Theo ông Trần Ngọc Hiếu, để chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng, ngay từ đầu mùa khô (thời điểm từ tháng 12/2023 đến đầu năm 2024) tỉnh Ninh Thuận đã quyết liệt thực hiện phương châm 4 tại chỗ, kịp thời ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất diện tích rừng bị thiệt hại nếu có xảy ra cháy.

Ngày đêm bám trụ bảo vệ rừng mùa khô

Để ghi nhận thực tế công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, chúng tôi đã theo chân lực lượng bảo vệ rừng đến các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn các huyện Bác Ái, Ninh Sơn và Thuận Nam.

Theo ghi nhận, do thời tiết khô hanh kéo dài liên tục trong nhiều tháng đã làm nhiều diện tích rừng dần trút hết lá, những hệ thực vật bậc thấp đã khô héo, tạo thành thảm thực bì dễ bén lửa.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, hiện nay cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn huyện Bác Ái và huyện Ninh Sơn là cấp IV (cấp nguy hiểm), trên địa bàn các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam và Thuận Bắc là cấp III (cấp cao).

Ghi nhận thực tế tại một số chốt bảo vệ rừng; chốt phòng cháy, chữa cháy rừng do Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu (huyện Bác Ái) đang tăng cường 100% quân số gồm: Kiểm lâm, nhân viên ban quản lý rừng, thành viên các tổ công đồng nhận khoán bảo vệ rừng của các thôn Phước Thắng, Phước Đại...

Các dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng như: Rựa dùng để phát quang, tạo các đường băng cản lửa, nhiều bình nước di động… đã được chuẩn bị đầy đủ để trong trường hợp phát hiện có cháy thì dập tắt ngay lập tức.

Ông Chamaléa Liên, thành viên tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng nhóm hộ 2, thôn Tà Lúa, xã Phước Đại, huyện Bác Ái chia sẻ: “Là người đồng bào RagLai, tôi đã nhận thức được các giá trị mà rừng mang lại, từ đó đã tham gia công tác bảo vệ rừng ở địa phương. Ngoài việc tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, vào mùa khô hanh như hiện nay tôi và nhiều anh em trong làng cũng khuyên bà con không được sử dụng lửa trong rừng và gần rừng, nhất là việc đốt nương làm rẫy".

leftcenterrightdel
 

Ngành Nông nghiệp Ninh Thuận bố trí nhiều chốt bảo vệ rừng túc trực 24/24 giờ để ngăn chặn kịp thời khi cháy rừng. Ảnh: Khoa Lê

“Từ đầu mùa khô đến nay các thành viên tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng chúng tôi thường xuyên đi tuần tra, kiểm soát việc ra vào rừng của bà con. Đặc biệt là khi đi rừng chúng tôi mang theo các dụng cụ chuyên dụng phòng cháy, chữa cháy rừng đã được chuẩn bị để trong trường hợp phát hiện có cháy thì dập tắt ngay lập tức.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã triển khai phát quang, tạo các đường băng cản lửa cho cánh rừng mà mình quản lý”, ông Liên nói.

Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu cho biết - đơn vị quản lý hơn 39,3 ha rừng, thuộc địa bàn 11 xã của 3 huyện Thuận Bắc, Bác Ái và Ninh Sơn, phần lớn diện tích rừng ở đây nằm xen kẽ với nương rẫy của người dân.

Trước nguy cơ xảy ra cháy rừng Ban đã thường xuyên tuần tra, kiểm soát rừng ở các khu vực trọng điểm, khu vực giáp ranh đang được các trạm bảo vệ rừng và các tổ cộng đồng quản lý bảo vệ rừng triển khai quyết liệt.

Ông Hiến cho biết thêm: “Hiện, chưa xảy ra vụ cháy nào trên lâm phần quản lý. Nhưng để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, thời gian qua lãnh đạo Ban Quản lý rừng thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc các trạm, chốt trực sẵn sàng lực lượng ứng phó khi có cháy rừng xảy ra. Đồng thời kiểm tra đột xuất chấn chỉnh việc thực hiện quy chế hoạt động của tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng trên lâm phần được khoán bảo vệ”.

Ngược về những cánh rừng đồi núi ở huyện Thuận Nam do Ban Quản lý Rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam quản lý, chúng tôi có thể cảm nhận sức nóng, mối nguy đe dọa lên những cành lá khô, lớp thực bì dày.

Ông Cao Văn Chương, Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Bầu Ngứ, xã Phước Dinh nói: “Trước nguy cơ tiềm ẩn gây ra cháy rừng khu vực đồi núi Ban đã phối hợp với các ngành liên quan tăng cường lực lượng gồm nhân viên trạm, cảnh sát cơ động, bộ đội viên phòng, kiểm lâm… phát dọn cỏ, cây bụi…

Đặc biệt là tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng”.

leftcenterrightdel
 

Ngành Nông nghiệp Ninh Thuận tăng cường tuần tra, kiểm soát trường hợp người dân dùng lửa trong rừng mùa khô. Ảnh: Khoa Lê

Trực 100% quân số

Ông Trần Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, từ đầu mùa cháy đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 điểm cháy rừng, chủ yếu trong khu vực rừng tự nhiên.

“Khi phát hiện điểm cháy, các lực lượng chuyên trách của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng đơn vị chủ rừng đã tiếp cận hiện trường, tổ chức dập lửa không gây thiệt hại về rừng”, ông Hiếu cho hay.

Theo ông Hiếu, thời tiết khô kéo dài có khả năng cháy lớn ở tất cả các loại rừng, tốc độ lửa lan tràn rất nhanh, nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn là rất cao.

Do đó, từ đầu năm đến nay, các lực lượng từ tỉnh đến huyện, xã đã tổ chức 162 đợt kiểm tra, truy quét chống phá rừng với 1.425 lượt người tham gia. Qua đó, phát hiện 22 vụ vi phạm.

Ông Hiếu nhấn mạnh: “Từ trước Tết Giáp Thìn 2024, các lực lượng như kiểm lâm, công an, chủ rừng, thành viên các tổ nhận khoán bảo vệ rừng cộng đồng đã ứng trực 24/24 giờ, đảm bảo 100% quân số. Cụ thể, lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách đã bố trí 107 điểm trực phòng cháy, chữa cháy rừng các trạm, đảm bảo duy trì lực lượng thường trực với hơn 310 người tham gia.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đã triển khai thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị chữa cháy để phát hiện và chữa cháy kịp thời các điểm cháy rừng, nhằm ngăn chặn và xử lý sớm các sự cố cháy rừng”.

Khoa Lê