Ngày 20/3, Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình đã có buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với 355 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình đã lắng nghe 24 ý kiến phát biểu. Trong đó, có 11 ý kiến của cán bộ, giáo viên; còn lại là ý kiến các sở, ngành và chính quyền địa phương.

Các ý kiến phát biểu tập trung vào 2 nhóm nội dung chính. Đối với nhóm các ý kiến về tổ chức bộ máy, biên chế giáo viên, cơ chế chính sách tập trung vào một số nội dung cụ thể như: Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; bất cập trong điều chuyển giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu, từ nơi thiếu ít đến nơi thiếu nhiều; cần có cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút giáo viên. Các ý kiến đề nghị bổ sung biên chế và tăng phụ cấp cho cán bộ quản lý của các trường sau sáp nhập.

Nhóm các ý kiến về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tập trung vào nội dung: Cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị trường học chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định và theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Việc sáp nhập trường theo Kế hoạch số 45 của UBND tỉnh thực hiện trước khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã nên ở một số địa phương cấp xã có 2 - 3 trường cùng cấp học trên cùng địa bàn khiến nguồn lực đầu tư bị phân tán.

Sĩ số học sinh/lớp ở một số trường trên địa bàn TP và thị trấn còn cao so với quy định; chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập nhiều năm gần đây vẫn giữ nguyên khiến tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường này chỉ khoảng 60 - 70%...

leftcenterrightdel
Cô Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Nam Thịnh (huyện Tiền Hải) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: M.T 

Phát biểu tại hội nghị, cùng với việc ghi nhận, đánh giá cao những cống hiến, nỗ lực vượt khó của ngành giáo dục, của mỗi thầy cô trong nhiều năm qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Tiến Thành cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần nghiêm túc xem xét, chấn chỉnh.

Cụ thể, là các vấn đề về quản lý giáo viên, quản lý học sinh, bạo lực học đường, lạm dụng các hoạt động giáo dục trải nghiệm; đặc biệt là tình trạng học thêm và dạy thêm tràn lan ở khu vực TP và các thị trấn thuộc các huyện.

“Dạy thêm, học thêm không có gì xấu, hình ảnh người thầy đi suốt cuộc đời mỗi con người, rất đáng trân trọng. Nhưng có một bộ phận giáo viên đang làm mất hình ảnh đẹp này khi thực hiện việc dạy thêm tràn lan, gây bức xúc trong dư luận, nhất là các bậc phụ huynh.

Chúng ta thử nghĩ xem, bậc tiểu học có cần phải học thêm nhiều không? Quy định không giao bài về cho học sinh khối tiểu học, nhưng thực tế tôi được biết chúng ta vẫn giao bài. Các con ngày 2 buổi đến trường, tối lại học thêm. Đêm khuya tiếp tục làm bài tập thầy cô giao hết sức vất vả, áp lực”- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình phân tích.

Lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cũng phải tự nhìn nhận thật rõ về những tồn tại hiện nay trong ngành Giáo dục và có sự chủ động trong khắc phục.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự hội nghị tiếp xúc, đối thoại. Ảnh:M.T

Trước hết, các huyện, TP phải thực hiện tuyển đủ số lượng giáo viên được phân bổ; triển khai dần hoạt động tự chủ trong trường học; rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện nay và cũng có thể tính đến cả việc sáp nhập để giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương.

Bên cạnh đó, chủ động xây dựng ngay đề án bố trí việc làm, đây là cơ sở quan trọng để tổ chức thăng hạng giáo viên; cùng với đó là đào tạo lại đội ngũ giáo dục để nâng cao trình độ, nhất là tiếng Anh.

Để giảm áp lực cho các nhà trường, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng, cần hạn chế các cuộc thanh tra, kiểm tra; giảm thiểu các cuộc thi không cần thiết trong trường học và siết chặt hoạt động học tập trải nghiệm đang bị lạm dụng, biến tướng.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải khẳng định, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của tỉnh hiện nay và tương lai lâu dài.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đề nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm một cách thiết thực, cụ thể hơn nữa để có những giải pháp đồng bộ, căn cơ nhằm kịp thời giải quyết những bất cập, khó khăn về chất lượng, phân bổ đội ngũ giáo viên, cơ chế, chính sách cho giáo viên.

Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực hợp lý để nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất; khảo sát, đánh giá việc sáp nhập trường học để có giải pháp tháo gỡ khó khăn phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; sớm hoàn thiện đề án xây dựng vị trí việc làm.

Đối với UBND tỉnh, ưu tiên, quan tâm hàng đầu đến công tác giáo dục và đào tạo; trong phân bổ nguồn lực, cần có chỉ đạo cụ thể, kịp thời để mỗi địa phương đều có sự đầu tư phù hợp cho giáo dục.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình yêu cầu, Sở Giáo dục và Đào tạo sớm đề ra giải pháp, kế hoạch khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong thẩm quyền; phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt hơn nữa công tác tham mưu, mạnh dạn đề xuất những cơ chế, chính sách để đổi mới công tác quản lý, huy động nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục...

Đối với các cơ sở giáo dục, cần quan tâm hơn đến công tác xây dựng Đảng trong trường học, nêu cao vai trò của cấp ủy trong việc quyết định những vấn đề quan trọng, chỉ đạo các phong trào trong nhà trường. Đội ngũ cán bộ quản lý tiếp tục phát huy sự sáng tạo của giáo viên, học sinh, khắc phục những tồn tại, bấp cập hiện nay, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp để giải quyết những vấn đề phát sinh.

Trọng Tài