Bảo tàng Đắk Lắk (tiền thân là Nhà Truyền thống tỉnh Đắk Lắk) được thành lập năm 1977, nhằm thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy Đắk Lắk về việc xúc tiến công tác bảo tồn, bảo tàng để lưu giữ, giới thiệu và giáo dục những giá trị lịch sử, văn hoá của các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đến với công chúng trong và ngoài nước.

Theo thông tin được công bố bởi Bảo tàng Đắk Lắk, lúc mới thành lập, Nhà Truyền thống tỉnh Đắk Lắk mới chỉ tập hợp được khoảng 500 hiện vật.

Đến năm 1984, được sự giúp đỡ của giáo viên và các sinh viên Khoa Bảo tàng, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Nhà Truyền thống được tổ chức trưng bày lại với quy mô và chất lượng hơn.

Năm 1990, Nhà Truyền thống được đổi tên thành Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Bảo tàng Đắk Lắk).

Năm 1995, Bảo tàng Đắk Lắk được công nhận là bảo tàng hạng II.

Tháng 10/2004, Bảo tàng Đắk Lắk là một trong 5 bảo tàng Việt Nam được xây dựng với sự hợp tác của các chuyên gia về bảo tàng học của Cộng hòa Pháp và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong khuôn khổ Dự án Phát huy di sản bảo tàng Việt Nam (gọi tắt là Dự án FSP) với dạng viện trợ không hoàn lại. Mục đích của dự án nhằm nâng cao phần trưng bày hiện vật và cải thiện công tác đón tiếp khách tham quan theo chuẩn mực chất lượng quốc tế.

Đầu năm 2014, Bảo tàng Đắk Lắk gia nhập Hội đồng Bảo tàng quốc tế (ICOM). Cũng trong năm 2014, Bảo tàng Đắk Lắk được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận là bảo tàng hạng I.

Hiện nay, Bảo tàng Đắk Lắk đang lưu giữ hơn 10.000 hiện vật, được bố trí thành 3 khu vực chính: Văn hóa dân tộc, lịch sử và đa dạng sinh học.

leftcenterrightdel
 Trưng bày về văn hóa cồng chiêng. Nguồn ảnh: Bảo tàng Đắk Lắk

Tại không gian trưng bày về văn hóa dân tộc, các hiện vật đã khắc họa rõ nét những giá trị văn hóa của các dân tộc đang quần cư sinh sống tại Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Trong đó, không gian văn hóa cồng chiêng được thể hiện một cách nổi bật, đậm nét.

Về không gian lịch sử, các hiện vật tại bảo tàng khắc họa quá khứ hào hùng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đồng thời, tái hiện lại toàn cảnh về lịch sử phát triển và các giá trị văn hóa của con người vùng cao nguyên từ thời kỳ đồ đá cho đến ngày nay.

Các hiện vật tại Bảo tàng Đắk Lắk còn thể hiện sự đa dạng sinh học, về nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của vùng đất Tây Nguyên. Đó là những vùng đất đỏ bazan rộng lớn màu mỡ; là những dòng sông, ngọn thác hùng vĩ và cả những cánh rừng bạt ngàn.

Tại Bảo tàng Đắk Lắk, ngoài việc giới thiệu bằng tiếng Việt và các ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, còn sử dụng tiếng Ê đê, vì đây là ngôn ngữ của nhóm dân tộc có dân số đông nhất và có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo trên địa bàn tỉnh.

Ngoài việc tham quan, tìm hiểu thì du khách đến Bảo tàng Đắk Lắk còn có thể được tham gia vào các chương trình trải nghiệm như đan lát, dệt thổ cẩm… Được hòa mình vào không gian văn hóa, tái hiện đời sống của người dân nơi đây.

Không chỉ đặc sắc về hệ thống hiện vật và phương pháp trưng bày tiên tiến, Bảo tàng Đắk Lắk còn gây ấn tượng bởi kiến trúc độc đáo, mang phong cách hiện đại kết hợp với kiến trúc truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Thu Huyền - Nhật Tường