Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lá cờ Tổ quốc mang quần đảo Trường Sa đến với người Việt khắp nơi trên thế giới

Nam Dũng

Thứ năm, 27/04/2023 - 06:35

(Thanh tra)- Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức chương trình đoàn kiều bào thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, từ ngày 18 - 23/4, với sự tham gia của 47 kiều bào đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đoàn 47 kiều bào từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: ND

Về với “mẹ” biển khơi của Tổ quốc

Con tàu mang tên Trường Sa, số hiệu 571, thuộc Hải đội 411, Lữ đoàn 955 (Vùng 4 Hải quân), xuất phát từ Cảng Quốc tế Cam Ranh chở theo hơn 200 đại biểu, trong đó có 47 kiều bào đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, băng băng tiến ra biển Đông nhằm hướng quần đảo Trường Sa làm điểm đến.

Ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: Từ năm 2012 đến nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức 10 đoàn công tác với tổng số trên 500 lượt kiều bào đi thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và nhà giàn DK1.

Trong hai năm 2020-2021, chương trình bị gián đoạn do dịch Covid -19. Từ năm 2022, chương trình ý nghĩa này được khởi động lại nhằm đáp ứng tình cảm, nguyện vọng của bà con kiều bào hướng về biển đảo Tổ quốc.

“Những năm qua, việc tổ chức các đoàn công tác thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 đã góp phần tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Các chuyến thăm Trường Sa là dịp kiều bào từ nhiều nơi trên thế giới gặp gỡ, giao lưu, kết nối, tạo gắn kết giữa kiều bào với nhân dân trong nước, góp phần tăng cường đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc”- ông Vũ nhấn mạnh.

Ngay từ khi tiến vào bến cảng để lên tàu là một màu cờ đỏ sao vàng năm cánh được rất nhiều kiều bào cùng các thành viên trong đoàn khoác lên mình, khiến một góc bến cảng càng thêm rực rỡ, náo nhiệt.

Các cán bộ, chiến sỹ của tàu 571 đưa đoàn lên thăm đảo Đá Tây B. Ảnh: ND

Có mặt trong đoàn, anh Nguyễn Quang Trường (Etcetera Nguyễn) - Việt kiều đang sinh sống tại Mỹ, là người tham gia rất nhiều đoàn ra thăm quần đảo Trường Sa, cho biết: Trước khi ra đảo đều có sự hồi hộp và rất mong nhớ gặp lại những người lính, những cảnh quan mà tôi từng đi qua trước đây.

Anh cho rằng những hình ảnh, những câu chuyện, những tài liệu mà mình ghi nhận được trong lần này sẽ là những hành trang, tư liệu tốt trong cuộc đời viết lách của mình.

Điều đặc biệt, anh Trường còn là họa sỹ vẽ ký họa. Trên mỗi chuyến hành trình ra biển, anh vẽ rất nhiều bức tranh ký họa cho các thành viên trong đoàn. Trên mỗi bức họa đều có lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên mái nhà của các điểm đảo. Từ những bức họa đó, lá cờ Tổ quốc được mọi người đưa đi muôn nơi.

Đoàn kiều bào tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ tại nhà giàn DK1/16 Phúc Tần. Ảnh: ND

Lần đầu tiên đến với quần đảo Trường Sa, anh Ninh Mạnh Thắng, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã mang đến giới thiệu cho các chiến sĩ bài hát do anh mới sáng tác “Lính đảo hát dân ca”. Những ca từ nhẹ nhàng, ngọt ngào, sâu lắng đậm chất dân ca, nhưng cũng đầy hào hùng về biển đảo quê hương. Đồng thời, anh cũng tặng lại cây đàn ghi ta do anh biểu diễn trong buổi giao lưu văn nghệ và bản chép lời bài hát để anh em chiến sĩ có thể sử dụng bài hát ngay khi có thời gian rảnh rỗi.

Điểm đảo Sinh Tồn Đông là nơi đoàn cập bến đầu tiên sau hơn 400 hải lý di chuyển vào đúng sáng ngày mùng 1 tháng 3 Âm lịch, nên rất nhiều người đã chọn chùa Sinh Tồn Đông để vào viếng cảnh chùa và thắp hương.

Trò chuyện với sư trụ trì Thích Lệ Quang, chúng tôi được biết: Ngay tại vị trí chùa tọa lạc, từ thời vua Gia Long đã cho người đến đây dựng cột mốc và lập các ngôi miếu thờ thần, chùa thờ Phật để ngư dân mỗi khi đi biển đến thắp hương cầu mong mưa thuận, gió hòa, sóng yên, bể lặng. Khi đất nước thống nhất, chùa được xây dựng to đẹp và khang trang. Đến năm 2018 thì chùa được trùng tu, nâng cấp. Hiện nay, khuôn viên của chùa có diện tích khoảng 500m2, gồm cổng tam quan, chính điện và một nhà tăng.

Vào những dịp ngày rằm, mùng một hay lễ, Tết, các chiến sĩ và nhiều người dân trên xã đảo này đều đến chùa thắp hương lễ Phật, gửi gắm những ước nguyện tốt đẹp, cầu mong gia đạo bình an, cán bộ, chiến sĩ luôn mạnh khỏe.

Tạm biệt đảo Sinh Tồn Đông đầy lưu luyến, tàu lại tiến về hướng đảo chìm Len Đao để đoàn lên thăm và tặng quà các cán bộ, chiến sĩ cũng như giao lưu văn nghệ tại đây.

Chiều cùng ngày, cả đoàn đã thực hiện lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa trong không khí trang nghiêm và xúc động.

Chương trình giao lưu văn nghệ tại đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh: ND

Đến với đảo chìm Đá Tây B, cả đoàn đã lên thăm hỏi, trao quà và động viên các cán bộ, chiến sĩ cũng như tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ trên đảo. Tại đây, những tiết mục sôi nổi do Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương tại Hà Nội chủ trì đã khiến không khí tại đây trở nên vui tươi, nhộn nhịp, sôi động khác hẳn ngày thường.

Chị Võ Thị Diện, Việt kiều Đức cho biết, vô cùng xúc động trước tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ tại các điểm đảo. “Trước đây, chúng tôi chỉ nghe về Trường Sa qua sách báo, mạng internet. Qua chuyến đi này, chúng tôi được trực tiếp chứng kiến sức sống mãnh liệt của Trường Sa dưới sự khắc nghiệt của thời tiết. Đặt chân đến Trường Sa, chúng tôi ngạc nhiên bởi cơ ngơi, vật chất khang trang tại các điểm đảo, khác xa với những tưởng tượng trước đó. Chúng tôi mang theo những tình cảm của bà con người Việt tại Đức gửi tới cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tại Trường Sa và nhà giàn DK1” - chị Diện cho biết thêm.

Một điều đặc biệt là gần như trong đoàn ai cũng chuẩn bị cho mình một lá cờ đỏ sao vàng năm cánh của Tổ quốc, để khi lên mỗi điểm đảo nhà giàn đều xin được đóng dấu lên những lá cờ đó để mang về làm kỷ niệm, cũng như khoe với mọi người về các cột mốc chủ quyền trên biển Đông đã được ghi nhận trên lá cờ Tổ quốc đầy tự hào và thiêng liêng.

Trên đảo Trường Sa lớn, trung tâm của huyện đảo Trường Sa, dưới lá cờ đỏ sao vàng, cả đoàn đã thực hiện nghi lễ chào cờ thiêng liêng. Sau đó là các hoạt động lễ chùa, giao lưu văn nghệ, thăm hỏi các gia đình người dân cũng như chiến sỹ trên đảo…

Đến với Giỗ Tổ Hùng Vương

Cảm kích trước vất vả, gian nan cũng như những khó khăn mà cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1, Thượng tá Đoàn Đức Thắng, Chánh Thanh tra Công an TP Hà Nội xúc động kể lại phút giây khiến anh phải nghẹn ngào khi lên trên nóc nhà giàn, gặp người chiến sĩ đang đứng gác trên đó, và nghẹn ngào ôm nhau, rưng rưng nước mắt một hồi lâu.

