện bồi thường theo điểm này thì không thực hiện hỗ trợ theo khoản 6 Điều 8 Quy định này.

b) Đối với đất nông nghiệp không thuộc điểm a khoản này bao gồm đất trồng cây hàng năm trừ đất trồng lúa, đất trồng cây lâu năm thu hồi đủ điều kiện bồi thường thì người có đất thu hồi được bồi thường bằng 01 (một) thửa đất ở hoặc 01 (một) căn nhà ở và diện tích đất thu hồi để bồi thường được xác định như sau:

- Từ 500 m2 trở lên mà thửa đất này đã được Nhà nước thu hồi một phần diện tích để thực hiện các dự án trước đây và tổng diện tích các lần thu hồi trước đây của thửa đất này từ 1.000 m2 trở lên;

- Trường hợp thu hồi các thửa đất để thực hiện công trình, dự án hiện nay: Tại các phường, các thị trấn từ 1.000 m2 trở lên; tại các xã từ 1.500 m2 trở lên.

c) Trường hợp đất phi nông nghiệp không phải đất ở thu hồi đủ điều kiện bồi thường có diện tích từ 1,5 (một phẩy năm) lần hạn mức giao đất ở tại địa phương trở lên thì được bồi thường bằng 01 (một) thửa đất ở hoặc 01 (một) căn nhà ở.

Phần cuối của quy định (từ Điều 20 đến Điều 25) cũng nêu rõ cách xử lý một số vấn đề phát sinh trong giai đoạn chuyển tiếp, trách nhiệm của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, trách nhiệm của UBND cấp huyện cấp xã và cả trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư có đất thu hồi.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế; các sở, ban, ngành có liên quan và các chủ đầu tư kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm