Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, ông Trương Quốc Huy đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường.

Theo báo cáo, tỉnh Hà Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 9,41%, xếp thứ 5 trong vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 8 trên cả nước. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách đạt 14.656 tỷ đồng, vượt mức dự toán do Trung ương giao.

Về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuộc ngành quản lý của tỉnh với các khó khăn, vướng mắc tại địa phương, các đại diện lãnh đạo của Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên, Cục Khoáng sản, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tiếp thu và giải trình một số ý kiến, đề xuất của UBND tỉnh Hà Nam trong lĩnh vực quản lý đất đai, khoáng sản và môi trường.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh ghi nhận những thành tựu của tỉnh Hà Nam trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đặc biệt là trong lĩnh vực thu ngân sách.

Ông đề nghị tỉnh Hà Nam cần quan tâm đặc biệt đến công tác quản lý đất đai, nâng cao chất lượng quản lý dữ liệu đất đai, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý địa chất, khoáng sản, môi trường và thực hiện chiến lược “Phát triển bền vững, sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng, tài nguyên” theo mô hình “kinh tế tuần hoàn”.

Bộ sẽ tiếp thu và phối hợp với tỉnh trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý Tài nguyên và Môi trường.

Trước đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã tham dự lễ bàn giao Dự án Đầu tư xây dựng công trình tận dụng nhiệt thừa khí thải dây chuyền 1 và 2 để phát điện của Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn. Dự án có tổng mức đầu tư trên 454 tỷ đồng, công suất lắp đặt 12 MW. Sau 10 tháng khởi công xây dựng, vào tháng 1/2024, dự án đã hoàn thành và được đưa vào chạy thử. Kết quả cho thấy, toàn bộ 2 dây chuyền hoạt động ổn định, tổng công suất phát trung bình khoảng 12,3 MW, vượt so với công suất lắp đặt; điện năng tự dùng trung bình 5,69% công suất phát, giảm so với chỉ tiêu của hợp đồng là 7%; tiêu thụ nước thô giảm so với chỉ tiêu của hợp đồng là 0,01m3/Kwh.

Công trình sau khi đưa vào hoạt động đã giúp cung cấp từ 25 - 30% lượng điện sử dụng của toàn nhà máy, giảm nhiệt độ thải ra môi trường; gián tiếp giảm 86.000 tấn CO2 do không dùng điện từ nhà máy nhiệt điện; giảm nhiệt độ đầu vào cho các công đoạn sau nồi hơi, làm cho các quạt công nghệ hoạt động ổn định hơn; tăng tuổi thọ và hiệu suất lọc bụi điện; mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện là hệ thống phát điện sạch và xanh, làm giảm khí thải nhà kính, giảm bụi, tăng hiệu suất sử dụng thiết bị.

Chính Bình