Ông Đào Tiến Chung - Chủ tịch UBND xã Hải Lựu, Trưởng ban Tổ chức cho biết, nét mới của lễ hội chọi trâu Hải Lựu năm 2023 là chỉ có 20 “ông cầu” từ các thôn, làng trong xã tham gia, đúng phong tục ngày xưa, thay cho 32 “ông cầu” như các năm trước đây.

20 “ông cầu” được chia làm 12 kháp đấu vòng loại, “ông cầu” nào thắng được vào tiếp vòng trong thi đấu cho đến trận chung kết. Các “ông cầu” tham gia lễ hội năm nay có đội tuổi từ 11 - 12 tuổi.

Ở xã Hải Lựu, những trâu tham gia lễ hội chọi trâu sẽ được gọi là "ông cầu". Lý giải về cái tên này, những người dân Hải Lựu cho hay: "Cầu ở đây là cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cầu cho quốc thái dân an…". Đó là lý do tại sao những "ông cầu" này phải được tuyển chọn rất kỹ từ nhiều địa phương trong nước. Thậm chí nhiều chủ trâu phải di chuyển sang những nước lân cận để có thể tìm được “ông cầu” ưng ý.

Ngoài ra, những "ông cầu" này cũng cần đáp ứng đủ những yêu cầu từ việc chọn sừng, chọn khoáy đến màu da, móng chân, lông, mắt… đều phải hết sức tỉ mỉ để có thể tham gia chọi.

leftcenterrightdel
Những đòn đánh hiểm của "ông cầu" số 05. Ảnh: TQ 

Theo ghi nhận của PV, 12 kháp đấu diễn ra trong sáng nay khá hấp dẫn. Các “ông cầu” đã thể hiện được bản lĩnh với những miếng đánh hay, đánh hiểm để giành chiến thắng. Đáng chú ý là kháp đấu giữa “ông cầu" số 06 và “ông cầu” số 02; “ông cầu” số 05 và “ông cầu” số 09 đã để lại cho du khách nhiều ấn tượng trong lối đánh, gan dạ, dũng mãnh.  

Để đông đảo du khách có điều kiện tham gia, Ban Tổ chức không tổ chức bán vé, thu tiền vào lễ hội. Mọi khoản chi phí phục vụ lễ hội được sử dụng nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, cá nhân và nhà hảo tâm.

Để lễ hội chọi trâu Hải Lựu 2023 diễn ra trang trọng, hiệu quả, phù hợp với quy mô, nội dung lễ hội, UBND huyện Sông Lô phối hợp cùng các cơ quan chức năng đang triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp: Đảm bảo an ninh, trật tự; an toàn xã hội; phòng chống cháy nổ; an toàn giao thông; an toàn sới chọi; vệ sinh môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Ban Tổ chức yêu cầu các chủ trâu chọi thực hiện nghiêm quy định giết mổ gia súc; thực hiện niêm yết công khai giá bán thịt trâu…

leftcenterrightdel
 Rất đông du khách đến với lễ hội. Ảnh: TQ 

Có nhiều câu chuyện lý giải nguồn gốc của lễ hội chọi trâu truyền thống ở Bạch Lưu, Hải Lựu, Sông Lô. Tương truyền, lễ hội chọi trâu đã có từ thế kỷ II trước công nguyên, khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của con cháu Triệu Đà khiến triều đình nhà Triệu bị tan tác. Lúc ấy thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia đã lui binh về vùng núi Hải Lựu, sông Lô để tổ chức kháng chiến. Điều đáng ghi nhận là cứ sau mỗi trận thắng, ông lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ. Trâu sau khi chọi đều được đem mổ thịt để khao quân. Khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu đã tôn ông làm thành hoàng làng và hội chọi trâu vẫn được duy trì như một hình thức tiếp nối truyền thống anh hùng của các bậc tiên nhân.

Lại có một truyền thuyết khác cho rằng, một buổi sớm mai, bên bến sông Lô thuộc xã Hải Lựu, huyện Sông Lô ngày nay, có người đã trông thấy hai con trâu trắng đánh nhau túi bụi rồi cùng nhảy xuống dòng sông biến mất. Từ đó dân làng gọi bến sông này là bến Ảnh, làng cũng được gọi là làng Bạch Ngưu (trâu trắng) và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu từ đó.

leftcenterrightdel
Những "ông cầu" thua trận sẽ được mổ thịt phục vụ du khách. Ảnh: TQ

Trước kia lễ hội vẫn diễn ra vào ngày 17 tháng Giêng Âm lịch nhưng từ năm 1947, do nhiều nguyên nhân, trong đó có cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp khốc liệt, lễ hội chọi trâu bị gián đoạn trong một thời gian dài, mãi tới năm 2002 mới được khôi phục. Do sức hấp dẫn của lễ hội đã thu hút ngày càng đông khách thập phương nên từ năm 2004, Ban Tổ chức đã cho kéo dài lễ hội trong hai ngày 16 và 17 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.

Theo chương trình, ngày mai 7/2, tức 17 tháng Giêng, lễ hội sẽ diễn ra 7 kháp đấu để tìm ra "ông cầu" vô địch năm 2023.

Trần Quý