- Nào, các bạn đến gặp có việc gì? Ta vào cuộc luôn đi - tôi mời uống cà phê.

+ Vâng, thưa bác, bọn tôi là cựu binh của Binh đoàn Trường Sơn trước đây. Năm nay, tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày Mở đường Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019). VTV phát lại nhiều lần các phóng sự về “Đường Trường Sơn huyền thoại” vào thời đã cơ giới hóa, mang lại nhiều ấn tượng sâu đậm, tự hào và xúc động lắm! Địch dùng phi, pháo đánh phá cực kỳ dữ dội, ác liệt ngày đêm không ngớt. B52 liên tục rải thảm bom dày đặc. 

Máu lửa, đạn bom, khói bụi mù mịt ngút trời mà đường Trường Sơn vẫn không chết, không bị cắt đứt. Các đơn vị phòng không, vận tải cơ giới, lắp đặt đường ống dẫn xăng dầu, trạm quân y phẫu thuật, thanh niên xung phong, đồng bào miền núi… vẫn hiên ngang vượt qua vô vàn gian khổ, hy sinh; vô cùng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo; chi viện đắc lực, hiệu quả, kịp thời cho tiền phương. Đường Trường Sơn thời hoa lửa mãi là một thiên anh hùng ca kỳ vĩ. 

Bác có nhớ không? Cách đây 20 năm, tháng 5/1999, kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống của Binh đoàn, trong một cuộc họp mặt thân mật, Thiếu tướng Võ Sở giới thiệu bác là bạn đồng hương Quảng Ngãi chung vui, đọc bài thơ "Tình em" được nhạc sỹ Huy Du phổ nhạc và nói chuyện về hoàn cảnh ra đời hai bài thơ bác viết về người giao liên Trường Sơn. Bác là người đầu tiên làm thơ về người giao liên Trường Sơn. Con đường Trường Sơn thời cơ giới hóa, đã được văn học nghệ thuật đề cập nhiều. 

Bọn tôi đến gặp bác là có ý định thu thập tư liệu làm một sự việc gì đó về thuở sơ khai ban đầu xoi con đường mòn xuyên đại ngàn Trường Sơn mang tên Bác Hồ kính yêu cùng với vẻ đẹp thầm lặng, giàu chất nhân văn cao quý của người chiến sỹ giao liên ít được nói đến…

Vào cuộc, trước tiên, tôi đề nghị ba bạn ấy nhất quyết không được giới thiệu tôi là người đầu tiên làm thơ về người giao liên Trường Sơn. Bài "Ơi người giao liên!" viết cuối năm 1961 và bài "Cô gái Trường Sơn" viết đầu năm 1962, có thể là hai trong số những bài thơ đầu tiên. Còn ai là người đầu tiên thì nên nhờ Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam thẩm định, vì đó là nơi lưu trữ tư liệu văn học đầy đủ và đáng tin cậy nhất. Cả ba bạn đều vui vẻ đồng ý, chấp thuận ý kiến tôi…

Như chúng ta đã biết, Hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève) năm 1954 đã chia cắt đất nước ta làm đôi. Với chiêu bài “Chống Cộng”, đế quốc Mỹ xâm chiếm miền Nam.

1954 - 1959, tuy là khoảng thời gian rất ngắn nhưng là quãng đường bi hùng vô kể của lịch sử nước ta. Một cuộc di cư, ly tán dân tộc lớn nhất, chưa từng có đã diễn ra. Hàng chục vạn đồng bào, cán bộ, chiến sỹ miền Nam buộc lòng phải rời xa quê hương, gia đình tập kết ra miền Bắc. Ngược lại, hàng triệu nhân dân miền Bắc, phần lớn là bà con theo Công giáo bị mê hoặc, dụ dỗ, cưỡng bức theo "Chúa vào Nam", nhằm tăng cường lực lượng cho ngụy quyền, ngụy quân, phục vụ mưu đồ đen tối, dã man của Mỹ - Diệm.

Ngô Đình Diệm ra lệnh hễ phát hiện ai là đảng viên, yêu nước, ủng hộ Việt Minh kháng chiến là xử tử ngay lập tức, không cần pháp luật, không cần tra hỏi, phán xét.

Chỉ trong vòng 5 năm ấy, hàng vạn đồng bào miền Nam ta đã bị giết chết dưới sự cai trị phản động, tàn ác của "tên đao phủ" Ngô Đình Diệm. Để hòng dập tắt ngọn lửa cách mạng, khủng bố tinh thần nhân dân, Diệm cho tổ chức những cuộc hành quyết tập thể điển hình vô cùng man rợ. Tiêu biểu như giết chết cùng một lúc hơn vài chục người ở chợ Được, ở đập Vĩnh Trinh (Quảng Nam), tàn sát cùng một lúc hơn 150 người ở Ngân Sơn, Chí Thạnh (Phú Yên), đầu độc tập thể tù nhân nhà tù Phú Lợi (Sài Gòn)… Diệm cho tiêu diệt giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, đàn áp khốc liệt Phật giáo.

Phản động và độc ác nhất là Diệm cho lùa hết nông dân vào sống tập trung trong cái gọi là “ấp chiến lược”, bao quanh nhiều hàng rào kẽm gai; hô hào, kích động ngụy quyền, ngụy quân lấp sông Bến Hải, Bắc tiến thôn tính miền Bắc…

Xã hội miền Nam ngột ngạt, nóng bỏng, đau thương, tang tóc hơn bao giờ hết, đến mức đã nổ ra cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng (Quảng Ngãi) năm 1959, cuộc Đồng khởi Bến Tre năm 1960 và cuộc tự thiêu giữa thành phố Sài Gòn của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Đức.

Không nỗi đau nào lớn hơn đất nước bị xâm chiếm, chia cắt, con người mất quyền sống tự do, tình cảm bị tách rời. Và cũng không một khát vọng nào lớn hơn là Bắc Nam sum họp một nhà để người thương về với người thương. Thời gian ấy, tâm trạng người miền Bắc là “ngày Bắc, đêm Nam” và người miền Nam là “ngày Nam, đêm Bắc”. Tâm trạng này đã đưa đến sự ra đời của các bài hát: Tình trong lá thiếp của Phan Huỳnh Điểu, Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ, Câu hò bên bờ Hiền Lương của Hoàng Hiệp, Tình ca của Hoàng Việt, Bài ca hy vọng của Văn Ký. Miền Nam đã gửi ra Bắc các bài thơ Vượt tuyến của Thanh Hải, Quê hương của Giang Nam, Tình em của Hồ Ngọc Sơn.

Tôi nhớ không chuẩn xác, Bác Hồ kính yêu đã nói đại ý: “Miền Nam là máu thịt của Việt Nam. Đất nước ta là một. Dân tộc ta là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi…”.

Không còn con đường nào khác là phải giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ngày 19/5/1959, đúng vào ngày sinh của Bác Hồ, Bộ Tư lệnh mở đường Trường Sơn được thành lập với tên gọi nôm na ban đầu là Bộ Tư lệnh “Đường giây 5-59” do cụ Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh Trưởng (sau là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). 

Người đầu tiên được giao nhiệm vụ trực tiếp mở đường Trường Sơn là cụ Võ Bẩm. Cụ Võ Bẩm là một cán bộ lão thành cách mạng, quê ở Quảng Ngãi, từng lăn lộn và am hiểu kỹ núi rừng Trường Sơn - Tây Nguyên.

Với tập bản đồ quân sự 1/25000 và chiếc la bàn, cùng bộ phận cộng sự, dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, cụ Võ Bẩm đã soi con đường mòn từ Đông Trường Sơn qua Tây Trường Sơn trên đất Trung Lào, rồi từ đó hướng về Tây Nguyên và phương Nam Tổ quốc vạch con đường mang tên Bác Hồ.

Nhiều bạn bè thân quen của tôi ở các đơn vị đặc công, bộ binh đã được bí mật gọi tên trở về Nam chiến đấu từ năm 1959, 1960, nhất là khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời vào ngày 20/12/1960. 

Tôi đang làm Đại đội trưởng Đại đội Pháo binh 105 ly.

Những tưởng pháo hạng nặng, chiến trường chưa cần. Không ngờ tôi cũng được chấm tên sớm về Nam năm 1961, chỉ huy Đại đội pháo, cối bộ binh Quân Giải phóng Quân khu 5.

Ngày ấy, yêu cầu giữ tuyệt đối bí mật có tầm quan trọng hàng đầu. Con đường giao liên sơ khai, thường được mở leo lên những đỉnh núi cao, hết sức hiểm trở. Địch không hề hay biết, không thể mò tới.

Trạm giao liên đầu tiên - trạm đầu mối của miền Bắc, đặt ở làng Ho, nằm sâu trong vùng núi cao của tỉnh Quảng Bình. Các chiến sỹ giao liên trẻ lắm. "Cậu bé" giao liên gùi thùng hàng nặng oằn lưng, dẫn đường đơn vị tôi leo lên đỉnh núi cao chót vót 1001. Trời ơi! Con đường hiểm trở đến mức có đoạn đã đào đất tạo ra những bậc thang, cắm chắc cọc để bám chân khỏi trượt ngã, có đoạn phải bám vào thân cây, rễ cây, đầu gối cụng mũi, mới leo lên được. Lên đến hơn hai phần ba dốc, một chục anh em vác cối 82, ĐKZ 57 bị trụt bắp chân, không leo lên được. Số anh em khỏe và "cậu bé" giao liên đã lộn trở xuống để hỗ trợ toàn đơn vị vượt qua đỉnh 1001 quanh năm bao phủ sương mù, buốt giá tê cóng.

Ngay từ ngày đầu tiên vượt Trường Sơn, "cậu bé" giao liên giàu tinh thần tận tụy, trách nhiệm ấy, đã gây cho tôi niềm xúc động, tự hào, lòng yêu mến, quý trọng và biết ơn.

Nhớ lại cuộc hành quân vạn dặm thời sơ khai mở đường Trường Sơn ngày ấy, tôi không bao giờ quên được bóng dáng nhỏ bé của người giao liên lầm lũi giữa rừng sâu, rất đỗi thân thương xúc động lòng người.

Khi lội qua đầu nguồn con nước nhỏ, có tiếng truyền đạt của người giao liên lan dài khắp đoàn quân: “Bến Hải vượt nhanh! Bến Hải vượt nhanh!!” 

Hai tiếng Bến Hải bỗng nhói tim tôi nỗi nhớ, niềm đau, rực lửa căm thù giặc. Đi trên đất Lào, người giao liên dẫn chúng tôi đi vòng vèo, quanh co sườn dãy núi cao hơn 1.802m. Nhìn về Trường Sơn đông là cả một thung lũng mây giăng dài dưới những ngọn núi. Ôi! Mình đã đi cả bên trên tầng mây mà không biết. Người giao liên bé nhỏ khom lưng dưới gùi đạn nặng trĩu, mồ hôi túa ròng ròng ướt sũng áo quần như tắm, chân vẫn đi thoăn thoắt, mặt thanh thản, vui tươi. Hình bóng em giao liên như cánh chim trời bay liệng trong gió, mây trên những đỉnh cao non ngàn.

Trở về Đông Trường Sơn, chúng tôi lại đi trên những lối mòn đất đỏ ba-zan chui lủi xuyên rừng thẳm, núi cao, hố sâu. Tiếng Kinh chưa sõi, cậu bé giao liên vừa đi vừa chặt cành cây rấp những con đường mòn cắt ngang và nói với chúng tôi: “Bộ đội chỉ được đi theo con đường mình dẫn thôi. Không được đi con đường rấp cành lá kia. Lạc trong rừng. Chết đấy! Cái chân mình nó không đi tìm được đâu! Cái chân mình chỉ đủ đưa bộ đội, đưa hàng vào rồi đưa người, đưa hàng ra là trời tối mà. Nó không kịp về trạm, ngủ giữa rừng không được đâu...".

Vượt qua đoạn đường 14 địa đầu tỉnh Kon Tum là chặng đường hành quân nguy hiểm nhất. Cậu bé giao liên dừng đơn vị nghỉ cách đường 100m và nói với chúng tôi: “Cấp trên dặn cháu nói với các thủ trưởng không được cho bộ đội nói to, làm ồn. Phải trải vải nhựa ở chỗ vượt qua đường và cho bộ đội canh gác xa ở hai đầu. Bộ đội phải im lặng chạy qua thật mau. Xong rồi, thu hết vải nhựa. Cấp trên bảo cháu ở đây mà lộ bí mật là Đảng đứt liên lạc đấy! Cháu làm không đúng, không tốt là bị phạt đấy, không được làm giao liên nữa…”.

Sau hơn 65 ngày chân đất vượt đại ngàn Trường Sơn, chúng tôi đến địa điểm đứng chân an toàn. Tâm trạng của mình là người về góp phần giải phóng quê hương hòa đồng với sứ mệnh của người giao liên Trường Sơn làm con thoi dệt đời thống nhất, giữ mạch máu Đảng chảy về tim nhân dân, khiến tim tôi rung động, cảm phục, muốn học tập làm thơ và viết bài thơ đầu tay "Ơi người giao liên!".

“Từ sớm tinh sương

Giao liên lên đường

Gùi hàng mang nặng

Nặng tình quê hương

Ơi người giao liên

Trường Sơn ta đó/Đẹp như bài thơ

Trời đã sang Xuân

Nắng bừng rực rỡ

Núi biếc giăng giăng

Mây choàng khăn trắng

Rẫy nương mơn mởn

Êm êm suối đàn

Ơi người giao liên

Có thấy chim Ch’rao

Lưng mây vẫy chào

Có nghe chim Ktía

Hót mừng anh kia: “Giao liên! Giao liên!/Trường Sơn vạn dặm/Anh đi tốt lành”

Ơi người giao liên

Xem kìa cá niên

Cá nu, cá sốc

Tung tăng ngang dọc

Vẫy anh dưới suối/: “Giao liên! Giao liên!/Chí cao hơn núi/Đá mềm dưới chân”

Ơi người giao liên

Nước non chia cắt

Bao người phương Bắc

Thương nhớ người Nam

Bao người Miền Nam

Ngóng trông người Bắc

Đau thương dằng dặc

Đất nước chờ anh

Mang về tin lành

Ơi người giao liên

Nhanh chân, nhanh chân

Đường xa sẽ gần

Mặc thác, mặc gành

Nắng mưa sẽ tạnh

Đi lên, đi mãi

Bắc Nam liền dải

Đường trong nối ngoài

Giữ mạch máu Đảng

Về tim Nhân dân

Ơi người giao liên

Tên anh dịu hiền

Dài theo Đất nước

Sớm chiều xuôi ngược

Đầu núi cuối trời

Anh làm con thoi

Dệt đời thống nhất

Làm thơ tôi hát

Theo anh khắp rừng

Khi anh lên đường

Từ sớm tinh sương./. 

(Giữa tháng 11/1961).

(Còn nữa)

 Ngày 2/5/2019
                                                                                                 Đại tá, nhà thơ Hồ Ngọc Sơn