Trên chuyến hải trình lần này, tàu 571 còn làm thêm một nhiệm vụ khẩn cấp là chở ngư dân Đỗ Văn Hải - là lao động trên tàu cá BTh 99197 TS của tỉnh Bình Thuận - bị tai nạn lao động. Ngư dân đã được tiếp nhận và cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa) vào ngày 18/4. Lực lượng quân y trên đảo đã tiến hành cấp cứu, cán bộ của đảo đã hiến máu để cứu chữa cho ngư dân, nhờ đó, sức khoẻ bệnh nhân dần phục hồi và ổn định.

Cũng ngay chính trên hải trình quay trở về Cảng Cam Ranh, tình đồng bào được phát huy khi cả đoàn đã ủng hộ ngư dân Đỗ Văn Hải bị nạn với số tiền gần 40 triệu đồng. Qua đó, cũng giúp đỡ anh Hải vơi bớt phần khó khăn đang gặp phải để yên tâm điều trị.

Nhà giàn DK1/16 Phúc Tần - cột mốc chủ quyền Tổ quốc giữa biển khơi. Ảnh: ND

Qua cuộc trò chuyện với nhiều kiều bào, được biết ngay khi tàu cập cảng, họ tiếp tục lên các chuyến bay đã đặt trước để bay ra Hà Nội, rồi từ đó đi lên Phú Thọ dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào dịp 10/3 Âm lịch.

Trưởng đoàn Công tác, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân cho biết: Trong tình hình hiện nay, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngoài sự nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, rất cần sự quan tâm, động viên, giúp đỡ kịp thời của các cấp ban, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp và kiều bào ta ở nước ngoài… Qua đó, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thông qua chuyến thăm, bà con kiều bào được hiểu thêm về tình hình biển, đảo Tổ quốc, qua đó, thắt chặt hơn nữa tình quân dân, tình cảm giữa kiều bào với nhân dân trong nước, nâng cao hơn nữa tình yêu quê hương, đất nước.

“Trở về đất liền, Quân chủng Hải quân mong muốn từng thành viên trong đoàn công tác sẽ là những báo cáo viên, kịp thời tuyên truyền rộng rãi cho đồng chí, đồng nghiệp, người dân ở trong và ngoài nước hiểu sâu hơn về bộ đội Hải quân, về biển đảo Việt Nam, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Bộ Quốc phòng trong sự nghiệp quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” - Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng mong muốn.

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2012-2022, bà con kiều bào đã đóng góp ủng hộ đóng một số xuồng chủ quyền, xây dựng một số công trình tại các điểm đảo, mua hiện vật và nhu yếu phẩm gửi tặng các điểm đảo, nhà giàn DK1 (tổng số tiền ủng hộ khoảng 26,8 tỉ đồng). Trong hành trình lần thứ 10 hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, kiều bào tại nhiều địa bàn đã và đang tiếp tục đóng góp nguồn kinh phí quan trọng để hỗ trợ Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” do Bộ Tư lệnh Hải quân phát động, trao quà tặng là những hiện vật thiết yếu hỗ trợ đời sống, công tác của quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quảng Ninh: Kiểm tra hơn 9.200 đảng viên, 2.200 tổ chức Đảng

Quảng Ninh: Kiểm tra hơn 9.200 đảng viên, 2.200 tổ chức Đảng

(Thanh tra) - Năm 2024, cấp ủy các cấp trong tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra trên 9.200 đảng viên, 2.200 tổ chức Đảng; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai 3 cuộc kiểm tra đối với cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy; Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp đã tiến hành kiểm tra 147 đảng viên, 40 tổ chức Đảng khi có dấu hiệu vi phạm.

Trọng Tài

19:20 12/12/2024
Thanh Hóa: Khắc phục tình trạng cấp GCNQSDĐ để lấy lại niềm tin trong Nhân dân

Thanh Hóa: Khắc phục tình trạng cấp GCNQSDĐ để lấy lại niềm tin trong Nhân dân

(Thanh tra) - Trước tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tồn đọng nhiều gây bức xúc trong Nhân dân, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức phiên giải trình về tình hình cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh và yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục để lấy lại niềm tin từ phía người dân.

Văn Thanh

18:47 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm