Giọng thầy Mo dõng dạc vang lên, xua tan cái rét, vén tung màn sương trắng muốt bao trùm bản làng Mường Lúm, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, lên khỏi ngọn núi trước bản, làm cho không khí lễ hội thêm rộn ràng, ấm ấp.

Sau nghi lễ mời Pó Then trên trời và linh hồn các thầy Mo đã quá cố về dự lễ hội, thầy Mo ban lộc, phát thuốc cho các Lúc May (người bệnh) và mọi người dân.

Lời thầy Mo chậm rãi, ấm áp: “Ta chúc cho trai tráng khỏe đôi tay, vững đôi chân để phát được nhiều nương rẫy, mắt sáng như sao để muông thú trong rừng phải sợ nhé. Ta cầu cho tất cả dân bản được mạnh khỏe, binh yên và hạnh phúc nữa nhé.”

leftcenterrightdel
 Sau lễ cúng thần linh, thầy Mo phát thuốc, ban lộc cho các Lúc May và người dân Mường Lúm. Ảnh: Hồng Bài 

Ông Lò Viết Xuân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số xã Yên Thắng kể rằng, xưa kia ở bản làng Mường Lúm đất đai cằn cỗi, hạn hán kéo dài, người dân đói khổ, vất vả, ma quỷ quấy phá. Người Thái đen Mường Lúm thường xuyên bị ốm đau, dịch bệnh triền miên, không có thuốc để chữa bệnh.

Người Thái đen quan niệm, người trần gian không có phương sách nào để thoát khỏi ám hại của ma tà, dịch bệnh. Vì vậy đồng bào dân tộc Thái đen Mường Lúm đã cử người lên Mường Trời cầu cứu Pó Then.

Lời cầu cứu của người Mường Lúm đã làm Pó Then động lòng thương xót và mở cổng trời cho quân lính, thần y xuống trần gian diệt trừ tà ma, chữa bệnh cứu giúp dân làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lúa đầy bồ, khoai sắn đầy sân, bản làng yên ấm.

leftcenterrightdel
Các Lúc May cùng nhau múa hát vòng quanh cây bông, tỏ lòng biết ơn Mường Trời và vui đón một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Ảnh: Hồng Bài 

Con người Mường Lúm được Pó Then cứu sống, tổ tông người Thái đen đã cử những người có khả năng hành nghề lần theo sợi lụa lên Mường Trời tạ ơn và xin học bí quyết trừ tà ma, diệt quỷ.

Được Pó Then đồng ý và chuyền cho những bí quyết, phương thuốc chữa bệnh. Từ đó cứ vào tháng 9 tháng 10 hàng năm đồng bào dân tộc Thái đen ở Mường Lúm lại tổ chức Lễ hội Chá Mùm để tạ ơn Pó Then. Lễ vật cúng gồm có: Trầu cau, quả, xôi, gà, gạo, muối, bánh gai, rượu.

Theo đó, trung tâm của lễ hội là cây bông (booc may). Cây bông được đặt ở giữa sân. Gần cây bông đặt hai vò rượu cần, một vò cắm 4 cân dành cho Mo chủ mời ông Then, một chĩnh 8 cần mời khách đến dự lễ hội. Trên cây bông trưng bày đủ các loài hoa, chim muông, cá ếch, voi, ngựa, thuyền bè.

leftcenterrightdel
Sau phần lễ, đến phần hội. Khi tiếng cồng, tiếng trống, tiếng nhạc cụ vang lên… Ảnh: Hồng Bài 

Sau phần lễ là phần hội, tiếng chiêng cái, trống cái (chiêng, trống to) vang lên ngân dài loan báo các Lúc May (con bệnh được Mo Mùm cứu chữa), thôi thúc mời gọi khách đến dự lễ hội cùng cất vang lời ca tiếng hát, cùng nắm tay nhau bước vào vòng múa khăn quanh cây bông, vòng xòe, nhảy sạp.

leftcenterrightdel
 Đồng bào Thái đen Mường Lúm cùng khách dự lễ hội nắm tay nhau nhảy sạp, múa hát. Ảnh: Hồng Bài
leftcenterrightdel
 

Lễ hội Chá Mùn, Mường Lúm chứa đựng cả văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể. Văn hóa phi vật thể toát lên từ các câu từ, âm nhạc, điệu múa, phản ánh sự tương tác giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Thông qua lễ hội, người dân gửi gắm những ước nguyên lớn lao về cuộc sống bình yên, ấm no, đồng thời là dịp để mọi người giao lưu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vun đắp nên những nét đẹp trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng cũng như lối ứng xử thân thiện, mến khách, tạo nên một sắc thái văn hóa đặc sắc, khơi dậy niềm tự hào truyền thống văn hóa, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó góp phần giáo dục ý thức trách nhiệm cho các thế hệ trẻ trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam.

Theo cán bộ Phòng Thông tin huyện Lang Chánh cho biết: Lễ hội Chá Mùn xã Yên Thắng là một trong những lễ hội văn hóa tín ngưỡng của người Thái đen. Lễ hội còn là dịp để đồng bào các dân tộc cùng hội tụ giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, khơi dậy niềm tự hào truyền thống văn hóa, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong thời gian tới, huyện Lang Chánh tiếp tục chỉ đạo xã Yên Thắng tổ chức Lễ hội Chá Mùn, nhằm giáo dục ý thức, trách nhiệm cho các thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa của ông cha. Đồng thời đưa lễ hội này trở thành sản phẩm du lịch tâm linh độc đáo của huyện Lang Chánh, thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan và trải nghiệm…

 

Nguyễn Hồng Bài