Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hướng dẫn xử lý ổ dịch, cập nhật chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue

Kim Thành

Thứ năm, 20/06/2024 - 15:05

(Thanh tra) - Ngày 20/6, Sở Y tế Hải Phòng tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) năm 2024 cho gần 200 cán bộ, nhân viên y tế đến từ các bệnh viện, trung tâm y tế các quận/huyện, phòng y tế các quận/huyện trên địa bàn TP.

Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Thục phát biểu. Ảnh: KT

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Thục cho biết: Trước tình hình dịch bệnh SXHD đang có diễn biến phức tạp trên cả nước, cũng như tại TP Hải Phòng, để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế đề nghị các trung tâm y tế, phối hợp các phòng y tế các quận/huyện bám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu UBND các quận/huyện có giải pháp phòng, chống dịch cụ thể phù hợp với từng địa phương; rà soát vật tư hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch; xây dựng phương án ứng phó với tình hình dịch SXHD có diễn biến xấu.

Tại hội nghị, các đại biểu được cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh SXHD trên địa bàn TP; hướng dẫn quy trình giám sát bệnh, xử lý ổ dịch; cập nhật chẩn đoán, điều trị, dự phòng bệnh SXHD.

Thạc sỹ, bác sỹ Phan Hồng Hải, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cho biết thông tin dịch SXHD: Tại Hải Phòng, tính đến 15/6/2024 ghi nhận tổng số 1.032 ca mắc, tăng gấp 12,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Số ca mắc tăng nhanh từ tuần thứ 22 trở lại đây. Số mắc tập trung tại Lê Chân (646 ca), Hải An (169 ca), Ngô Quyền (73 ca). Có 154 ca có dấu hiệu cảnh báo (tỷ lệ 15%). Chưa ghi nhận ca tử vong do SXHD. Toàn TP có 131 ổ dịch, nhiều ổ dịch kéo dài, có số ca mắc lớn (>10 bệnh nhân), thời tiết như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh SXHD phát triển. Trong khi hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên biện pháp phòng bệnh SXHD chủ yếu là diệt muỗi.

Bệnh SXHD có thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 3 - 14 ngày, trung bình là 5 - 7 ngày. Bệnh nhân nguồn lây bệnh trong thời kỳ có sốt, nhất là 5 ngày đầu của sốt. Muỗi bị nhiễm vi rút thường 8 - 12 ngày sau hút máu có thể truyền bệnh và truyền bệnh suốt đời. Bệnh có thể xuất hiện và lây lan ở nơi đông dân cư tập trung, dân cư sống chen chúc và số người cảm thụ cao; vùng có vệ sinh môi trường kém; quá trình đô thị hoá và di dân...

Các ca bệnh phải tiến hành giám sát là các ca bệnh sống hoặc đến từ vùng có bệnh SXHD lưu hành trong vòng 14 ngày. Sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 - 7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau: Biểu hiện xuất huyết ở nhiều mức độ, nghiệm pháp dây thắt dương tính, chấm/mảng xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn; da xung huyết, phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; vật vã, lừ đừ, li bì; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan. Ca bệnh được xác định là ca bệnh được chẩn đoán xác định bằng kỹ thuật Elisa (phát hiện IgM hoặc NS1) hoặc phân lập vi rút hoặc xét nghiệm PCR.

Phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.

Các trường hợp xem xét chỉ định nhập viện: Sống một mình; nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng; gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; thừa cân, béo phì; phụ nữ có thai; người lớn tuổi (≥60 tuổi); bệnh mạn tính đi kèm các bệnh thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm