Tại Kon Tum, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã tạo ra bước đột phá, hiệu quả trong việc tạo nguồn lực tài chính ổn định, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng và phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững cũng như tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các chủ rừng là tổ chức. Các đơn vị chủ rừng đã chủ động về nguồn tài chính để triển khai các hoạt động bảo vệ rừng hiệu quả, góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng và phát triển rừng mới. 

Chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã tham mưu UBND tỉnh Kon Tum trong việc chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và các đơn vị chủ rừng là tổ chức và UBND các xã, thị trấn có khoán bảo vệ rừng mở tài khoản ngân hàng cho các hộ gia đình, cộng đồng, nhóm hộ để tiếp nhận tiền DVMTR.

Việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng đã góp phần đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo công khai, minh bạch, giúp chủ rừng thuận lợi hơn khi nhận tiền, tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại; hướng đến 100% tiền DVMTR được chi trả qua tài khoản ngân hàng theo quy định. Cụ thể: 

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã phối hợp với các ngân hàng và chính quyền địa phương triển khai mở tài khoản ngân hàng tiếp nhận tiền DVMTR cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã mở 3.371/3.376 tài khoản cho 3.381/3.386 hộ gia đình, cá nhân và 49/49 tài khoản cho 49 cộng đồng dân cư thôn; thực hiện chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng với tổng số tiền chi trả là 56.309 triệu đồng.

Theo báo cáo của các đơn vị chủ rừng là tổ chức Nhà nước, các UBND xã, thị trấn có khoán quản lý bảo vệ rừng đã mở 2.433/2.673 tài khoản và chi trả tiền DVMTR cho các hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn, tổ chức nhận khoán theo quy định với tổng số tiền 192.460 triệu đồng. Hiện nay, chỉ còn một số ít đơn vị, UBND xã do nhiều lý do khác nhau chưa mở được tài khoản ngân hàng cho các hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn nhận khoán. 

Ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết, việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, nhóm hộ đảm bảo công khai, minh bạch, giảm được số lượng cán bộ trực tiếp tham gia chi trả, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên liên quan, giảm thiểu sử dụng tiền mặt, đảm bảo sự an toàn trong quá trình chi trả và phù hợp với xu thế hiện nay.

Từng bước chuẩn hóa dữ liệu chi trả DVMTR

Theo ông Hồ Thanh Hoàng, để bảo vệ, duy trì được 383.898,70 ha rừng chi trả DVMTR cho trên địa bàn tỉnh Kon Tum (trải dài trên huyện và thành phố Kon Tum; 32 chủ rừng là tổ chức; 75 UBND cấp xã và 3.386  hộ gia đình, cá nhân và 49 cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừnglà hết sức khó khăn. Việc theo dõi, quản lý diện tích được chi trả DVMTR phải được thực hiện khoa học hơn, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, phù hợp với xu thế thời đại và chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của cấp trên. 

Xuất phát từ thực tế đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã có sáng kiến xây dựng và triển khai thực hiện phương án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động, số hóa cơ sở dữ liệu về diện tích rừng được chi trả DVMTR, quản lý các đối tượng sử dụng và cung ứng DVMTR. Quỹ đã tập huấn cho cán bộ UBND xã, thị trấn, kiểm lâm địa bàn để triển khai trong thời gian tới là "Đưa bản đồ cung ứng DVMTR từ bản đồ giấy sang điện thoại di động hoặc thiết bị thông minh phục vụ cho việc kiểm tra, xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR" nhằm giúp UBND xã, thị trấn triển khai công tác kiểm tra, xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm được thời gian và chi phí. 

Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum tiếp tục phát huy và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý công việc như: Phát huy hiệu quả việc xử lý công việc trên Hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành VNPT-Ioffice trong hoạt động của cơ quan; ban hành các quy chế, quy định (Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử; quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin). Thực hiện niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời các hoạt động của cơ quan; trình tự thủ tục, quy trình thanh quyết toán tiền DVMTR; hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn đã được cụ thể hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan gửi đến các đơn vị, đồng thời cập nhật trên Trang thông tin điện tử của cơ quan (http://www.kontumfpdf.vn) nhằm giảm chi phí về thời gian cho doanh nghiệp, các chủ rừng và người dân; cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu chi trả DVMTR vào hệ thống (http://dvmtr.siteam.vn/)sử dụng hệ thống thư điện tử Chính phủ (…@chinhphu.vn) và thư điện tử công vụ của tỉnh (...@kontum.gov.vn) trong trao đổi công việc, không sử dụng các dịch vụ thư điện tử được cung cấp miễn phí trên môi trường mạng (như: Yahoo mail, Gmail) để trao đổi công việc. Ông Hoàng nhấn mạnh.

Được biết, trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Kon Tum sẽ tiếp tục hướng dẫn,phối hợp với các chủ rừng là tổ chức, UBND các xã thị trấn được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh góp phần hoàn thành các mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh về việc sử dụng công nghệ hiện đại để cải thiện công tác quản lý, bảo vệ rừng./.

PV