Ngay sau khi Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 17/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện nghị quyết; tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc.

Một số địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh huy động các nguồn xã hội hóa từ cộng đồng, doanh nghiệp để thực hiện. Tập trung nguồn lực cho các điểm du lịch đặc trưng gắn với phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhờ vậy, một số điểm du lịch đã phát huy được lợi thế, trở thành điểm du lịch hấp dẫn như bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu của Việt Nam năm 2019”, là 1 trong 4 điểm du lịch của cả nước vinh dự được trao “Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3” do khối ASEAN vinh danh tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại Indonesia.

Công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được triển khai thực hiện hiệu quả. Đến nay đã có 104 di sản, lượt di sản của 13 dân tộc cư trú thành cộng đồng được bảo tồn; nhiều lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như trò chơi kéo co trong nghi lễ dân tộc Thái, lễ Tủ Cải dân tộc Dao, lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông, nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lự.

Một số loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như nghệ thuật múa xòe và then dân tộc Thái. Các thiết chế văn hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư; nhiều đội văn nghệ thôn bản, câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, không gian văn hóa trong trường học được xây dựng, duy trì thường xuyên.

Phong trào văn hoá, văn nghệ trong quần chúng nhân dân không ngừng phát triển, người dân chủ động, tích cực tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ với 975 đội văn nghệ thôn bản; 946 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ, giao lưu văn hoá, văn nghệ của nhân dân góp phần thực hiện bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc.

Đến nay, lượng khách du lịch đến Lai Châu ngày càng được mở rộng và đạt tốc độ tăng trưởng cao. Tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch trong và ngoài tỉnh như: Tuần Văn hóa du lịch Lai Châu tại Hà Nội; Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu năm 2021; Tuần Văn hóa du lịch Lai Châu tại Thành phố Hồ Chí Minh; Hội chợ Sâm Lai Châu; Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I…

Đồng thời, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá, xúc tiến điểm đến Lai Châu với các hãng lữ hành, du khách trong nước và quốc tế; ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong nước. Các loại hình du lịch văn hóa, cộng đồng phát triển nhanh, du lịch mạo hiểm, chinh phục, khám phá từng bước phát triển.

Sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết, các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết được tập trung triển khai thực hiện, bước đầu đạt được những kết quả tích cực, đa số các chỉ tiêu đều đạt trên 50%, một số chỉ tiêu đã đạt và vượt cao như: Bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đạt 100%; xây dựng bản du lịch cộng đồng ASEAN đạt 100%; giai đoạn 2021 - 2023 tổng lượt khách ước đạt gần 2 triệu lượt người, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 39,6%/năm (cao hơn mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra là 19,6%); tổng doanh thu từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 51,36% so với mục tiêu của Nghị quyết đề ra.

Bà Lê Thị Kim Ngân, Phó Bí thư Huyện ủy Than Uyên cho biết, những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở quan tâm thực hiện.

Một số lễ hội dân gian truyền thống tiêu biểu của dân tộc đã được triển khai phục dựng thành công, như: Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông; Lễ hội Mừng Cơm mới của dân tộc Khơ Mú; Lễ hội Kin Pang của dân tộc Thái Đen; Lễ hội Hạn Khuống của dân tộc Thái... Việc khảo sát, đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch đã bước đầu hình thành một số sản phẩm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút du khách đến thăm quan, tìm hiểu và trải nghiệm.

Sau 2,5 năm thực hiện, một số mục tiêu, chi tiêu đạt và vượt so với kế hoạch như: Khôi phục lễ hội, tổ chức truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian; phục dựng không gian văn hoá theo kiến trúc truyền thống của 4 dân tộc Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, tổng lượt khách du lịch đến với huyện vượt kế hoạch đề ra…

Có thể nói, Nghị quyết về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã từng bước đi vào cuộc sống. Nhờ vậy, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là phát triển du lịch, góp phần vào việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

Bùi Bình