Cơ quan BHXH không nợ chi phí KCB
Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã luôn đồng hành cùng ngành Y tế, các cơ sở KCB BHYT tích cực chủ động tìm và triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở KCB.
Theo đó, nhiều khó khăn, vướng mắc trong KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam đã từng bước được giải quyết, tạo thuận lợi cho các cơ sở KCB và đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tham gia BHYT theo luật định.
Trong các vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam, một số vấn đề đã được giải quyết nhanh chóng.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho hay, trong các năm 2016 - 2019, chi KCB BHYT hằng năm gia tăng mạnh, tình trạng bội chi quỹ lớn, nhiều cơ sở KCB bị vượt quỹ, vượt trần thanh toán tuyến 2, vượt dự toán. Thời điểm quyết toán đó, nhiều chi phí chưa được thuyết minh đúng quy định, chưa đủ hồ sơ thủ tục dẫn đến chưa đủ căn cứ đưa vào quyết toán.
Cơ quan BHXH đã chủ động tăng cường phối hợp với các cơ sở KCB để xử lý các vấn đề còn vướng mắc, đảm bảo việc thanh quyết toán chi phí KCB BHYT đúng tiến độ, quy định của luật pháp.
“Các chi phí chưa đủ điều kiện quyết toán trước năm 2020 đã được cơ bản giải quyết, do vậy đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn về kinh phí cho các cơ sở KCB. Cơ quan BHXH không nợ chi phí KCB của các cơ sở KCB, các chi phí tồn đọng là do chưa đủ căn cứ đưa vào quyết toán theo quy định”, ông Phúc nhấn mạnh.
Cạnh đó, nhằm đảm bảo kinh phí cho các cơ sở KCB hoạt động, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh thực hiện quyết toán hằng quý để chuyển tiền thanh toán và tạm ứng kinh phí cho hoạt động quý sau.
Giai đoạn dịch Covid-19, nhiều cơ sở KCB khó khăn về kinh phí, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tạm ứng đầy đủ, nếu khó khăn, báo cáo BHXH Việt Nam để được giải quyết.
Ngành BHXH Việt Nam cũng tích cực phối hợp với các cơ sở KCB cải tiến, xử lý các vướng mắc về thủ tục KCB bằng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID- BHXH số”, chuẩn hóa dữ liệu đưa lên Cổng Giám định.
Hiện tại, BHXH Việt Nam đang cùng BHXH TP Hà Nội hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai chuẩn hoá dữ liệu của trên 100 nghìn hồ sơ bệnh án trong 6 tháng đầu năm 2022 để đảm bảo chính xác giữa dữ liệu trong bệnh án và dữ liệu XML trên Cổng Giám định.
Để đảm bảo việc thanh quyết toán chi phí KCB BHYT cho cơ sở y tế, trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn tạm thời thanh toán chi phí gây mê, gây tê.
“Việc hướng dẫn thanh toán trên đảm bảo đủ các chi phí thuốc đã dùng trong phẫu thuật của bệnh viện. Bộ Y tế cũng đồng thuận với hướng dẫn tạm thời này của BHXH Việt Nam”, cơ quan bảo hiểm cho hay.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế triển khai nhiều giải pháp để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân BHYT như: Hướng dẫn việc ký hợp đồng và thanh toán chi phí KCB BHYT đối với bệnh viện dã chiến, bệnh viện chuyển đổi công năng; hướng dẫn thanh toán chi phí xét nghiệm SARS-CoV2 với bệnh nhân có thẻ BHYT…
Còn nhiều vướng mắc, cần phối hợp tháo gỡ
Dù vậy, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT. Vì vậy, BHXH Việt Nam đã cử đoàn công tác xuống nắm bắt tình hình trực tiếp tại một số cơ sở KCB tại Hà Nội, TP HCM, tỉnh Đồng Nai.
Sau đó, cơ quan BHXH đã tổ chức hội nghị để bàn với ngành Y tế tháo gỡ vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí KCB BHYT.
“Mục tiêu hướng tới là đảm bảo nguồn kinh phí KCB BHYT để tạo điều kiện tốt cho các cơ sở KCB tổ chức cung ứng dịch vụ y tế cho người tham gia BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT theo đúng các quy định của pháp luật; mặt khác tối ưu hóa nguồn quỹ BHYT, quản lý và sử dụng hiệu quả hơn nữa...”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho hay.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng chi phí KCB BHYT vượt trần thanh toán, vượt dự toán, hoặc do một số nguyên nhân khác chưa được quyết toán do các địa phương đề nghị thanh toán bổ sung (tại 28 tỉnh TP, 320 cơ sở KCB) là 1.601 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, theo ông Lê Văn Phúc, một số khó khăn vướng mắc thuộc về cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, Chính phủ.
Cụ thể, một số chi phí thuốc, vật tư y tế chưa được thanh toán cho các bệnh viện như xác định tính hợp pháp của việc mua sắm thuốc theo hình thức chỉ định thầu tại Bệnh viện Chợ Rẫy; mua sắm vật tư y tế (VTYT) theo hình thức chỉ định thầu rút gọn tại Bệnh viện Thống Nhất TP HCM, các cơ sở y tế tại Hải Phòng...
Việc thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật từ các máy mượn, máy đặt, máy xã hội hoá chưa chuyển đổi hình thức sở hữu theo quy định tại Nghị định 151 cũng đang gặp vướng. Chi phí bị “treo” này đang khiến nhiều lãnh đạo bệnh viện lo ngại.
Đặc biệt, hện vẫn chưa có hướng dẫn quyết toán chi phí KCB năm 2021, trong khi năm 2021 đã phát sinh một số vấn đề mới mang tính đặc thù.
“BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp với cơ sở KCB tổng hợp, chuẩn hoá, hoàn thiện số liệu chi phí đưa vào quyết toán năm 2021 (gồm số phát sinh trong năm 2021 và trước năm 2021); thực hiện xác định tạm thời tổng mức thanh toán theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, ông Phúc thông tin, khi có quyết định của cấp thẩm quyền, BHXH Việt Nam sẽ chỉ đạo, hướng dẫn.
BHXH Việt Nam cũng đang tiếp tục hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ như: Quy trình Giám định BHYT; quy trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tạm ứng thanh quyết toán chi phí KCB; triệt để ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo thực hiện minh bạch, hiệu quả, tạo thuận lợi cho các cơ sở KCB BHYT, hạn chế tối đa chồng chéo giữa các nghiệp vụ giám định, kiểm tra, kiểm toán.
Được biết, để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho cơ sở y tế, đảm bảo quyền lợi của người bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã đề nghị các vụ, cục của bộ này nhanh chóng xác định danh mục công việc theo thẩm quyền, trách nhệm của mình, đặt ra thời hạn xử lý cụ thể từng vấn đề.
Ở góc độ của cơ quan BHXH, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, BHXH Việt Nam sẵn sàng cùng ngành Y tế làm rõ vướng mắc, cùng nhau xử lý dứt điểm trong thời gian sớm nhất.
Còn về nhóm khó khăn, vướng mắc không phải xuất phát từ cơ chế chính sách, mà do phát sinh trong triển khai phối hợp thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam sẽ sớm giải quyết.
Ông Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam hướng dẫn, chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp với các cơ sở KCB tiếp tục rà soát các chi phí KCB BHYT chưa được thanh toán trước năm 2021, đảm bảo đủ hồ sơ, điều kiện để báo cáo, đề xuất với Hội đồng quản lý đưa vào quyết toán năm 2021 và cần xử lý dứt điểm, không kéo dài.
Ngoài ra, tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh để thực hiện tạm ứng, quyết toán đúng quy định, đảm bảo tiến độ.