Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 2: Các nội dung kết luận khác cũng thực hiện dang dở

Đan Quế

Thứ năm, 23/09/2021 - 09:16

(Thanh tra) - Ở bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến sự “bất lực” của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) trước nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, sự “bất lực” này còn thể hiện ở việc đôn đốc thực hiện các kiến nghị khác.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhiều lần chỉ đạo khẩn trương thu hồi cơ sở nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ. Ảnh: Đan Quế

Tại nhiều văn bản chỉ đạo xử lý sau thanh tra cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo: UBND TP Hà Nội khẩn trương thực hiện thu hồi cơ sở nhà đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ và UBND TP Hồ Chí Minh xử lý, thu hồi cơ sở nhà đất tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1 theo đúng Kết luận thanh tra số 447 ngày 30/3/2018 và số 1412/KL-TTCP ngày 23/8/2018 của Thanh tra Chính phủ…

Về nội dung này, ngày 29/6, Bộ VHTTDL có Công văn số 2272 và Công văn số 2281 gửi UBND TP Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị thông báo lại việc thực hiện nội dung kết luận thanh tra liên quan đến các cơ sở nhà đất của Hãng Phim truyện Việt Nam theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu báo cáo để xử lý thu hồi khu đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP Hà Nội theo đúng quy định hiện hành.

Ngày 19/8/2021, UBND TP Hà Nội có Công văn số 2687 về việc thông tin kết quả thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc thu hồi cơ sở nhà đất số 4 Thụy Khuê.

UBND TP Hồ Chí Minh chưa có ý kiến chỉ đạo.

Về việc triển khai thực hiện các nội dung khác tại kết luận thanh tra, báo cáo mới nhất của Bộ VHTTDL ngày 13/9/2021 nêu: Bộ VHTTDL đã chỉ đạo nguyên Hội đồng Thành viên, Ban Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam qua các thời kỳ, Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa công ty, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ thực hiện kiểm điểm những hạn chế, sai sót đã xảy ra trong công tác quản lý Hãng Phim truyện Việt Nam qua các thời kỳ, những hạn chế, thiếu sót trong việc chỉ đạo công tác cổ phần hóa.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhiều lần chỉ đạo thu hồi cơ sở nhà đất tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đan Quế

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam đã hoàn thành thủ tục hồ sơ nhà đất theo quy định tại 2 khu đất đã được phê duyệt phương án sử dụng đất; hoàn thành việc xử lý phương án lao động, tiền lương của người lao động đã nêu tại kết luận; hoàn thành việc lập báo cáo tài chính tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần.

Bộ VHTTDL đang xem xét bản kiểm điểm của Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ về những hạn chế, thiếu sót trong việc chỉ đạo công tác cổ phần hóa; đang đôn đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam, Tòa án nhân dân quận Tây Hồ và các tổ chức, cá nhân có liên quan để chỉ đạo công ty hoàn thiện phương án sử dụng nhà, đất đối với 2 cơ sở chưa được phê duyệt phương án sử dụng đất; đang xem xét hồ sơ giải trình của công ty về lao động, tiền lương, xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần.

Bộ VHTTDL cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, gặp phải những khó khăn, vướng mắc liên quan đến nội dung tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, làm ảnh hưởng đến thời gian thực hiện kết luận thanh tra. Quy trình và hành lang pháp lý để triển khai thực hiện giữa thu hồi và rút vốn trước thời hạn khác nhau; nhà đầu tư chiến lược chưa có sự hợp tác trong việc triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, ngành nghề đầu tư của Hãng Phim truyện không thuộc đối tượng theo danh mục ngành nghề Nhà nước phải đầu tư để mua vốn tại các công ty cổ phần. Mặt khác, từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần cùng quá trình hoạt động trước khi cổ phần hoá của công ty không hiệu quả, nên căn cứ theo quy định của Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước, hoạt động nhận lại cổ phần tại hãng phim truyện không thuộc đối tượng Nhà nước đầu tư.

Việc thực hiện nhận lại cổ phần tại Hãng Phim truyện Việt Nam, Bộ Tài chính đã chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đề xuất lấy nguồn từ Quỹ Hỗ trợ sản xuất và Phát triển doanh nghiệp để hoàn trả lại cổ phần cho nhà đầu tư. Do đó, quá trình tham mưu lấy ý kiến của các bộ, ngành dẫn đến việc thực hiện kết luận thanh tra bị chậm.

Tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam. Ảnh minh họa: ĐQ

Tổng Công ty Vận tải thủy đề nghị được tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược mới theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và điều lệ hoạt động của tổng công ty theo Kết luận số 447/KL-TTCP ngày 30/3/2018 của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, nhà đầu tư chiến lược là một cổ đông của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam nên quy trình xin rút vốn trước thời hạn của nhà đầu tư chiến lược phải thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và điều lệ hoạt động công ty.

