Đa dạng loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến nửa năm 2023, cả nước có khoảng gần 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động như: Du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề...

Những loại hình du lịch này ở nông thôn giúp phát triển kinh tế nông thôn và tạo sự gắn kết, tự hào về một miền quê tươi đẹp, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Bên cạnh đó, thế mạnh từ các sản phẩm nông sản tại nhiều địa phương để giới thiệu cho khách du lịch sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa phát triển du lịch, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản tốt hơn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo các chuyên gia, phải đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch. Bởi nông nghiệp không còn đơn thuần là trồng cây gì, nuôi con gì mà cần định hướng tạo ra những giá trị mới, phù hợp với xu thế mới. Gắn du lịch với phát triển nông nghiệp là điều không mới, nhưng cần làm thế nào để du lịch trở nên nhân văn, du lịch xanh và sinh thái hơn.

Ngoài ra, việc thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp "mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” cũng đã tạo ra số lượng sản phẩm đa dạng.

Đặc biệt, khi du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển sẽ có thêm việc làm cho giới trẻ, có thêm không gian để họ có những ý tưởng sáng tạo, hay có thể tận dụng chính những cảnh sắc làng quê thanh bình, những nét văn hóa đa dạng, những sản phẩm nông nghiệp phong phú để đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn.

Hiện nay loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang phát triển nhưng chưa đi đúng hướng và thiếu bền vững. Nông nghiệp, nông thôn phục vụ du khách phải làm sao để người nông dân, hợp tác xã, trang trại muốn làm du lịch ngay cả khi nông lâm thủy sản được tiêu thụ tốt; khi kinh tế nông nghiệp thành công và các doanh nghiệp lữ hành chung tay, đồng hành cùng các điểm đến nông thôn làm du lịch.

Tạo các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng của từng địa phương

Theo các chuyên gia, với thế mạnh sẵn có về nông nghiệp và với sự hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Việt Nam hoàn toàn có thể có ít nhất 63 sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng của từng địa phương.

 

Ở Đồng bằng Bắc bộ, nơi phát triển rực rỡ nhất và lâu đời nhất của nền văn minh lúa nước Việt Nam, có thể tập trung khai thác các tour làng nghề, nghề trồng lúa nước, văn hóa làng quê, đời sống nông dân.

 

Khu vực trung du và miền núi Bắc bộ có thể tạo điểm nhấn với nông nghiệp vùng cao: Lúa nương, ruộng bậc thang, cuộc sống của đồng bào dân tộc ít người.

 

Khu vực Duyên hải miền Trung, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn có thể tập trung vào khai thác đời sống ngư dân, diêm dân… 
 
Ở Tây Nguyên, định hướng phát triển các tour trang trại cà phê, hoa lan …

 

Đông Nam bộ đang tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thì có thể khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn.

 

Còn ở miền Tây Nam bộ (Đồng bằng sông Cửu Long), nhờ thiên nhiên ưu đãi tạo nên những đặc điểm văn hóa miệt vườn vô cùng độc đáo, là tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn khu vực này.

Thực tế cho thấy, đã có những mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn thành công khi tận dụng, khai thác nguyên vật liệu địa phương, món ăn độc đáo, văn hóa truyền thống của địa phương… để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản, mô hình kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn phát sinh từ nhu cầu thực tế nhưng chưa đầy đủ căn cứ pháp lý để thực hiện. Cần bổ sung, hoàn thiện chính sách về đất đai, quy định của pháp luật có liên quan, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho loại hình kinh tế này phát triển. Về lâu dài, các cơ quan chức năng, các địa phương cần đề xuất điều chỉnh chính sách đất đai, trong đó có quy định cụ thể về quỹ đất cho phát triển du lịch nông nghiệp bảo đảm quy mô, đáp ứng nhu cầu thực tế.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn không đơn thuần mang lại thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương mà còn tạo ra giá trị vô hình khác. Vì vậy, để thực hiện hiệu quả hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, cần có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn từ đất đai, khơi dậy nguồn lực, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Hiện Tổng cục Du lịch đã phát triển mô hình "Làng du lịch thông minh" (Smart Village) nhằm khai thác các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, sức mạnh của cộng đồng… hình thành các điểm đến có sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao, được du khách trong nước và nước ngoài tin cậy truy cập, tìm kiếm qua các website, mạng xã hội, ứng dụng công nghệ.

Thái Hải