Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 10/07/2020 - 06:35
(Thanh tra)- Ngày 14/10/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và giải pháp trong thời gian tới”; trong đó yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên không khai thác gỗ rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng diện tích đất rừng... Tuy nhiên, tình trạng phá rừng trái phép ở đây vẫn diễn biến phức tạp...
Lực lượng kiểm lâm Tây Nguyên tịch thu nhiều loại gỗ khai thác trái phép. Ảnh: NP
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại Hội nghị "Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên" tại Đắk Lắk mới đây, tổng diện tích rừng ở khu vực này là hơn 2,5 triệu ha, chiếm gần 18% diện tích rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực đạt hơn 45%, trong đó rừng tự nhiên gần 2,2 triệu ha, rừng trồng gần 370 ngàn ha.
Trên thực tế, nhiều diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ tại Tây Nguyên vẫn bị tàn phá nghiêm trọng; kéo theo việc mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật, chống người thi hành công vụ. Tình trạng tranh chấp về đất rừng trong nhân dân cũng kéo dài dai dẳng nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện gần 2.900 vụ vi phạm lâm luật; chủ yếu là khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép.
Diện tích rừng tự nhiên của khu vực Tây Nguyên tiếp tục bị suy giảm, riêng năm 2019, giảm gần 16 ngàn ha, tỷ lệ che phủ rừng khu vực giảm 0,09% so với năm trước.
Việc lấn chiếm đất rừng, phá rừng lấy đất trồng cây công nghiệp, lương thực đã diễn ra gay gắt từ nhiều năm nay, tập trung ở khu vực đất rừng giao cho các lâm trường, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng (BQL) và chính quyền địa phương quản lý; là một trong những tác nhân chính dẫn đến suy giảm diện tích rừng trên địa bàn. Bên cạnh đó, thời tiết khô hạn xảy ra trên diện rộng trong khu vực Tây Nguyên, là nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy rừng, mức độ thiệt hại quy mô lớn.
Năm 2019, diện tích rừng trồng ở Tây Nguyên tăng hơn 18 ngàn ha so với 2018. Tuy nhiên, rừng tự nhiên lại giảm hơn 15 ngàn ha, trong đó 3 tỉnh có diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh gồm: Đắk Lắk 11 ngàn ha, Đắk Nông hơn 7 ngàn ha và tỉnh Gia Lai gần 500ha...
Đáng chú ý là, có nhiều vụ phá rừng trái pháp luật quy mô lớn, thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh, manh động và có tổ chức xảy ra nhiều nơi.
Điển hình, tháng 6/2020, tại huyện Kbang, Gia Lai xảy ra 2 vụ khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 120, 122 lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Đak Smar và Sơ Pai.
Ngày 4/6/2020, tại hiện trường xã Sơ Pai có một bãi gỗ được cất giấu trong rừng, gồm: 38 hộp gỗ xẻ bằng lăng, khối lượng trên 8m3. Mở rộng địa bàn, lực lượng chức năng phát hiện tại tiểu khu 120, 122 thuộc lâm phần Công ty Lâm nghiệp Lơ Ku quản lý có 26 gốc cây bằng lăng, gội tía... bị khai thác trái phép. Tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại của 26 cây gỗ trên là 71m3. Ngoài ra, khối lượng gỗ đốn hạ, cưa xẻ còn tại hiện trường có khối lượng hơn 20m3.
Vào ngày 6/6, tiếp tục tuần tra, kiểm soát rừng trên địa bàn xã Đak Smar, phát hiện thêm 12 cây gỗ bị cưa hạ trái phép; với khối lượng gỗ thiệt hại là hơn 31m3. Tiếp đó, phát hiện thêm 55 lóng, hộp gỗ tròn, xẻ, với tổng khối lượng hơn 10m3 gỗ các loại.
Tại khu vực xã Hà Đông (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) thuộc lâm phần quản lý của BQL Rừng phòng hộ Đăk Đoa có hàng chục cây thông 5 lá - một loài cây quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam bị cưa hạ.