Cũng theo Bộ VHTTDL, những tồn tại, vướng mắc về đất đai của Hãng Phim truyện Việt Nam đã xảy ra từ năm 1998 đến nay liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức và Ban Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam trong các thời kỳ, Hội đồng Thành viên, Ban Giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam. Hiện nay, gần như toàn bộ Ban Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam trong các thời kỳ, Hội đồng Thành viên, Ban Giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, nên việc xử lý những sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai mà kết luận thanh tra đã nêu gặp nhiều khó khăn. Những tranh chấp về đất đai tại hãng phim truyện tại Toà án nhân dân TP Hà Nội chưa được giải quyết triệt để. Thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa công ty đã có một số người nghỉ hưu theo chế độ, nên việc xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần đã bị ảnh hưởng.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam chưa đạt được theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh được thông qua tại đại hội đồng cổ đông lần đầu. Công ty cổ phần bắt đầu đi vào hoạt động ngày 23/6/2017, số lỗ lũy kế khi chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đến 31/12/2020 là 44.118 triệu đồng, chiếm 88% vốn điều lệ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính của đơn vị. Chi phí để duy trì hoạt động của công ty hàng năm khá lớn, trong đó, riêng chi phí tiền thuê đất chiếm 46,7%; tiền phạt chậm nộp chiếm 3,6% trên tổng chi phí sản xuất, kinh doanh phát sinh trong năm tài chính của công ty.

Bộ VHTTDL cho biết, nhà đầu tư chiến lược Tổng Công ty Vận tải thủy - CTCP bất hợp tác trong thực hiện kết luận thanh tra. Ảnh: PV

Bộ VHTTDL cũng cho biết, mâu thuẫn giữa nghệ sĩ, người lao động đang làm việc với nhà đầu tư chiến lược, ban lãnh đạo công ty đến thời điểm hiện tại chưa có phương án giải quyết dứt điểm, nên đến hết năm tài chính 2020, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty bị đình trệ, chỉ duy trì một bộ phận nhỏ để cầm cự, bảo vệ đất đai, tài sản trong khi chờ quyết định chính thức của các cơ quan có thẩm quyền.

Tình hình tài chính của công ty khó khăn chồng chất, Cục Thuế TP Hà Nội đã thực hiện biện pháp phong tỏa hóa đơn GTGT của đơn vị từ năm 2017 đến nay; toàn bộ 3 khu đất lớn do đơn vị quản lý sử dụng tại Hà Nội đến nay vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền của TP Hà Nội cho ký hợp đồng thuê đất. Tổng số lao động của công ty là 57 người. Công ty trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho 14 người chủ yếu thuộc bộ phận hành chính, 3 bảo vệ hợp đồng lao động ngắn hạn tự trả lương thông qua khoán thu nhập, 40 người không lương, không bảo hiểm xã hội từ tháng 7/2018, lao động thuộc các xưởng thu thanh, dựng phim, thiết bị kỹ thuật, thiết kế không lương từ tháng 1/2019…

Bộ VHTTDL đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh khẩn trương có ý kiến trong việc thu hồi cơ sở nhà đất tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1 theo đúng kết luận thanh tra. Sau khi có ý kiến của các bộ, ngành, Bộ VHTTDL sẽ sớm triển khai thực hiện việc thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.

Khó khăn trong việc giải quyết các kiến nghị tại kết luận thanh tra là có thật. Chưa kể, thời điểm này, khó khăn đó còn được nhân lên vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, Bộ VHTTDL không thể viện đến những lý do này để chậm trễ hơn trong việc giải quyết dứt điểm tất cả các vấn đề đã được chỉ ra ở trên, nhất là nhiều nội dung trong kiểm điểm trách nhiệm cán bộ thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của bộ. Bên cạnh đó, việc bất hợp tác, thậm chí chống đối việc thực hiện kết luận thanh tra cũng đã được luật hóa. Hơn thế nữa, việc xử lý dứt điểm những sai phạm, vi phạm này còn liên quan đến rất nhiều người lao động, nghệ sĩ đã và đang công tác tại Hãng Phim truyện Việt Nam.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, riêng chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra về việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, Văn phòng Chính phủ đã ban hành 7 văn bản đôn đốc, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đã đến lúc Bộ VHTTDL cần giải quyết dứt điểm vụ việc!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

An Giang: Bắt tạm giam Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt

An Giang: Bắt tạm giam Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt

(Thanh tra) - Ngày 20/11, Công an tỉnh An Giang cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Giỏi (sinh năm 1991), Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt để điều tra về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cảnh Nhật

17:05 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm