Khai thác vượt công suất, gây ô nhiễm môi trường… còn phổ biến

Với 3 điểm mỏ, Công ty Cổ phần Khai thác cát sạn và Vận tải Thanh Chương đang là đơn vị khai thác cát lớn nhất ở huyện Thanh Chương. Tuy nhiên, công suất được cấp phép chỉ được gần 50.000m3/năm. Trên thực tế thì đơn vị này khai thác nhiều hơn so với công suất cho phép.

 Theo lý giải của ông Nguyễn Đình Định, Giám đốc Công ty Cổ phần Khai thác cát sạn và Vận tải Thanh Chương, việc cấp công suất trước đây giờ không phù hợp với hiện tại. Việc khai thác vượt sản lượng do cả yếu tố khách quan và chủ quan, đó là dự án cấp thấp mà nhu cầu xã hội cao, còn cố tình khai thác quá công suất, hay ý định khai thác tận thu thì doanh nghiệp đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Chương, trên địa bàn có 9 điểm mỏ đang hoạt động, trong đó chủ yếu là 7 điểm mỏ cát. Thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền huyện đã chú trọng công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường (TN&MT). Tuy nhiên, tình hình khai thác khoáng sản chưa được cấp phép vẫn xảy ra, có trường hợp đã bị xem xét, xử lý hình sự.

Ông Trình Văn Bằng, Trưởng phòng TN&MT huyện cho biết, trong công tác quản lý khoáng sản có một thực tế là ngoài các trường hợp đã được cấp phép thì vẫn có một số tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật, như khai thác ngoài khu vực cấp mỏ, khai thác cát không đúng thời gian quy định, quá trình khai thác, vận chuyển gây ảnh hưởng đến môi trường và vi phạm quy định về tải trọng, ảnh hưởng đến kết cấu, hạ tầng giao thông và an toàn giao thông. 

 Một thực tế khó khăn trong quản lý khoáng sản của các địa phương, nhất là khai thác cát lòng sông là do nhu cầu cát, sỏi, đất san lấp cho hoạt động xây dựng ngày càng cao, trong khi công suất được cấp phép khai thác tại các mỏ ít, không cung cấp đủ cho nhu cầu thị trường; số lượng mỏ thì ít, nhưng số lượng bến cát lại rất nhiều.

 Đơn cử như huyện Hưng Nguyên chỉ có 1 mỏ cát nhưng có đến 13 bến cát, bởi vậy, việc khai thác cát lậu rất khó kiểm soát. Theo ông Võ Xuân Trung, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện, công tác quản lý để xác định khai thác quá công suất rất khó khăn do phương tiện hiện tại chỉ có máy giám sát. Cùng với đó, hóa đơn, chứng từ khai thác không thực hiện, dù đã có giám sát trữ lượng nhưng khối lượng vào ra, hóa đơn trôi nổi không thế nắm bắt được.

Ngoài tình trạng khai thác "cát lậu" thì việc không giám sát được công suất khai thác tại các mỏ cát là thực tế đang diễn ra hiện nay ở hầu hết các địa phương có mỏ cát. Việc khai thác ồ ạt không đúng với giấy phép đã gây nên hệ lụy mà ngay bản thân những người làm nghề khai thác cát cũng nhận thức được điều đó. Họ đều kiến nghị cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý trong quá trình khai thác đối với doanh nghiệp, bởi khai thác vượt công suất sẽ gây thất thoát tài nguyên và ngân sách Nhà nước, đồng thời làm ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống thiên tai khi tác động trực tiếp đến kết cấu dòng sông gây sạt lở, làm giảm khả năng bảo vệ bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn nước cũng như công trình thủy lợi, đê điều... Do đó, ngành chức năng cần vào cuộc xử lý tình trạng khai thác cát lậu.

leftcenterrightdel
Phát hiện tàu hút cát vi phạm về công suất trên sông Lam, đoạn qua huyện Hưng Nguyên. Ảnh: HH 

Chú trọng công tác thẩm định, cấp phép, tăng cường giám sát, xử lý

Thời gian qua, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với chính quyền huyện và xã, các cơ quan liên quan làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, nhất là các hành vi khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường, trong đó có việc khai thác vượt công suất thiết kế và khai thác vượt ranh giới cấp phép mỏ...

 Điển hình, vào đầu tháng 10/2022, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 300 triệu đồng đối với Công ty TNHH Hoàng Nguyên khi khai thác vượt công suất cho phép gần 7.000m3 cát trong năm.

Đây là công ty được cấp phép khác cát trên sông Lam, đoạn từ xã Lưu Sơn (huyện Đô Lương) đến xã Cát Văn (huyện Thanh Chương). Theo phê duyệt cấp phép, công suất được phép khai thác cát hàng năm của công ty này là 23.920m3. Tuy nhiên, qua kiểm tra, trong năm 2021, công ty đã khai thác 30.751,5m3, vượt 28,5% công suất, với khối lượng vượt 6.831m3.

Cùng với xử phạt, UBND tỉnh cũng buộc công ty phải thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật do hành vi khai thác vượt công suất gây ra. Trước đó, Công ty TNHH Hoàng Nguyên đã 3 lần bị UBND huyện Đô Lương xử phạt với tổng số tiền 65 triệu đồng.

Mới đây, cũng trên dòng sông Lam, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an huyện Hưng Nguyên và chính quyền địa phương phát hiện 1 phương tiện đường thủy có đăng kiểm (NA2500) đang khai thác cát có dấu hiệu vi phạm về khai thác ngoài khu vực mỏ đã được cấp phép. Tại thời điểm kiểm tra, các đối tượng đều không xuất trình được hồ sơ, thủ tục được cấp phép liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định.

 Theo ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc Sở TN&MT Nghệ An, hoạt động khai thác khoáng sản đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế chung của tỉnh, đặc biệt đáp ứng nguyên vật liệu phục vụ hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư trọng điểm, dự án thu hút, góp phần xây dựng nông thôn mới, đóng góp ngân sách cũng như giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Tuy nhiên, qua đánh giá, vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản chưa cao; công tác phối hợp giữa các sở, ngành, các cấp thiếu chặt chẽ và đồng bộ. Công tác quy hoạch khoáng sản có nhiều bất cập; vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản, gây mất an toàn lao động, khai thác vượt công suất, gây ô nhiễm môi trường... Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động khoáng sản chưa được thường xuyên, kịp thời...

leftcenterrightdel
Nhiều tàu, thuyền đang chờ hút cát trên dòng sông chảy qua huyện Thanh Chương. Ảnh: Xuân Thống 

Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản, hiện nay, tỉnh đang tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý Nhà nước về khoáng sản, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Một trong những giải pháp và biện pháp quan trọng đó là nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, phê duyệt trữ lượng khoáng sản đảm bảo đúng quy định pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với UBND cấp huyện, xã cũng như việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, doanh nghiệp. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung theo hồ sơ thiết kế khai thác mỏ đã được thẩm định, phê duyệt; thực hiện kế hoạch đo đạc xác định trữ lượng khoáng sản đã khai thác thực tế để làm cơ sở xử lý trường hợp vi phạm khi phát hiện.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về khoáng sản; thực hiện công khai, minh bạch quá trình giải quyết hồ sơ, công việc và có chế tài xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi vi phạm như “bảo kê”, “tiếp tay” trong quá trình cấp phép, giám sát, kiểm tra hay xử lý vi phạm về khoáng sản.

Xuân Thống