Trước khi bắt đầu làm việc, các đại biểu dành 1 phút để tưởng nhớ đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh, tử nạn do cơn bão số 3 gây ra.

Các đại biểu cũng đã tiếp tục ủng hộ đồng bào vùng bão lũ nhằm sẻ chia, giúp đỡ đồng bào nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn, khắc phục hậu quả và ổn định lại cuộc sống.

Toàn bộ số tiền quyên góp được chuyển đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố để gửi tới Nhân dân bị ảnh hưởng do bão lũ.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu ủng hộ đồng bào vùng bão lũ. Ảnh: HH

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, kỳ họp này sẽ xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng, cấp thiết, đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Kỳ họp có khối lượng công việc lớn, với 20 nội dung gồm: 5 nội dung quy phạm pháp luật, 15 nội dung chuyên đề. Trong đó, một số nội dung có tác động lớn, quan trọng, đảm bảo an sinh xã hội của thành phố.

Có thể kể đến như: Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035; cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 và 5 năm 2021 - 2025, định hướng giai đoạn 2026 - 2030; phê duyệt chủ trương đầu tư; danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; xem xét phương án sử dụng ngân sách thành phố; mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chất lượng cao; danh mục dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế, xây dựng…

Học phí các trường công lập tự chủ, công lập chất lượng cao tăng tối đa 10%

Ngay sau khai mạc, trong sáng nay, HĐND thành phố đã xem xét, thông qua các nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao của thành phố Hà Nội năm học 2024 - 2025.

leftcenterrightdel
 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương trình bày tờ trình. Ảnh: HH

Theo đó, mức thu học phí năm học 2024 - 2025 sẽ tăng từ 0 - 10%, trong đó những trường có mức tăng cao nhất (10%) như: Trường Tiểu học Tràng An, THCS Nam Từ Liêm, THCS Cầu Giấy.

Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) có mức học phí cao nhất với 6,1 triệu đồng/tháng, mức này giữ nguyên như năm học 2023 - 2024.

Mức thu học phí đối với hình thức học trực tuyến (online) bằng 75% mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp (kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND).

Trình bày tờ trình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội có 298 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên (không bao gồm các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao), trong đó: 296 cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; 2 cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (không thuộc loại hình đơn vị trên).

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Mức thu học phí năm học 2024 - 2025. Ảnh: HH

Đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, tính đến tháng 7/2024 Hà Nội có 17 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chất lượng cao. Trong đó: 16 cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao tự bảo đảm chi thường xuyên; 1 cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (Trường THCS Chu Văn An - Long Biên).

Việc đề xuất là do giá dịch vụ giáo dục quy định tại Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND thành phố quy định giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách Nhà nước của thành phố Hà Nội được tính theo mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng, từ ngày 1/7/2024 mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng, vì vậy, cần thiết bổ sung chi phí tiền lương tăng thêm vào giá dịch vụ giáo dục bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí tiền lương theo quy định của Chính phủ.

Tại kỳ họp, báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố cũng bày tỏ đồng tình cao với tờ trình và dự thảo Nghị quyết trước khi đại biểu HĐND thành phố bấm nút thông qua.

Hải Hà