Ghi nhận tại hiện trường có 41 gốc cây bị cưa hạ, trong đó có 37 cây thông 5 lá bị hạ. Một số cây đã bị xẻ thành tấm, hộp vận chuyển ra khỏi rừng và còn tại hiện trường với đường kính gốc cây từ 45- 90cm. Kết quả đo đếm ước tính khối lượng thiệt hại khoảng 40m3 gỗ.
Cuối tháng 6/2020, Công an tỉnh Gia Lai phát hiện một vụ một vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép quy mô lớn trên địa bàn thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê (Gia Lai). Theo đó, lực lượng Cảnh sát Kinh tế phối hợp với Cảnh sát Cơ động, Công an tỉnh phát hiện 2 ô tô mang biển kiểm soát 51A-553.02 và 81A-214.84 vận chuyển gỗ có dấu hiệu khả nghi vào xưởng gỗ của Doanh nghiệp Tư nhân Hùng Ny (thôn Mỹ Thạch 3, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê).
Kiểm tra nhà kho chứa gỗ của doanh nghiệp này, tiếp tục phát hiện hàng trăm khúc gỗ căm xe, bằng lăng đang được chứa tại đây; nhưng chủ doanh nghiệp không xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc số gỗ trên.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm vùng IV (Bộ NN&PTNT), 5 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh Kon Tum đã phát hiện 193 vụ phá rừng với khối lượng gỗ hơn 666m3; diện tích rừng bị thiệt hại hơn 20ha. Riêng trong tháng 5/2020 tỉnh Kon Tum đã phát hiện 43 vụ phá rừng, tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Các vụ vi phạm lâm luật chủ yếu xảy ra tại các huyện Đắk Glei, Đắk Tô và Kon Plông.
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk rừng liên tục bị tàn phá không thương tiếc.
Tại tiểu khu 1219, thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) xảy ra vụ khai thác trái phép 14 cây pơ mu vào tháng 2/2020 và gần đây nhất là vụ cưa hạ 19 cây pơ mu vào tháng 4/2020. Năm 2019, tại tiểu khu này cũng xảy ra nhiều vụ khai thác trái phép gỗ pơ mu với hơn 50 cây bị chặt hạ.
Tại Lâm Đồng, năm 2019, xảy ra vụ đầu độc trên 10ha rừng thông tại huyện Lâm Hà với thủ đoạn rất tinh vi, liều lĩnh.
Các đối tượng phá rừng dùng khoan vào gốc cây và bơm chất diệt cỏ vào thân cây, làm toàn bộ số cây thông trên 10ha chết khô; với mục đích lấy đất sản xuất, chuyển nhượng trái phép.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm vùng IV cho biết, tồn tại lớn nhất hiện nay là nhiều chủ rừng ở các địa phương chưa lập được hồ sơ xác định rõ vị trí, nguyên nhân, trạng thái rừng bị biến động, thiệt hại theo đúng trình tự, thủ tục quy định; còn xảy ra tình trạng báo cáo không trung thực, kịp thời các vụ phá rừng, mất rừng đã xảy ra.
Mặt khác, công tác rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng còn nhiều bất cập, sai sót và chưa sát với thực tế; việc thực hiện các cơ chế, chính sách còn chậm, chưa có tính đột phá; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng chưa được đầu tư đúng mức...
Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thiếu kiên quyết trong việc chỉ đạo, thực hiện giám sát, xử lý các vụ phá rừng chưa nghiêm, chưa kịp thời.
Việc xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc xảy ra mất rừng vẫn chưa được nghiêm túc; dẫn đến hệ lụy rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá...
Nguyên Phê
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, sẽ kiên quyết xử lý, không để tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài; không thỏa hiệp với hành vi cố tình gây ô nhiễm môi trường…
Hải Hà
21:28 20/11/2024(Thanh tra) - Ngày 20/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 8834/BNN-ĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, đề nghị các địa phương chủ động ứng phó với mưa lớn.
Hoàng Nam
20:46 20/11/2024Uyên Phương
11:48 20/11/2024Hương Trà
14:31 19/11/2024Hoàng Nam
16:17 18/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
Kim Thành
Phương Anh
Thái Hải
Trần Quý
Nam Dũng
Lê Phương
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Trần Kiên