Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự khai mạc Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội

Hải Hà

Thứ hai, 12/10/2020 - 09:56

(Thanh tra) - Sáng 12/10, Đại hội Đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ TP Hà Nội đã chính thức khai mạc. Đại hội diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 11-13/10) tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự khai mạc Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội. Ảnh: TTBC

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Dự Đại hội còn có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các ban, ngành…

Đại hội cũng chào đón 497 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 45 vạn ddảng viên toàn Đảng bộ. Chiều 11/10, Đại hội đã diễn ra phiên họp trù bị.

Vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao

Đảng bộ Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất với 50 tổ chức Đảng trực thuộc và gần 10% đảng viên của cả nước, có truyền thống đoàn kết, trí tuệ và bản lĩnh.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, Đại hội Đại biểu lần thứ XVII là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội được tiến hành vào thời điểm có nhiều sự kiện quan trọng của Thủ đô và đất nước.

Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ TP; quyết định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; bầu Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ TP khóa XVII, bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII; đồng thời thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: TTBC

Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, định hướng cho Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Thủ đô gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Báo cáo Chính trị tại Đại hội cho thấy, nhiệm kỳ qua, Thành ủy đã triển khai kịp thời, hiệu quả 8 chương trình công tác lớn toàn khóa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

Kinh tế Thủ đô tiếp tục được cơ cấu lại, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực, kinh tế tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn; khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, một số công trình, dự án quy mô lớn, hiện đại được hoàn thành và khởi công. Xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm ao, hồ… cải thiện đáng kể.

Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, trật tự, kỷ cương xã hội được tăng cường. Nếp sống văn minh đô thị có chuyển biến tích cực.

Sự nghiệp văn hóa - xã hội; giáo dục - đào tạo; y tế; khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chăm lo cho con người và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có chuyển biến tích cực; các giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến được gìn giữ và phát huy.

Đặc biệt, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước nhiều chỉ tiêu về văn hóa, giáo dục - đào tạo, thể dục, thể thao, nhất là thể thao thành tích cao. Năng lực y tế được nâng lên. Chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô từ thành thị đến nông thôn, khu vực xa trung tâm, đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt.

Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh của Thủ đô tiếp tục được củng cố; trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tốt hơn; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, tạo dấu ấn quan trọng; phối hợp với các cơ quan Trung ương, hợp tác, liên kết với các tỉnh, TP trong nước được đẩy mạnh. Vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao cả trong nước và quốc tế.

Đổi mới, sáng tạo trong công tác tổ chức, cán bộ 

Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, công tác tổ chức, cán bộ có nhiều đổi mới, sáng tạo, các cấp ủy đã dành nhiều công sức củng cố, sắp xếp, kiện toàn, hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy của cả hệ thống chính trị; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: TTBC

Đặc biệt, đã đi sâu thực hiện những việc mới, việc khó, những nhiệm vụ còn tồn tại, hạn chế, yếu kém. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Đề án Thực hiện sắp xếp, củng cố, kiện toàn các Đảng ủy trực thuộc Thành ủy từ 59 Đảng bộ đến nay còn 50 Đảng bộ. Hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn 20 đơn vị gồm các ban Đảng Thành ủy; củng cố, kiện toàn, chuyển giao, giải thể 215 tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp đã cổ phần hóa, thoái vốn về trực thuộc Đảng bộ quận, huyện, thị xã và Đảng bộ Khối.

Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao.

Sau sắp xếp, tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở đồng bộ, tinh gọn hơn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt. Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp giảm 5/17 ban chỉ đạo do Thành ủy; 74/102 ban chỉ đạo do UBND TP thành lập; sắp xếp giảm 21/26 ban quản lý dự án và 121/401 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP, 45/204 đơn vị chuyên môn thuộc sở, ngành; giảm 110/206 đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện.

Cùng với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, Hà Nội đã đã tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Giai đoạn 2018-2020, khối các cơ quan Đảng, đoàn thể giảm trên 400 biên chế; khối chính quyền giảm gần 1.500 biên chế và dự kiến giảm 19.052 biên chế viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện tự chủ tài chính.

Thực hiện nghiêm túc việc bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ đảm bảo đủ tiêu chuẩn, đúng người, đúng việc và đúng quy trình. Trong nhiệm kỳ, đã thực hiện luân chuyển 55 cán bộ, giới thiệu ứng cử và bổ nhiệm 442 cán bộ diện Thành ủy quản lý.

BCH khóa mới đặc biệt coi trọng chất lượng, có cơ cấu, số lượng hợp lý

Về bầu BCH Đảng bộ TP khóa XVII và đoàn đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng, ông Vương Đình Huệ - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, đây là một nội dung đặc biệt quan trọng của Đại hội, Đề án Nhân sự do BCH Đảng bộ TP khóa XVI chuẩn bị theo đúng quy trình 5 bước, đảm bảo dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch.

“BCH Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2020 - 2025, phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có cơ cấu và số lượng hợp lý; tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thực sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội được thông qua” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

BCH khóa XVI giới thiệu ứng cử tham gia BCH Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 là 81 người, bầu tại Đại hội là 71 người (số dư 14,08%).

Nhân sự tái cử là 47/81 người (58,02%); nhân sự tham gia lần đầu là 34/81 người (41,98%); số lượng Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy là 17 người.

Đại hội cũng sẽ bầu Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII gồm 13 người, trong đó có Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và 4 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra. 

 Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025

Về kinh tế, Hà Nội phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 là 7,5-8,0%. GRDP bình quân/người 8.300-8.500USD. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 3,1 - 3,2 triệu tỷ đồng (tăng 12,5-13,5%/năm). Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%. Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7,0-7,5%.

Về văn hóa - xã hội: Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 80-85%. Duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 75-80%. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3%. Không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của TP.

Về quy hoạch, đô thị, nông thôn và môi trường: 100 % huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ đô thị hóa 60-62%. Tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch 100%. Tỷ lệ chất thải nguy hại, chất thải y tế được xử lý 100%.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Nhiều hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng

Hà Nội: Nhiều hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng

(Thanh tra) - Ngày 10/12, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn số 162-HD/BTGTU về việc tuyên truyền kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025). Nhằm tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô về lịch sử vẻ vang của Đảng cũng như gần 40 năm khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước.

PV

12:43 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm