Theo phân tích, trong thuốc lá chứa khoảng 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh như: Ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản...

Việt Nam thuộc nhóm 15 quốc gia trên thế giới có số người hút thuốc nhiều nhất. Mỗi năm cả nước có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào 2030, gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ trong toàn quốc nếu Việt Nam không phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu quả.

Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy chi phí kinh tế hàng năm cho việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 108 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP (năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia, bao gồm: 16,4 nghìn tỷ đồng từ chi phí y tế trực tiếp, 5,9 nghìn tỷ đồng từ chi phí gián tiếp do bệnh tật và 85,8 nghìn tỷ đồng do tử vong sớm. Ngoài ra hàng năm còn phải kể đến 49 nghìn tỷ đồng cho mua thuốc lá hút. Đây là những chi phí lớn, gây thiệt hại cho sự thịnh vượng của nền kinh tế nước nhà trong hiện tại cũng như trong tương lai mà hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Theo chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn, việc tăng thuế đối với sản xuất và tiêu thụ thuốc lá của Việt Nam là rất cần thiết, bởi với mức thuế chưa đến 40% như hiện nay là rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Việc tăng thuế đối với mặt hàng thuốc là cần tăng ở mức đủ lớn để làm chậm lại đà tăng trưởng về tiêu thụ và giảm tiêu dùng thuốc lá, đồng thời, phải được thực hiện hàng năm để tránh xói mòn do lạm phát. Việc tăng thuế đối với thuốc lá cũng không ảnh hưởng đến sự gia tăng của thuốc lá nhập lậu bởi thực tế, việc nhập lậu thuốc lá chỉ là đối với một số nhãn hàng cụ thể (jet, hero, 555)… Bên cạnh đó, khi giá thuốc lá trong nước tăng lên do thuế tăng, thì giá thuốc lá lậu cũng sẽ tăng theo chứ không giữ nguyên như trước. Mặt khác, nếu các cơ quan chức năng tiếp tục làm tốt, làm quyết liệt trong công tác phòng, chống buôn lậu, thì việc tăng thuế đối với thuốc lá sẽ không ảnh hưởng đến việc nhập lậu thuốc lá.

Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, đến từ Tổ chức Y tế thế giới, trong giai đoạn từ 2010 - 2020 (mặc dù có các lần tăng thuế 2016, 2019), giá/thuế thuốc lá tăng hầu như không đáng kể. Trong khi đó, thị trường sản phẩm quá đa dạng, nhiều loại thuốc rẻ tiền, khiến người mua có thể dễ dàng lựa chọn thay thế để giữ nguyên mức chi.

Theo bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, thuốc lá rất có hại cho sức khỏe và gây nên hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có tới hàng chục nghìn ca tử vong do thuốc lá, và những ca tử vong này đều có thể phòng ngừa được.

Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt là thực trạng giá thuốc lá rất rẻ ở Việt Nam. Trong những năm vừa qua, thuốc lá ngày càng trở nên phù hợp với túi tiền của người dân hơn bởi giá của nó vẫn được giữ nguyên, trong khi thu nhập lại tăng. Đây là điều chúng ta cần thay đổi. Tăng thuế thuốc lá là cách nhanh và hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này.

"Mô hình của chúng tôi cho thấy tới năm 2030, việc áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 15.000 đồng/bao thuốc, cộng thêm với mức thuế sản phẩm bằng 75% giá xuất xưởng hiện tại, sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030, phù hợp với mục tiêu quốc gia.

Quan trọng hơn, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng đáng kể doanh thu thuế hàng năm, mang lại thêm 29,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 so với năm 2020.

Mức thuế cao hơn này là một khuyến nghị rất mạnh mẽ của Tổ chức Y tế thế giới và chúng tôi mong muốn được làm việc với các nhà hoạch định chính sách trong những tháng tới để trình bày về những bằng chứng và lập luận cho sự thay đổi này. Chúng tôi hy vọng các nhà báo có mặt ở đây ngày hôm nay sẽ cùng hợp tác với chúng tôi để biến nỗ lực này thành hiện thực", bà Angela Pratt cho biết.

Hoàng Nam