Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối nước - thương hiệu văn hóa Việt

Nguyễn Nhài

Thứ năm, 30/11/2023 - 22:23

(Thanh tra)- Rối nước Hồng Phong (Ninh Giang, Hải Dương) là một trong số ít những phường rối nghiệp dư vẫn còn hoạt động và được kết nạp vào Hiệp hội Múa rối nước Việt Nam (UNIMA) năm 1994. Tuy nhiên, múa rối nước Việt Nam nói chung, các phường rối nhỏ lẻ nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức lớn, cần có định hướng và giải pháp phát triển lâu dài.

Thủy đình của phường múa rối nước Hồng Phong. Ảnh: Nguyễn Nhài

Thực trạng múa rối nước

Múa rối nước là sân khấu nghệ thuật đặc sắc của văn hóa lúa nước, được xem là môn nghệ thuật “độc nhất vô nhị” trong các loại hình nghệ thuật dân gian.

Múa rối nước Hồng Phong được ra đời từ những năm cuối thế kỷ 17 thời Hậu Lê, xuất phát từ nhu cầu muốn ghi lại tất cả phong tục tập quán, tự do tín ngưỡng… nhằm mua vui trong những lúc nông nhàn.

Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, khách du lịch cũng đến ít dần. Theo ông Phạm Văn Tòng (66 tuổi), Trưởng phường Nghệ thuật Múa rối nước Hồng Phong: “Hầu như năm 2020, 2021 là vắng bóng, không có khách mấy. Mặc dù trước kia một năm có thể là 3.000 - 4.000 khách nước ngoài tham quan, tương đương với 200 - 250 ca biểu diễn. Sang năm 2023 cũng bị trống mất 4 tháng và mới phục hồi gần đây với khoảng 2.000 khách nước ngoài và gần 3.000 khách nội địa. Ngoài ra, đoàn còn đi biểu diễn ở một số nơi”.

Hiện nay, nhiều phường rối cũng lo lắng tình trạng kép về nguồn nhân lực: Vừa không có lực lượng nghệ sĩ với chuyên môn bài bản, đào tạo qua trường lớp mà còn tồn tại tình trạng già hóa lứa tuổi kế cận.

Nghệ nhân Phạm Văn Tòng cho rằng, thu nhập quá ít, không đảm bảo được cuộc sống hiện tại. Vì vậy mà lớp trẻ không có, chủ yếu là cao niên, thế hệ trẻ nhất là U50. Thanh niên mặc dù có nhiều người yêu văn hóa nghệ thuật nhưng vì thu nhập kinh tế thấp nên cũng khó theo nghề.

Chia sẻ trong cuộc hội thảo về thực trạng nghệ thuật múa rối nước hiện nay và hướng bảo tồn, phát huy nghệ thuật này do Nhà hát Múa rối Việt Nam tổ chức, về việc đào tạo diễn viên chuyên ngành múa rối nước, bà Ngô Thanh Thủy, Giám đốc Nhà hát Múa rối nước Việt Nam chỉ ra sự vô lý lâu nay trong đào tạo diễn viên ngành này. Đến bây giờ vẫn chưa có một cơ sở, một tổ chức nào nghiên cứu nghiêm túc về bộ môn múa rối nước để có một chương trình đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.

Đau đáu lửa “giữ nghề”, ông Nguyễn Đức Thiện là một trong những nghệ nhân múa rối nước đã có 25 năm gắn bó với phường Múa rối nước Hồng Phong chia sẻ: “Đã thiện chí vào nghề múa rối nước là để giữ gìn bản sắc văn hóa của cha ông không bị mai một. Mặc dù nghề này không có lương, thu nhập thấp và bận rộn việc sản xuất của gia đình tôi cũng vẫn hoạt động văn hóa sôi nổi, không thể bỏ được. Vì vậy mà tư tưởng cũng như tâm trí gắn bó với nghề và yêu nghề là rất cần ở một người nghệ nhân”.

Thu nhập của múa rối nước cũng không được Nhà nước hay xã, huyện bảo trợ mà chủ yếu là do phường thực thanh, thực chi. Chỉ được sự động viên về tinh thần, rất ít sự động viên bằng vật chất nên tồn tại rất kham khổ, hạn chế cùng với phương thức hoạt động nhỏ hẹp, kinh tế độc lập.

Đối với đoàn rối nước nghiệp dư như Hồng Phong nói riêng và một số đoàn trong tỉnh Hải Dương nói chung, việc duy trì chỉ là giữ văn hóa, giữ đốm lửa để lưu truyền cho thế hệ sau, chứ không làm kinh tế được.

“Cơ sở vật chất nghèo nàn, phương tiện âm thanh, ánh sáng để phục vụ còn đơn giản, sơ sài không được như các nhà múa rối nước Trung ương dẫn đến lòng nhiệt tình của người diễn viên cũng không được cao. Kỷ luật không nghiêm, không có gì ràng buộc. Đối với cơ chế của Nhà nước, họ có các điều khoản, quy chế áp dụng nhưng mình không áp dụng được. Vì vậy dẫn đến tình trạng muốn không được, mong không đến”, ông Tòng nói thêm.

Ông Tòng ngày đêm nghiên cứu về giá trị văn hóa dân gian truyền thống. Ảnh: Nguyễn Nhài

Để đưa nghệ thuật múa rối nước phát triển, Nhà nước cũng chỉ đạo đưa nghệ thuật múa rối đương đại vào. Tuy nhiên, để làm một tiết mục, chưa nói là một tiểu phẩm (là phải xâu chuỗi 2 - 3 trò tạo thành một tiểu phẩm) là rất khó.

Ông Tòng chia sẻ: “Nghệ thuật không như con người thật. Con người cởi áo ra thay áo vào là đóng được người mới, vai mới ngay. Nhưng với rối nước, con rối được làm bằng gỗ, hình hài đục có sẵn, không thay đổi được quần áo hay nét mặt. Vậy nên mới nói rối nào thì trò ấy. Sắm lại từ con rối, đạo cụ, phong cách biểu diễn, lời dẫn… kéo theo một loạt chi phí chứ không phải chúng tôi không làm được”.

Trong khi đó, công tác tuyên truyền và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như các cấp địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu về trang thiết bị, cơ sở vật chất, chưa nói đến con người. Đó cũng chính là nguyên nhân cơ bản khiến múa rối nước dân gian chưa được công chúng ưa chuộng.

Bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối nước

“Những năm gần đây, do khổ luyện thành tài, chịu khó tìm hiểu và đi liên hệ nên phường múa rối nước Hồng Phong được khách quốc tế biết đến nhiều hơn. Mỗi năm vài nghìn lượt khách tham quan, đồng thời là chiêm ngưỡng múa rối nước Hồng Phong. Dù thu nhập có ít nhưng tiếng vang đi thế giới là rất lớn”, nghệ nhân Nguyễn Đức Thiện chia sẻ đầy tự hào.

Ông Nguyễn Văn Không (50 tuổi), Đảng ủy viên, công chức văn hóa - xã hội phụ trách văn hóa thông tin thể thao xã Hồng Phong cho hay: “Gần đây, huyện cũng có tiêu chí bảo tồn văn hóa, muốn đưa giáo dục văn hóa vào trường học, động viên giáo dục đưa các cháu mầm non, học sinh tiểu học đến trung học cơ sở đến tham quan, khảo sát và tìm hiểu nét văn hóa của quê hương”.

Ông Nguyễn Văn Không tích cực trong công tác văn hóa của xã Hồng Phong. Ảnh: Nguyễn Nhài

Muốn nghệ thuật múa rối nước có thể tồn tại và phát triển theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, ông Không cho rằng cần phải có sự tập trung, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Các tổ chức chính trị - xã hội cần quan tâm đặc biệt đến các môn nghệ thuật trong đó có múa rối nước dân gian. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh con người, loại hình múa rối nước trên các kênh thông tin đại chúng.

Ngoài ra, việc mở rộng mối quan hệ và tạo liên kết trong và ngoài nước là cực kỳ quan trọng để thúc đẩy múa rối nước và đưa nó đến gần với đông đảo khán giả hơn.

Bên cạnh đó, việc đổi mới, xây dựng kịch bản mới và tạo ra tích trò phù hợp với xu hướng hiện đại là rất cần thiết. Quá trình này không chỉ là việc làm cho múa rối nước đáp ứng được nhu cầu giải trí mới mà còn là cách để giữ gìn bản sắc và giá trị cốt lõi của nghệ thuật truyền thống.

Múa rối nước dân gian đang đứng trước nhiều thách thức lớn với nguy cơ bị mai một do sự phát triển hiện đại của khoa học công nghệ và nhu cầu giải trí mới trong thời đại 4.0. Vì thế việc bảo tồn và phát triển múa rối nước đòi hỏi sự chung tay góp sức không chỉ của cá nhân hay những người trong ngành. Sự hỗ trợ và quan tâm từ các tổ chức, Chính phủ và cả người dân địa phương đều rất cần thiết. Như vậy, múa rối nước mới thực sự xứng đáng với là một loại hình nghệ thuật đặc sắc với lịch sử và giá trị văn hóa kéo dài hàng trăm năm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nhà báo Phạm Quốc Cường ra mắt tập thơ thứ 8 'Bóng Tình'

Nhà báo Phạm Quốc Cường ra mắt tập thơ thứ 8 'Bóng Tình'

Tác giả Phạm Quốc Cường ra mắt tập thơ thứ 8, có tựa đề: 'Bóng Tình' với một sự cảm nhận về nhân tình thế thái, mối giao hòa cảm xúc giữa con người với con người, con người với cỏ cây hoa lá, con người với trời đất bao la mênh mông của vũ trụ...

Theo Minh Trang/PLVN

12:57 14/01/2025
Hải Phòng: Vinh danh các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu năm 2024

Hải Phòng: Vinh danh các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu năm 2024

(Thanh tra) - Tối 11/1, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Chương trình Giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn học năm 2024, tại Nhà hát thành phố Hải Phòng.

Kim Thành

22:16 11/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm