Theo dõi Báo Thanh tra trên
CTV Xuân Thống
Thứ ba, 19/05/2020 - 06:33
(Thanh tra)- Trong suốt hành trình tìm đường cứu nước cho đến khi nước nhà độc lập, rồi đến tận những năm cuối đời, Bác Hồ chỉ về thăm quê hương được 2 lần (năm 1957 và năm 1961). Dù mỗi lần về với quê nhà thời gian lưu lại đều ngắn ngủi nhưng những tình cảm thân thương, kỷ niệm sâu sắc của Người chính là tài sản vô giá, động lực để nhân dân hai địa phương luôn đồng lòng, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Cụ Trần Văn Tư và tác giả. Ảnh: Đức Anh
Giản dị, gần gũi với nhân dân
Trong ngôi nhà nhỏ đối diện cụm di tích quê ngoại, cụ Trần Văn Tư (93 tuổi, ở làng Hoàng Trù 1, xã Kim Liên) đang cặm cụi với bản thảo bài thơ mới viết về Bác. Cụ Tư là một trong số ít những người năm xưa còn sống được gặp, được nghe Bác nói chuyện, dặn dò trong 2 lần Người về thăm quê. Ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng cụ vẫn rất minh mẫn và hóm hỉnh. Cụ Tư chia sẻ: “Chuyện Bác Hồ về thăm quê thì nhiều đài, nhiều báo viết rồi. Nhưng toát lên sau mỗi câu chuyện là gì? Đó là sự chân chất, giản dị và gần gũi với nhân dân trong Bác”.
Cụ Tư kể, sáng 8/12/1961, Bác Hồ về thăm Kim Liên lần 2. Người vẫn mặc chiếc áo ka-ki đã cũ, sờn vai và đi đôi dép cao su mộc mạc như lần thứ nhất về thăm quê, năm 1957. Có khác, lần này Bác quyết định về thăm làng Hoàng Trù quê ngoại trước. "Lúc ở phòng khách, tỉnh bố trí một cán bộ nữ rót nước mời Bác. Bác nhìn rồi hỏi, cô ở đâu? Cô gái giấu và trả lời Bác là ở Kim Liên. Bác cười và nói: “Cô không phải người ở đây bởi màu da không giống người dân lam lũ”. Rồi Bác ân cần thăm hỏi sức khỏe và động viên tất cả người già, trẻ nhỏ; gia đình chính sách, có công với cách mạng; người neo đơn trong làng. Sau đó, Người hỏi: “Bà con làm ăn trong hợp tác xã có vui không?”, tất cả đều đồng thanh thưa Bác là vui. Bác dặn: “Bà con phải cố gắng sản xuất kinh tế thật giỏi; phải làm tốt hơn các nơi khác, lần sau Bác sẽ về kiểm tra”", cụ Trần Văn Tư nhớ lại.
Về quê nội, Người tự tay rót nước mời các cụ cao niên, chia bánh kẹo cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Bác nhắc ban quản trị hợp tác xã chăm lo cho đời sống xã viên, phát triển sản xuất. Ngược lại, xã viên cũng phải có ý thức làm chủ và không ngừng xây dựng hợp tác xã lớn mạnh.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Trong lần thứ 2 về thăm quê, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đến thăm Hợp tác xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành. Đây là xã đầu tiên của Nghệ An tiến lên xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp bậc cao đưa lại hiệu quả; đồng thời là đơn vị tiêu biểu trong phong trào trồng cây, gây rừng cũng như nhiều phong trào thi đua khác lúc bấy giờ.
Ở tuổi 82, cụ bà Nguyễn Thị Đường, làng Nam Tháp, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, vẫn nhớ như in lần Bác về thăm, giây phút tự hào được chính tay Người trao tặng huy hiệu vì những thành tích tiêu biểu trong sản xuất. Bà Đường kể, sau khi thăm hỏi sức khỏe và đời sống nhân dân, Bác nói chuyện về tình hình sản xuất nông nghiệp. Bác nói ngắn gọn nhưng cụ thể, chi tiết và dễ hiểu những chuyện đẩy mạnh thủy lợi, chuyện phân bón, chuyện thời vụ, chuyện cải tiến nông cụ, lựa chọn giống cây trồng… Rồi Bác ân cần: “Hôm nay, Bác về không đi thăm hợp tác xã khác trong huyện, trong tỉnh được là vì không có thời gian. Các xã và hợp tác xã khác cần thông cảm. Còn hợp tác xã đây chớ thấy Bác về thăm tưởng mình là nhất không đâu bằng nữa, rồi tự kiêu, tự mãn cho rằng không cần học tập ai nữa...”.
Trong số 20 trường hợp được lựa chọn điển hình trong sản xuất, Bác lựa chọn 5 tấm gương tiêu biểu, xuất sắc nhất rồi hỏi mọi người trong 20 trai gái Đại Phong của Vĩnh Thành, Bác thưởng huy hiệu cho 5 tấm gương tiêu biểu: Nguyễn Thị Túy, Phạm Trọng Kính, Nguyễn Thị Nhụy, Nguyễn Tá và Nguyễn Thị Đường. “Mọi người có đồng ý với Bác không?”. Khi nghe mọi người cùng thưa đồng ý, Bác mới tự tay trao tặng huy hiệu cho từng người.
Cũng theo bà Đường, trời hôm đó mỗi lúc mỗi nắng, vầng trán Bác lấm tấm mồ hôi. Thấy vậy, chủ nhiệm hợp tác xã liền đưa khăn tay cho Bác nhưng Người khẽ gạt tay từ chối. Sợ Bác đứng ngoài nắng lâu ảnh hưởng sức khỏe, cán bộ hợp tác xã lại vội vã đi mượn ô che cho Bác. Nhưng khi vừa giương ô lên, Bác liền gạt ra và bảo: “Bác không phong kiến”, rồi Người chỉ tay xuống biển người phía dưới cũng đang đứng dưới nắng. Hành động nhỏ của Bác nhưng khiến cả biển người đều cảm động.
“Cảm động nhất là sau buổi nói chuyện, xã mời Bác vào dùng cơm nhưng vì chưa đến giờ cơm nên Bác cảm ơn rồi tiếp tục đi lên vùng đất đỏ bazan ở Nghĩa Đàn. Sau này, chúng tôi nghe nhiều cán bộ kể, trên đường đi, Bác giở gói cơm nắm mà Bác giao cho các cán bộ chuẩn bị trước, Bác cháu cùng ăn vui vẻ. Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ: Nhân dân còn nghèo, Bác là Chủ tịch cũng phải thực hành tiết kiệm. Tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho nhân dân”, bà Nguyễn Thị Đường kể.
Đưa quê hương sớm thành “kiểu mẫu”
Trong những ngày tháng Năm lịch sử, rong ruổi trên các làng quê nơi in dấu chân Người về thăm của nhiều năm về trước, chúng tôi nhận thấy sự thay da đổi thịt rõ rệt với khí thế thi đua sôi nổi. Xã Vĩnh Thành, nơi Bác về thăm vừa tiến hành xong Đại hội Đảng bộ lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, dư âm của một kỳ đại hội đoàn kết, thống nhất được cán bộ, đảng viên nơi đây truyền tai nhau với những giải pháp mang tính thực tiễn, hợp ý Đảng lòng dân.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành Thái Huy Hoàng cho biết: Trong 5 năm qua, nhờ đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã đồng sức, đồng lòng hưởng ứng, đưa bộ mặt nông thôn vùng quê chiêm trũng Vĩnh Thành không ngừng khởi sắc. Tổng giá trị sản xuất đến năm 2020 ước đạt gần 360 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng trong nông nghiệp từ 52,17% đầu nhiệm kỳ xuống còn 39,86%; tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng từ 27,25% lên 33,49%; thương mại, dịch vụ và xuất khẩu lao động từ 20,58% lên 22,66%. Nhiều công trình phúc lợi, hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh được đầu tư, xây dựng. Xã đã huy động được trên 370 tỷ đồng để hoàn thiện các tiêu chí, đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017. Văn hóa, xã hội phát triển không ngừng với 2 trường tiểu học, mầm non đạt và giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia; xã đạt chuẩn bộ tiêu chí về y tế; thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao đồng bộ; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 85%, 12/12 xóm đạt danh hiệu Làng Văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,8% xuống còn 1,94%. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, công tác xây dựng chính quyền, mặt trận các doàn thể được cũng cố. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Thành đang phấn đấu huy động mọi nguồn lực để xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Với xã Kim Liên, ký ức về Bác, niềm vui ngày được đón Bác về thăm vẫn mãi vẹn nguyên cho đến hôm nay. Những lời căn dặn của Người luôn được khắc ghi, là động lực để người dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Bí thư Đảng ủy xã Kim Liên Phan Văn Cảnh bộc bạch: Trong 2 lần về thăm quê, Bác Hồ đều căn dặn: “Phải sản xuất thật tốt, đoàn kết thật tốt để đưa xã nhà thành xã kiểu mẫu…”. Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kim Liên đã không ngừng phấn đấu nhằm nâng cao mọi mặt đời sống, văn hóa, xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,26%; thu nhập bình quân đầu người đạt là 48 triệu đồng/năm. Xã đã xây dựng các mô hình phát triển sản xuất như: Mô hình liên kết sản xuất lúa Bắc Thịnh do Hợp tác xã Kim Liên 2 và Hợp tác xã Nông nghiêp Sen Quê Bác, sản xuất sản phẩm gạo Làng Sen; mô hình trồng rau màu và trồng hoa trong nhà lưới xóm Sen 1, xóm Liên Mậu 3; mở rộng diện tích trồng Sen trên diện tích ao các vùng Làng Sen, Liên Hồng, Mậu Tài, Hoàng Trù...
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều tiến bộ. Đảng bộ xã có 4/5 năm được xếp loại Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó năm 2019 vừa qua, được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu. Sau khi thực hiện đạt xã nông thôn mới vào năm 2014, Kim Liên được UBND tỉnh lựa chọn 1 trong 3 xã trong toàn tỉnh để thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2015 - 2020. Hiện phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020, 6/12 xóm đạt chuẩn xóm “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Mục tiêu đặt ra cho toàn Đảng bộ là xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu về “bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, lịch sử cách mạng, truyền thống yêu nước gắn với phát triển du lịch tham quan, học tập; xây dựng xã Kim Liên giàu mạnh, văn minh, phấn đấu hàng năm trong tốp dẫn đầu khối xã của toàn huyện và tỉnh.
Bí thư Huyện ủy Nam Đàn Nguyễn Thị Hồng Hoa cho biết: Năm 2018, huyện về đích huyện nông thôn mới vào dịp kỷ niệm 128 năm ngày sinh Bác. Hiện địa phương đang tiếp tục triển khai quyết liệt các nghị quyết về phát triển Nam Đàn đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và đặc biệt là Quyết định số 17-QĐ/TTg ngày 4/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025”. Chính phủ giao 12 bộ, ngành liên quan cùng tỉnh Nghệ An giúp đỡ huyện Nam Đàn đến năm 2025 hoàn thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 22/11, Thành ủy Vinh, tỉnh Nghệ An tổ chức lễ công bố các quyết định của Ban Thường vụ Thành uỷ về công tác cán bộ đối với ông Trần Trung Kiên và ông Trần Văn Trí.
Văn Thanh
21:18 22/11/2024(Thanh tra) - Trong thời gian qua, các địa phương tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo (KNTC) phức tạp, kéo dài, không để phát sinh “điểm nóng”; đồng thời, triển khai các kế hoạch tiếp công dân (TCD) nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV.
Thái Hải
08:00 22/11/2024Văn Thanh
12:08 21/11/2024Trần Lê
19:31 20/11/2024Trọng Tài
18:50 19/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương